Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc hội ngộ giữa phi công Phi đội Quyết thắng và trợ lý tác chiến Trung đoàn 66

Đại tá Từ Đễ, phi công Phi đội Quyết thắng cùng ông Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý tác chiến Trung đoàn 66 có cuộc gặp thú vị tại bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (quận 1, TPHCM).

VietNamNetVietNamNet11/04/2025

Những ngày tháng Tư lịch sử, bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (quận 1, TP.HCM) trở thành điểm hẹn của những người con đất Việt, nơi để ôn lại những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.

Trong không gian ấy, một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa đã diễn ra giữa Đại tá Từ Đễ, phi công của Phi đội Quyết thắng nổi tiếng với trận đánh Tân Sơn Nhất 50 năm trước và ông Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý tác chiến Trung đoàn 66, mang đến cho những người chứng kiến nhiều cảm xúc khó tả.

Niềm vinh dự và tự hào nhất trong cuộc đời ông Nguyễn Khắc Nhu chính là thời khắc ông cùng chỉ huy và đồng đội thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các chính quyền đầu hàng vô điều kiện.

Chỉ vào tấm ảnh quân Giải phóng đang áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30/4/1975, ông Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý tác chiến Trung đoàn 66 giới thiệu: “Người đi bên trái ông Dương Văn Minh là chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, bên phải là Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ, sát ngay phía sau và cầm súng ngắn là tôi cùng một số đồng chí khác. Chúng tôi đều là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2".

Triển lãm chuyên đề “50 năm vang mãi bản hùng ca” tại bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trưng bày gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và những hình ảnh, tư liệu về chặng đường phát triển của TPHCM.

Triển lãm gồm 4 phần trưng bày.

Phần 1 trưng bày 44 hình ảnh, tài liệu phản ánh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mùa xuân năm 1975.

Bản kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Nguyên - mở đầu cuộc tiến công chiến lược, tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, tiến tới tổng tiến công, thống nhất đất nước.

Bức điện khẩn với của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký ngày 7/4/1975 với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. 

Phần 2 trưng bày 80 hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang ý nghĩa lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Phần 3 của triển lãm là những hình ảnh của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ - Quân khu 7 phối hợp với bộ đội chủ lực, nhân dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Phần 4 giới thiệu hình ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp thống nhất đất nước và những thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng, phát triển của đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang TPHCM từ năm 1975 đến nay.

Ông Lê Xuân Thuỷ (từ Hà Nam) ghé thăm bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 4 lịch sử. Cựu chiến binh 74 tuổi dừng lại rất lâu bên những tư liệu được trưng bày, bồi hồi nhớ về một "thời hoa lửa".

Gia Tuệ, Thanh Xinh, Hồng Phấn (sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi tham quan bảo tàng. Cả ba bạn trẻ có thể tìm thêm được nhiều tư liệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng như về bảo tàng cho môn thi cuối kỳ.

Mô hình trích đoạn "Nhà lá trung quân" trong chiến khu được tái hiện tại không gian trưng bày bên ngoài bảo tàng. Khi cho xây dựng căn cứ cách mạng ở trong rừng, các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam đã sử dụng lá cây rừng để lợp nhà.

Khi máy bay địch oanh tạc vào khu căn cứ, các chiến sĩ đã di tản ra nơi trú ẩn, chờ ổn định trở lại, lúc trở về thì các căn nhà ở căn cứ vẫn còn nguyên, những chỗ bị bom chỉ cháy một chỗ, không lan ra nơi khác. 

Nhà lá trung quân không chỉ dùng để ở mà còn là nơi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim cho hàng trăm người xem. Đây cũng là nơi để chứa hàng trăm, hàng ngàn tấn lương thực và vũ khí quân trang, quân dụng trong chiến đấu. 

Bên Nhà lá trung quân, Đại tá Từ Đễ, phi công trong Phi đội Quyết thắng và ông Nguyễn Khắc Nhu chụp hình lưu niệm cùng lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Mô hình hầm chữ A có từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được cải tiến, sử dụng như "bức tường thép" trong kháng chiến chống Mỹ. Hầm có tác dụng chống các loại bom, pháo, đạn và trở thành hầm ẩn nấp an toàn khi địch đánh phá, càn quét.

Hầm chữ A có tiết diện tam giác cân, góc đỉnh khoảng 55°, khung thường làm bằng tre, gỗ hoặc sắt. Hầm có thể làm chìm hoặc nửa chìm nửa nổi, có lớp bảo vệ bằng đất hoặc đất trộn lẫn rơm, rạ. Hầm chữ A chịu lực tốt, kết cấu đơn giản, làm được trên mọi địa hình, dễ làm, dễ tháo dỡ, tận dụng được vật liệu tại chỗ. 

Đại úy Trần Thị Duân, hướng dẫn viên bảo tàng cho biết, những ngày tháng Tư lịch sử, hàng nghìn người đến đây tìm hiểu về Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có rất nhiều em học sinh

Đại tá Nguyễn Như Trúc - Phó chủ nhiệm chính trị và Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc bảo tàng Quân khu 7 trao giấy khen cho những cá nhân tặng hiện vật cho bảo tàng

Triển lãm kéo dài đến ngày 20/5. 

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/ham-chu-a-nha-la-duoc-tai-hien-tai-bao-tang-chien-dich-ho-chi-minh-2389086.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm