Từ biểu tượng nhan sắc, hình mẫu truyền cảm hứng đến nhân vật vướng vòng lao lý, hoa hậu Thùy Tiên đã đi một hành trình... đối nghịch. Và chính "cú ngã" này đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về ranh giới mong manh giữa hào quang và trách nhiệm.
Không thể phủ nhận những nỗ lực và thành tựu của Thùy Tiên trước đây. Chiếc vương miện Miss Grand International từng là minh chứng cho sự tỏa sáng không chỉ về nhan sắc mà còn về bản lĩnh, khả năng giao tiếp, lòng nhân ái của một cô gái trẻ. Cô từng là niềm tự hào của khán giả Việt, là hình mẫu cho một thế hệ dám sống thật, dám vượt nghịch cảnh và không ngừng cống hiến cho cộng đồng. Nhưng thật trớ trêu, chính khi danh xưng "người truyền cảm hứng" vẫn còn được nhắc đến thì cô lại trở thành tâm điểm của một vụ án hình sự.
Điều này cho thấy một sự thật cay đắng: dù từng truyền cảm hứng hay làm từ thiện nhiều đến đâu, sự nổi tiếng không phải và chưa bao giờ là "tấm lá chắn" cho những sai lầm. Trái lại, càng nổi tiếng, càng phải thận trọng, càng cần nhận thức rõ sức ảnh hưởng của bản thân trước xã hội.
Hoa hậu Thùy Tiên đã bị khởi tố
ẢNH: T.L
Thùy Tiên từng được biết đến rộng rãi kli đại diện cho cái đẹp, cho những thông điệp về hòa bình, lòng nhân ái nhưng giờ đây, cô thêm một lần "được biết đến" khi bị khởi tố vì liên quan đến quảng cáo sản phẩm sai sự thật. Công chúng đặt ra câu hỏi: Phải chăng một số người nổi tiếng đang xem nhẹ sức khỏe và niềm tin của cộng đồng chỉ để đổi lấy một bản hợp đồng quảng cáo? Phải chăng trách nhiệm với công chúng đang bị hy sinh cho những lợi ích ngắn hạn?
Trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho hàng gian, hàng giả từ kẹo rau củ, thực phẩm chức năng đến thuốc, sữa… đều có sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng. Điều đó cho thấy một thực tế nhức nhối: danh tiếng đang bị lạm dụng, còn lòng tin của công chúng cũng bị "trêu đùa". Và điều nguy hiểm nhất là những hành vi ấy không chỉ đơn thuần là "thiếu hiểu biết", mà đôi khi còn là sự thỏa hiệp để đổi lấy lợi ích cá nhân.
Giữa thời đại mà hình ảnh có thể được "make up" bằng công nghệ và mạng xã hội có thể "bơm" cho bất kỳ ai thành hiện tượng, thì bản lĩnh giữ mình trở thành thước đo giá trị của người nổi tiếng. Không chỉ cần đẹp, giỏi hay hoạt ngôn, họ còn cần tỉnh táo, có đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng rằng mỗi lời nói, hành vi, lựa chọn của mình đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người. Bởi một phút bất cẩn, một lần hợp tác thiếu kiểm chứng, một sản phẩm "mập mờ" được quảng bá…, tất cả có thể trở thành quá muộn để quay đầu.
Cái giá mà Thùy Tiên đang phải trả là rất đắt. Và "cú ngã" của cô là lời nhắc nhở cho cả một thế hệ nghệ sĩ trẻ: một bước thành sao hay ánh hào quang có thể lóa mắt, nhưng không ai được phép đánh đổi nó bằng sự dối trá hay coi thường pháp luật, không ai được phép vượt qua chuẩn mực đạo đức. Bởi khi lạm dụng "quyền lực mềm" để lừa dối công chúng thì họ không chỉ mất niềm tin mà còn phải đối mặt với pháp luật, với lương tâm và với chính tương lai của mình.
Vụ hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố là minh chứng điển hình cho "cái giá" của việc bất chấp tất cả để biến mình thành "công cụ thương mại". Đó cũng là "cú tát thức tỉnh" để giới nghệ sĩ, người nổi tiếng biết cách "giữ mình" hơn trước cám dỗ. Không ai muốn nhìn thấy một biểu tượng ngã xuống. Nhưng cú ngã ấy là điều tất yếu nếu hào quang không đi kèm với trách nhiệm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cu-nga-cua-hoa-hau-thuy-tien-khi-hao-quang-khong-di-doi-voi-trach-nhiem-18525052009104509.htm
Bình luận (0)