Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Làm thực tâm, hành trình khởi nghiệp sẽ được mọi người ủng hộ"

Đó là bài học được chị Tạ Kiều Diễm (44 tuổi, ngụ xã Cái Đôi Vàm, tỉnh Cà Mau), chủ cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm, đúc kết sau quá trình khởi nghiệp của bản thân.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam11/07/2025

Chị Tạ Kiều Diễm chia sẻ, sau khi lập gia đình, chị chủ yếu ở nhà làm công việc nội trợ. Vốn có niềm đam mê làm bánh từ nhỏ, thi thoảng, chị vẫn làm các loại bánh mứt truyền thống để sử dụng trong nhà và tặng người thân, bạn bè. 

Đến năm 2017, được sự động viên của mọi người cũng như mong muốn được sống với đam mê của mình, lại vừa có thêm thu nhập nên chị quyết định khởi nghiệp với nghề làm bánh truyền thống. 

"Từ nhỏ tôi đã được mẹ chỉ dạy cho cách làm một số loại bánh mứt truyền thống, dần dà rồi đam mê lúc nào không hay. Khi quyết định khởi nghiệp, tôi phải học hỏi thêm, chủ yếu là học qua mạng để làm được các loại bánh vừa đẹp mắt vừa ngon, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng", chị Diễm chia sẻ.

Thời gian đầu, một vài mẻ bánh bị hỏng, phải đổ bỏ là việc bình thường. Lúc này, thay vì nản chí, chị Diễm lại dành thời gian và tâm sức tìm nguyên nhân vì sao bánh bị hỏng, từ đó rút kinh nghiệm để khắc phục. 

"Khi gặp thất bại, mình phải quyết tâm làm cho bằng được, phải tìm hiểu xem mình sai ở công đoạn nào, tìm tòi công thức để cho được ra sản phẩm hoàn hảo. Nói chung khó khăn trong khởi nghiệp thì nhiều vô kể. Các loại bánh trên thị trường rất nhiều. 

Điều quan trọng nhất là mình phải làm sao để tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, mang phong cách của cá nhân mình thì mới cạnh tranh được. Tôi nghĩ rằng có đam mê thì mình sẽ vượt qua được khó khăn, chinh phục được mục tiêu đã đặt ra", chị Diễm chia sẻ.

Những năm đầu khởi nghiệp, những chiếc bánh đậu, bánh in, mứt… do chị Diễm làm ra được bán cho nhóm khách hàng thân quen, hàng xóm. Sau đó, các loại bánh như bánh bò, bánh phu thê… của chị được mọi người đặt cho các đám tiệc, đám hỏi, đám cưới rồi dần mở rộng sang nhóm khách hàng là các trường mầm non, tiểu học đóng trên địa bàn. 

"Làm thực tâm, hành trình khởi nghiệp sẽ được mọi người ủng hộ"- Ảnh 1.

"Làm thực tâm, hành trình khởi nghiệp sẽ được mọi người ủng hộ"- Ảnh 2.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm

"Mọi người thấy bánh ngon, chất lượng, không sử dụng chất bảo quản nên giới thiệu cho nhau mua. Nhờ vậy mà ngày nào tôi cũng có việc để làm, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi. Từ lợi nhuận có được, tôi đã đầu tư thêm máy móc để việc làm bánh ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả", chị Diễm cho hay.

Đến năm 2022, cơ sở sản xuất mứt truyền thống Kiều Diễm chính thức ra đời, đánh dấu một bước tiến trong hành trình khởi nghiệp của người phụ nữ quê Cà Mau này. Thời điểm đó, cơ sở của chị Diễm cũng được nhiều người biết đến hơn với dòng sản phẩm bánh Trung thu.

Theo chị Diễm, dù trên thị trường có nhiều loại bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn quyết định chọn sản phẩm của cơ sở Kiều Diễm. 

"Nhiều khách hàng ăn khen ngon, giá cả lại phải chăng. Bản thân mình làm, kinh doanh thật tâm nên mọi người yêu quý, ủng hộ. Đây cũng là một trong những điều giúp cho cơ sở ngày càng phát triển", chị Diễm chia sẻ.

Sẽ tận dụng mạng xã hội để mở rộng thị trường

Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm đang tạo việc làm cho 4 - 7 lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Chị Tạ Kiều Diễm cho hay, từ khi khởi nghiệp đến nay, mỗi ngày chị đều tất bật với công việc, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. 

"Làm thực tâm, hành trình khởi nghiệp sẽ được mọi người ủng hộ"- Ảnh 3.

Chị Tạ Kiều Diễm (phải) trong Ngày “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” do Hội LHPN xã tổ chức

Dù vậy, chị không cảm thấy vất vả, áp lực mà ngược lại, rất nhiều năng lượng và hạnh phúc khi được sống với đam mê của bản thân. Mỗi sản phẩm bánh mứt làm ra nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng lại tiếp thêm động lực để chị tiếp tục con đường khởi nghiệp mà bản thân đã chọn.

Trong quá trình khởi nghiệp, chị Diễm luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Thông qua các hoạt động của Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939), chị được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp cũng như tham gia "Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. 

Đồng thời, chị được tư vấn và hỗ trợ để đầu tư bao bì, giúp cho sản phẩm ngày càng hoàn thiện, ấn tượng hơn.

Chị Diễm cho hay sắp tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm của cơ sở trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok… với mục tiêu mở rộng thị trường. 

"Ở tuổi này rồi, tôi cũng gặp những khó khăn nhất định khi sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhưng với sự nỗ lực của bản thân cũng như hỗ trợ của các đoàn thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ, tôi nghĩ mình sẽ làm được. 

Điều quan trọng hơn cả không chỉ là việc mở rộng thị trường mà là mong muốn được mang đến những chiếc bánh ngon, chất lượng đến tay khách hàng", chủ cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm nhấn mạnh.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cái Đôi Vàm (tỉnh Cà Mau), cho biết, hành trình khởi nghiệp của chị Tạ Kiều Diễm không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nữ ở địa phương mà còn góp phần gìn giữ các loại bánh mứt truyền thống.

Các sản phẩm bánh mứt của cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do có chất lượng tốt, giá thành phù hợp. Thực hiện Đề án 939, Hội đã hỗ trợ chị Diễm tham gia các lớp tập huấn nâng cao kinh nghiệm khởi nghiệp; tư vấn và hỗ trợ về bao bì, nhãn mác sản phẩm. 

Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ để quảng bá sản phẩm của cơ sở đến đông đảo người tiêu dùng, giúp hành trình khởi nghiệp của chị được thuận lợi, cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống Kiều Diễm ngày càng phát triển.

MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA CHỊ TẠ KIỀU DIỄM

- Khi khởi nghiệp với sản phẩm bánh mứt, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu thì phải tạo được đặc trưng riêng, thương hiệu cho sản phẩm.

- Khi khởi nghiệp, đam mê là quan trọng, bên cạnh đó cũng cần phải có sự kiên trì, phải không ngừng học hỏi để làm ra các sản phẩm mới, vừa ngon lại có tính thẩm mỹ cao để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

- Nếu kinh doanh một cách thực tâm, đặt người tiêu dùng lên trên hết thì sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh, sản xuất, khẳng định chất lượng, tạo dựng uy tín của cơ sở.

Nguồn:https://phunuvietnam.vn/lam-thuc-tam-hanh-trinh-khoi-nghiep-se-duoc-moi-nguoi-ung-ho-20250708162002009.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm