Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cực Trái đất dịch chuyển vì các đập nước trên thế giới

Trong 200 năm qua, con người đã âm thầm tác động lên các cực của Trái đất khi xây dựng hàng ngàn đập nước trên khắp thế giới, khiến các cực này dịch chuyển hơn 1m.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ11/07/2025

đập nước - Ảnh 1.

Đập Hoover và cầu tưởng niệm Mike O'Callaghan-Pat Tillman ở Mỹ - Ảnh: WIKIPEDIA

Sự dịch chuyển các cực của Trái đất có thể bắt nguồn từ hai làn sóng xây đập nước quy mô lớn trên thế giới. Làn sóng lớn đầu tiên diễn ra tại Bắc Mỹ và châu Âu trong suốt thể kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sau đó, làn sóng lớn thứ hai diễn ra trên khắp châu Á và Đông Phi vào nửa sau thế kỷ 20.

Tất cả đều liên quan đến sự phân bổ khối lượng và moment quán tính của hành tinh. Trái đất sẽ quay tròn như trái bóng trên đầu ngón tay. Tuy nhiên nếu khối lượng đột ngột thay đổi ở một khu vực, vòng quay sẽ bắt đầu chao đảo.

Hãy tưởng tượng việc đặt một cục đất sét lên một mặt của trái bóng đang quay. Để bảo toàn động lượng, mặt dính đất sét sẽ dịch chuyển nhẹ hướng ra ngoài, tác động vào vòng quay của bóng. 

Điều này cũng tương tự cách vận động viên trượt băng quay nhanh hơn khi thu tay lại: việc thay đổi phân bổ khối lượng sẽ làm thay đổi động lực quay.

Trong trường hợp Trái đất, sự thay đổi khối lượng đến từ nước bị giữ trong các con đập khổng lồ. Những hồ chứa nhân tạo này phân bổ lại khối lượng hành tinh, làm dịch chuyển vị trí hai cực một chút, theo trang IFLScience ngày 10-7.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học hành tinh tại Đại học Harvard đã phát hiện vấn đề nói trên khi xem xét dữ liệu toàn cầu của 6.862 đập nước được xây dựng trên thế giới từ năm 1835 - 2011. Từ đó, nhóm tính toán được khối lượng nước chứa trong các đập, cách nước định hình lại sự phân bổ khối lượng của Trái đất và liệu nó có đủ để làm dịch chuyển các cực.

Nhìn chung, nhóm phát hiện việc xây đập đã làm dịch chuyển các cực khoảng 113cm và khiến mực nước biển toàn cầu giảm 21mm trong giai đoạn năm 1835 - 2011. Vào thế kỷ 20, sự dịch chuyển này lên tới 104cm song không chỉ diễn ra theo một hướng.

Từ năm 1835 đến 1954, làn sóng xây đập tại Bắc Mỹ và châu Âu khiến các cực dịch chuyển về đường xích đạo. Trong suốt giai đoạn này, cực Bắc dịch chuyển gần 20,5cm về kinh tuyến 103 độ đông - đường kinh tuyến đi qua Nga, Mông Cổ, Trung Quốc và bán đảo Đông Dương.

Sau năm 1954, làn sóng xây đập dịch chuyển sang Đông Phi và châu Á. Kết quả là cực bắt đầu dịch chuyển theo hướng khác, lệch khoảng 57cm về kinh tuyến 117 độ tây - đường kinh tuyến đi qua phía tây Bắc Mỹ và trải dài trên Nam Thái Bình Dương.

"Việc chúng ta giữ nước trong các đập không những là rút nước từ đại dương khiến mực nước biển toàn cầu giảm mà còn phân bổ khối lượng theo cách khác trên toàn cầu. Chúng ta không rơi vào một kỷ băng hà mới vì cực lệch đi khoảng 1m song điều này thực sự tác động đến mực nước biển", bà Natasha Valencic, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tại Harvard, cho biết.

Sự dịch chuyển của các cực là hệ quả tích lũy từ việc xây dựng hàng ngàn con đập trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bản thân một đập cũng có tác động của riêng nó.

Chẳng hạn, đập Tam Hiệp của Trung Quốc, đập thủy điện lớn nhất thế giới, to lớn đến mức có thể ảnh hưởng đáng kể đến vòng quay của Trái đất. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), siêu đập Tam Hiệp của Trung Quốc có thể chứa 40km3 nước, đủ để làm dịch chuyển vị trí cực của Trái đất khoảng 2cm.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Trở lại chủ đề
ANH THƯ

Nguồn: https://tuoitre.vn/cuc-trai-dat-dich-chuyen-vi-cac-dap-nuoc-tren-the-gioi-2025071113302913.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm