Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

‘Cú hích’ khơi dậy đam mê gốm Biên Hòa trong lòng gen Z

Nghề gốm thủ công mỹ nghệ Biên Hòa với bề dày lịch sử lâu đời, đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa và bản sắc Đồng Nai. Những sản phẩm gốm tinh xảo không chỉ là vật dụng trang trí mà còn là những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng hồn cốt của đất và người nơi đây.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai10/05/2025

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và những thay đổi trong tư duy, xu hướng tiêu dùng của xã hội hiện đại, nghề gốm truyền thống nói chung và gốm Biên Hòa nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đặc biệt trong việc thu hút và giữ chân thế hệ trẻ.

Festival gốm Biên Hòa: Kết nối giới trẻ với nghề gốm truyền thống

Trong bối cảnh đó, Festival gốm Biên Hòa năm 2025 vừa qua đã mang đến một tín hiệu tích cực, thổi một "làn gió mới" vào không gian văn hóa truyền thống. Sự kiện không chỉ thu hút đông đảo người dân địa phương mà còn tạo được sự quan tâm đặc biệt từ giới trẻ. Thông qua các hoạt động đa dạng và hấp dẫn, festival đã mở ra “cánh cửa” để người trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa và giá trị của nghề gốm truyền thống Biên Hòa.

Festival gốm Biên Hòa năm 2025 thu hút khá đông người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm gốm truyền thống Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Anh Đinh Chí Bảo (sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Sài Gòn) chia sẻ: “Là một người dân của Biên Hòa, tôi ấn tượng với Festival gốm Biên Hòa năm 2025, đặc biệt là những sản phẩm gốm đặc sắc thể hiện lịch sử lâu đời của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là hoạt động góp phần lan tỏa, kết nối những giá trị truyền thống, văn hóa về gốm Biên Hòa nói riêng và làng nghề gốm truyền thống trên cả nước nói chung đến với người dân, đặc biệt là những người trẻ như tôi”.

Festival không chỉ đơn thuần là một hoạt động quảng bá mà còn là một "cuộc đối thoại" giữa quá khứ và hiện tại. Giới trẻ được trực tiếp chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm truyền thống, lắng nghe những câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, từ đó khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa của quê hương.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhà thiết kế của Công ty CP Gốm Việt Thành (thành phố Biên Hòa) cho rằng, giới trẻ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm gốm Biên Hòa. Thời gian qua, bên cạnh những dòng sản phẩm truyền thống, công ty cũng đẩy mạnh phát triển nhiều dòng sản phẩm dành riêng cho giới trẻ, kết hợp giữa những tinh hoa gốm truyền thống với thị hiếu, thẩm mỹ của giới trẻ.

Anh Đinh Chí Bảo (sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Sài Gòn) ấn tượng với những sản phẩm gốm Biên Hòa, trong đó có các sản phẩm gốm đặc sắc thể hiện lịch sử lâu đời của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: Hải Hà

Đồng thời, sự kiện cũng là cơ hội để họ tiếp cận với những doanh nghiệp gốm năng động, những người đã và đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo để đưa gốm Biên Hòa hội nhập với thị trường hiện đại.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival chính là việc các doanh nghiệp gốm đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiếp thị. Những sản phẩm gốm không còn đơn thuần mang dáng vẻ cổ điển mà đã "khoác lên mình" những thiết kế mới mẻ, độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm cũng cho thấy sự nhạy bén và khả năng thích ứng của các nghệ nhân và doanh nghiệp gốm Biên Hòa trong kỷ nguyên số. Điều này đã góp phần xóa bỏ định kiến về một nghề truyền thống "khô khan" hay "lỗi thời" trong mắt giới trẻ.

* Mở rộng các kênh quảng bá, giới thiệu về gốm Biên Hòa

Hiện tại, thế hệ trẻ không chỉ tìm kiếm những giá trị văn hóa hay lịch sử đơn thuần, mà còn mong muốn nhìn thấy sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Thông qua Festival, hầu hết người trẻ đều kỳ vọng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ đẹp về hình thức mà còn mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống đương đại, thể hiện được cá tính và phong cách riêng.

Tọa đàm Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập vừa được tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival Gốm truyền thống Biên Hòa năm 2025 thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên ngành mỹ thuật tham gia. Ảnh: Hải Hà

Bên cạnh đó, sự minh bạch trong quy trình sản xuất, câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi sản phẩm và những giá trị bền vững mà nghề truyền thống mang lại cũng là những yếu tố thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Họ mong muốn được tham gia vào một cộng đồng sáng tạo, nơi những giá trị truyền thống được gìn giữ, trân trọng nhưng vẫn có không gian cho sự đổi mới và trải nghiệm sáng tạo.

Tuy nhiên, để thực sự "giữ hồn" làng nghề và thu hút sự tham gia lâu dài của thế hệ trẻ, những nỗ lực từ một sự kiện là chưa đủ. Điều mà giới trẻ kỳ vọng hơn cả là những hoạt động trải nghiệm thực tế, những chương trình giáo dục mang tính tương tác cao, giúp họ có thể vừa am hiểu về văn hóa lịch sử, đồng thời được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo, quy trình làm gốm.

Tại tọa đàm Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập vừa được tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival Gốm truyền thống Biên Hòa năm 2025, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Trương Đức Cường cho biết, những buổi tọa đàm, hoạt động kết nối thực tế, phát triển làng nghề du lịch về gốm sẽ là cầu nối hiệu quả để khơi dậy niềm đam mê và sự yêu thích đối với nghề truyền thống gốm Biên Hòa.

Nhà trường hy vọng trong thời gian tới, mô hình Con đường gốm Biên Hòa sẽ được đầu tư bài bản để có thể kết nối đến người dân, nhất là đối với các bạn sinh viên, giới trẻ. Qua đó, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống, quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa.  

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để người trẻ có thể học hỏi, phát triển và đóng góp vào sự phát triển bền vững của làng nghề.

Festival gốm Biên Hòa năm 2025 là "cú hích" khơi dậy sự đam mê tìm hiểu của thế hệ trẻ đối với sản phẩm gốm truyền thống Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Các chính sách hỗ trợ về vốn, về đào tạo nghề, về quảng bá sản phẩm sẽ là những động lực quan trọng để khuyến khích thế hệ trẻ gắn bó với nghề gốm truyền thống của quê hương.

Festival gốm Biên Hòa năm 2025 đã khép lại, nhưng những dư âm của sự kiện này vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Đồng Nai, đặc biệt là giới trẻ. Đây là một khởi đầu quan trọng, một "cú hích" cần thiết để khơi dậy tình yêu và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa quý báu của quê hương.

Người dân tham quan các gian trưng bày sản phẩm gốm tại Festival gốm Biên Hòa năm 2025. Ảnh: Hải Hà
Người dân tham quan các gian trưng bày sản phẩm gốm tại Festival gốm Biên Hòa năm 2025. Ảnh: Hải Hà

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng chia sẻ, trong thời gian tới, để bảo tồn, phát triển cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa, một trong những hoạt động mà các sở, ngành, địa phương cần quan tâm đó là việc xây dựng, đào tạo lực lượng kế thừa cho nghề gốm Biên Hòa, khuyến khích nghệ nhân tham gia giảng dạy, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, xây dựng các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về giá trị và tiềm năng phát triển của nghề gốm Biên Hòa.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) NGUYỄN VĂN LĨNH cho biết, Festival gốm Biên Hòa năm 2025 có quy mô hơn 3 ngàn m2 quy tụ các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc, mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao của Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai và các dòng sản phẩm gốm nổi tiếng trên cả nước như: gốm Thanh Hà - Quảng Nam, gốm đỏ - Vĩnh Long, gốm Bàu Trúc - Bình Thuận, gốm sứ Bình Dương…

Ngoài ra, chương trình còn lồng ghép các hoạt động: triển lãm chuyên đề “Trăm năm gốm Biên Hòa”, giới thiệu hơn 200 hiện vật và tác phẩm gốm mỹ nghệ đặc sắc; tọa đàm Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống trong thời kỳ hội nhập, tham quan Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh và không gian trải nghiệm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai…

Trong 4 ngày diễn ra Festival gốm Biên Hòa năm 2025 vừa qua đã đón hơn 40 ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm nghệ thuật tinh xảo.

Hải Hà

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/cu-hich-khoi-day-dam-me-gom-bien-hoa-trong-long-gen-z-f5d5227/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm