Di sản sống từ hiện vật đến ký ức cộng đồng
Trưng bày “Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã tạo dấu ấn không chỉ ở số lượng hiện vật quý hiếm, mà còn ở hình thức tổ chức: Lần đầu tiên, các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại cả bảo tàng công lập lẫn tư nhân cùng xuất hiện trong một không gian chung.
Không gian trưng bày 17 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đây là một trưng bày quy mô và có ý nghĩa sâu rộng. “Chúng tôi giới thiệu 17 bảo vật quốc gia, tạo nên bức tranh tổng thể về lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến cận - hiện đại. Trong đó có 4 hiện vật thuộc văn hóa Chămpa, 8 hiện vật Óc Eo và các hiện vật tiêu biểu khác. Việc có thêm chõ gốm Đông Sơn - bảo vật do bảo tàng gốm tư nhân đóng góp giúp hoàn thiện hơn dòng chảy di sản”.
Chiếc chõ gốm Đông Sơn được làm từ đất nung ở nhiệt độ khoảng 900°C, có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm, là vật dụng truyền thống dùng để đồ xôi hoặc hấp thực phẩm. Đây là chiếc chõ nguyên vẹn, lớn nhất và hài hòa nhất về hình dáng trong số các hiện vật cùng loại được phát hiện. Đặc biệt, hiện vật này do diễn viên, nhà sưu tập Phạm Gia Chi Bảo sưu tầm, bảo quản và được công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 12/2024.
Ông Chi Bảo - người sáng lập không gian trưng bày Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước hiện sở hữu hơn 1.000 hiện vật, trong đó có hơn 400 hiện đang được trưng bày, chia sẻ: “Tôi thích sưu tầm gốm vì yêu vẻ mộc mạc, duyên dáng của chúng. Mỗi khi mang về được một hiện vật đại diện cho một nền văn hóa, tôi rất mừng và tôi luôn muốn giới thiệu lan tỏa đến các bạn trẻ lịch sử và văn hóa dân tộc”.
Bảo vật chõ gốm của một nhà sưu tập tư nhân hiện diện cùng các bảo vật quốc gia khác trong không gian trang trọng của bảo tàng công lập, ông Chi Bảo gọi đây là “vinh dự lớn để tiếp tục cuộc hành trình đồng hành cùng các bảo tàng nhà nước trong việc duy trì sức sống của hiện vật và mang lại nhiều giá trị cho công chúng”.
Trưng bày 17 bảo vật không chỉ là sự kiện bảo tàng, mà còn là thông điệp mạnh mẽ: ký ức dân tộc không thể chỉ cất trong kho lưu trữ mà chúng cần được kể lại, chia sẻ và sống cùng cộng đồng.
Trong dòng chảy ấy, một ví dụ khác đáng chú ý là việc gia đình cố Luật sư Ngô Bá Thành đã trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh bản in roneo lời kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến. Hiện vật này thể hiện rõ tinh thần gìn giữ ký ức như một sứ mệnh của người dân. Bà Ngô Thị Phương Thiện - con gái cố Luật sư, hiện là Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi tin rằng những tài liệu này sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn giá trị của hòa bình, điều không phải tự nhiên có, mà phải đánh đổi bằng bao hy sinh của các thế hệ đi trước”.
Mô hình mới cho gìn giữ di sản đô thị
Từ một hiện vật hiến tặng đến một không gian bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng tư nhân đang cho thấy vai trò ngày càng lớn trong việc lưu giữ, phục dựng và lan tỏa di sản văn hóa.
Ông Phạm Gia Chi Bảo, Giám đốc Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước chia sẻ nhiều tâm huyết với việc đồng hành giữ gìn di sản.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố có 30 cuộc triển lãm chuyên đề và 66 trưng bày lưu động, thu hút gần 46.000 lượt khách. Trong đó, không ít được tổ chức với sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập: Hội cổ vật, các nhóm nghệ sĩ, trường học, nhà sưu tập tư nhân. Những cú bắt tay này đang góp phần làm đa dạng nội dung trưng bày, mở rộng đối tượng tiếp cận, đổi mới cách tiếp cận với di sản.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh nhìn nhận:
“Di sản không nằm yên trong kho lưu trữ hay trong những tủ kính. Di sản cần được sống cùng cộng đồng. Những mô hình hợp tác giữa bảo tàng và nhà sưu tập, tổ chức xã hội, gia đình truyền thống là cách để làm giàu thêm đời sống văn hóa thành phố, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử một cách sinh động, gần gũi hơn”.
TP Hồ Chí Minh hiện đang đẩy mạnh các chính sách xã hội hóa bảo tàng, trong đó bao gồm: hỗ trợ các không gian tư nhân đủ điều kiện gia nhập hệ thống bảo tồn; khuyến khích hiến tặng hiện vật; thúc đẩy trưng bày lưu động; ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách kể chuyện di sản.
Bên cạnh đó, các bảo tàng công lập cũng ngày càng chủ động hơn trong kết nối và chia sẻ nguồn lực. TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Việc bảo tàng gốm tư nhân của ông Chi Bảo góp mặt cùng Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã thể hiện sự xã hội hóa di sản một cách sinh động. Đây không chỉ là một cuộc trưng bày, mà là dấu hiệu cho thấy di sản có thể trở thành chất liệu kết nối các thế hệ, nếu chúng ta cùng chung tay”.
Bảo tàng tư nhân nếu được nhìn nhận đúng vai trò có thể trở thành cánh tay nối dài của hệ thống công lập. Ở đó, sự đam mê và chuyên môn, sự tự do sáng tạo và khuôn khổ quản lý cùng song hành để kiến tạo một hệ sinh thái di sản năng động, gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, các bảo tàng tư nhân như không gian Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước còn chủ động mở rộng chức năng phục vụ giáo dục và nghiên cứu.
Ông Chi Bảo cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức các chương trình trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên để giúp các em hiểu hơn về gốm cổ và lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng sẽ phối hợp với các trường đại học, cũng như bảo tàng trong và ngoài nước, để phát triển tài liệu nghiên cứu phục vụ giảng dạy và khảo cổ học”.
Từ một chiếc chõ gốm hơn 2000 năm tuổi đến những tờ bản in roneo cũ kỹ, từ bảo tàng nhà nước đến bộ sưu tập tư nhân, các hiện vật đang “lên tiếng” mạnh mẽ trong đời sống văn hóa TP Hồ Chí Minh. Và tiếng nói ấy trở nên vang xa khi được cộng hưởng bởi hai bàn tay một của nhà nước, một của nhân dân cùng gìn giữ, kể lại và trao truyền.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cu-bat-tay-cong-tu-trong-hanh-trinh-gin-giu-di-san-a424359.html
Bình luận (0)