Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nhận tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm sẽ thúc đẩy phát triển bền vững

Tài sản số và tín chỉ carbon đang trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Đưa tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản đảm bảo giúp Việt Nam có cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong phát triển tín dụng xanh, tín dụng số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4, tại Hà Nội.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng28/04/2025

Định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon. Như Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025; Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam... Đây là những ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi như tài sản số và tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. “Chính vì vậy, nếu coi tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm ngân hàng, ngân hàng sẽ e ngại bởi khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào phải dựa trên cơ sở pháp lý được quy định rõ ràng. Hiện chưa có quy định pháp luật nào chỉ ra, ngoài các tài sản bảo đảm thông thường, truyền thống thì tín chỉ carbon, tài sản số có thể coi là tài sản bảo đảm”- TS. Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ.

Dẫu vậy tại một số quốc gia, tín chỉ cacbon đã được công nhận là một tài sản đảm bảo. TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam cho biết, theo luật bảo đảm kinh doanh của Thái Lan, nước này đang xem xét công nhận tín chỉ cacbon là tài sản đảm bảo cho các giao dịch tài chính. Bộ Phát triển kinh doanh ( Thái Lan) đã thảo luận với các cơ quan liên quan để thúc đẩy tín chỉ carbon có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, đặc biệt là các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu. Tại thị trường châu Âu, EUA được công nhận là công cụ tài chính theo chỉ thị về thị trường công cụ tài chính cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch và sử dụng các giao dịch tài chính phái sinh ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) triển khai các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng, bao gồm việc hạn chế tài sản có lượng phát thải cao được sử dụng làm tài sản đảm bảo.

Công nhận tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm sẽ thúc đẩy phát triển bền vững
Toàn cảnh toàn cảnh tọa đàm (Ảnh Hoàng Giáp)

Cần thí điểm trước khi triển khai rộng rãi

Theo các chuyên gia, nếu kịp thời xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đưa tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản đảm bảo, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong phát triển tín dụng xanh, tín dụng số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho loại hình này, TS. Giacomo Merello- Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh Tài sản Kỹ thuật số Antigua & Barbuda, đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Cộng hòa Singapore cho rằng: Việt Nam có thể tận dụng các bài học toàn cầu như thiết lập luật rõ ràng về tiền điện tử như tài sản/thế chấp; thực hiện các quy tắc cấp phép và lưu ký, và khuyến khích mã hóa (trái phiếu kỹ thuật số) tại trung tâm tài chính theo kế hoạch của mình.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Vũ Thị Vân Anh khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo một hành lang pháp lý vững chắc. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể, làm rõ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, việc bổ sung các văn bản pháp lý hỗ trợ, như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành các thông tư hướng dẫn, là vô cùng cần thiết. Để đảm bảo tính khả thi trước khi triển khai rộng rãi, cơ quan quản lý nên tiến hành thí điểm tại một số TCTD. Cuối cùng, việc phối hợp xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối với sàn giao dịch carbon quốc gia và hệ thống tín dụng, sẽ tạo ra một nền tảng minh bạch và hiệu quả cho việc quản lý và giao dịch tín chỉ carbon.

Song song với nỗ lực của cơ quan quản lý, TS. Vũ Thị Vân Anh cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể quản lý hiệu quả tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo. Điều này bao gồm việc xây dựng bộ phận chuyên trách hoặc hợp tác với các đơn vị có chuyên môn để thực hiện thẩm định giá trị và tính pháp lý của tín chỉ carbon. Công tác đào tạo cán bộ tín dụng và quản lý rủi ro về thị trường carbon, phương pháp định giá và các khía cạnh pháp lý liên quan cũng cần được chú trọng.

Gợi ý một số hướng đi để xây dựng khung pháp lý cho tài sản đảm bảo là tài sản số, tín chỉ carbon, TS. Giacomo Merello cho rằng, bất kỳ khuôn khổ pháp lý nào cho tài sản kỹ thuật số ở Việt Nam cũng phải hướng tới mục tiêu kép, vừa tạo điều kiện cho sự đổi mới và thu hút đầu tư, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính. Để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả cho tài sản kỹ thuật số, Việt Nam cần đồng thời giải quyết các vấn đề về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) cũng như các chính sách thuế. Việt Nam có thể nghiên cứu mức thuế 0,1% đối với tiền điện tử. Đồng thời, các cơ quan quản lý có thể khuyến khích sự đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bằng cách yêu cầu tính minh bạch của tài sản thế chấp; và giám sát chặt chẽ tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, nhằm bảo vệ sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam, nhấn mạnh, dù các vấn đề về thể chế và pháp lý của tài sản số được nhắc đến nhiều, điều mà doanh nghiệp thực sự quan tâm là những ứng dụng thiết thực, có thể triển khai ngay vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo ông, các giải pháp cụ thể mang lại lợi ích trực tiếp mới là yếu tố then chốt đối với doanh nghiệp, hơn là chỉ tập trung vào các khung pháp lý.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/cong-nhan-tai-san-so-tin-chi-carbon-la-tai-san-bao-dam-se-thuc-day-phat-trien-ben-vung-163475.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm