Hội nghị nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi, kịp thời về kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2025 và trọng tâm nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; đồng thời cập nhật tình hình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, qua đó tăng cường sự phối hợp giữa Liên hiệp và các tổ chức thành viên ở Trung ương, hỗ trợ các tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hùng báo cáo tổng quan kết quả công tác 6 tháng đầu năm và trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đồng thời nghe đại diện các ban chuyên môn cung cấp thông tin chi tiết về tình hình hoạt động của các hội theo từng địa bàn phụ trách.
Hội nghị chia sẻ thông tin với các tổ chức thành viên ở Trung ương do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Các đại biểu đã thảo luận 7 nhóm vấn đề:
Trước hết là công tác đối tác: hoàn thiện cơ sở dữ liệu hiện có, tìm kiếm đối tác mới, sớm hoàn thiện hạ tầng công nghệ để lãnh đạo các hội khai thác thuận lợi và mở rộng đối tác với góc nhìn từ lãnh đạo hội.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến việc duy trì họp định kỳ, hỗ trợ các hội soạn thảo, ban hành quy chế, kế hoạch, đồng thời bảo đảm lãnh đạo hội tham dự các hoạt động đón, chia tay đại sứ và các sự kiện liên quan.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các ban chuyên môn và các hội trong địa bàn theo dõi, đồng hành triển khai hoạt động.
Thứ tư, rà soát, tinh gọn ban chấp hành, ban thường vụ, khắc phục tình trạng hình thức, danh sách đông nhưng ít người tham gia thực chất.
Thứ năm, đóng góp ý kiến để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì, phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng định hướng chiến lược công tác đối ngoại nhân dân phù hợp bối cảnh mới.
Thứ sáu, nâng cao phẩm chất, năng lực, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ; xây dựng quy trình, giáo trình đào tạo, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cuối cùng, kiện toàn tổ chức hội sau sáp nhập đơn vị hành chính, lựa chọn nhân sự lãnh đạo phù hợp và gửi kiến nghị tới lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương để tạo sự quan tâm và đồng thuận.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng Ban Châu Âu (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị, coi đây là diễn đàn thiết thực giúp các tổ chức thành viên kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng rõ ràng, tạo động lực và tư duy mới cho hoạt động. Nhiều ý kiến đề xuất rà soát, cập nhật các văn bản như Chỉ thị 12-CT/TW (năm 2022), Quyết định 118-QĐ/TW (năm 2023) nhằm bảo đảm thống nhất giữa tính chất nhiệm vụ được giao và tính chất tự nguyện của hội, từ đó tạo cơ chế linh hoạt hơn để chủ động hoạt động và huy động nguồn lực. Các đại biểu nhấn mạnh việc mở rộng đối tác không chỉ dừng ở bạn bè truyền thống mà cần hướng tới những đối tác có thể chia sẻ, đan xen lợi ích; đồng thời khai thác nguồn lực trong nước từ doanh nghiệp, nhà khoa học, cộng đồng người nước ngoài và du học sinh tại Việt Nam. Có ý kiến đề nghị tăng cường phối hợp với các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội, có cơ chế hỗ trợ kinh phí và gửi công văn đề nghị địa phương quan tâm phát triển mạng lưới hội ở cơ sở.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn ghi nhận nhiều tổ chức thành viên đã triển khai hoạt động thiết thực, có điểm nhấn tích cực; công tác tổ chức đại hội một số hội tuy gặp khó khăn nhưng đã được tháo gỡ. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục kiện toàn tổ chức, hỗ trợ các hội khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông thẳng thắn chỉ rõ tồn tại: nhiều hội còn khó khăn về kinh phí, thủ tục, nhân sự, sự tham gia của lãnh đạo; một số hoạt động rất ít hoặc gần như không có. Ông nhấn mạnh việc lựa chọn cán bộ phải phù hợp, có tinh thần trách nhiệm, không phụ thuộc chức danh; Ban lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kiên trì khắc phục hạn chế, không để trì trệ kéo dài.
Về mở rộng quan hệ và huy động nguồn lực, ông cho biết Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ủng hộ các sáng kiến mở rộng địa bàn, tăng cường phối hợp với địa phương, khuyến khích doanh nghiệp tham gia ban chấp hành các hội để tăng nguồn lực; đồng thời đang phối hợp với các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội chuẩn bị hoạt động giao lưu sau bầu cử Quốc hội khóa tới.
Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Theo ông Phan Anh Sơn, sau sắp xếp, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trở thành một trong 26 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương; vai trò, chức năng, nhiệm vụ được củng cố, tăng cường. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục quán triệt Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch ngày 09/01/2025, trong đó nhấn mạnh xây dựng tổ chức Đảng làm nền tảng thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ông cho biết thêm, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục trực tiếp làm việc với các hội, lắng nghe góp ý, kịp thời tháo gỡ khó khăn; từ nay đến cuối năm sẽ nỗ lực khắc phục tồn tại, vướng mắc để toàn hệ thống thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chung.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/cung-co-to-chuc-mo-rong-doi-tac-nang-cao-hieu-qua-toan-he-thong-lien-hiep-cac-to-chuc-huu-nghi-viet-nam-214920.html
Bình luận (0)