Tính đến chiều 15.5, khảo sát trên Thanh Niên Online cho thấy 54% bạn đọc ủng hộ phương án "vẫn nên giữ mức kỷ luật nặng nhất là đuổi học nếu học sinh vi phạm kỷ luật". Chỉ 3% bạn đọc chọn phương án "không nên kỷ luật học sinh bằng cách đuổi học các em".
Với phương án "không nên đuổi học, nhưng cần cho học sinh vi phạm kỷ luật đi lao động công ích, dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Hành vi bạo lực học đường, tùy mức độ nặng nhẹ, cần xử lý theo quy định của pháp luật", có 43% người chọn.
Thăm dò ý kiến
Bạn có ủng hộ việc bãi bỏ hình thức đuổi học với học sinh vi phạm kỷ luật?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Học sinh lớp 12: "Nếu vi phạm kỷ luật mà chỉ kêu khiển trách, phê bình, viết bản kiểm điểm là quá nhẹ"
Ngày 15.5, chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, em Đ.C.T, học sinh lớp 12 một trường THPT tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết cá nhân em vẫn cho rằng không nên bãi bỏ hình thức đuổi học với học sinh vi phạm kỷ luật nặng.
"Nếu học sinh đã vi phạm kỷ luật tới mức phải đuổi học thì tức là bạn đó đã vi phạm nhiều lần, nặng, ảnh hưởng tới nhiều học sinh khác. Do đó, nếu học sinh vi phạm nặng nề mà chỉ khiển trách, phê bình, viết bản kiểm điểm thì quá nhẹ và lâu ngày sẽ dẫn tới "nhờn thuốc", chai lỳ, học sinh không còn sợ và tiếp tục vi phạm", học sinh Đ.C.T cho hay.
Nhóm học sinh lớp 6 đánh bạn bằng nón bảo hiểm tại Vĩnh Long năm 2023, nạn nhân chắp tay cầu xin, bạn vẫn không tha
ẢNH:TNO
Nam sinh lớp 12 này cũng cho biết từng chứng kiến những học sinh đã vi phạm kỷ luật, bị đình chỉ học tập trong một thời gian và sau đó cũng bỏ học luôn. Tuy nhiên Đ.C.T cho rằng không phải vì bị đình chỉ học tập - đuổi học - mà sau đó bạn này mới chán nản rồi bỏ học. Theo C.T, bản thân những học sinh không có ý chí cố gắng, không có tinh thần quyết tâm vượt khó học tập, không tìm thấy lý tưởng sống tốt đẹp của mình thì một ngày nào đó bạn đó cũng tự nghỉ học - dù cho mọi người xung quanh đã hết sức khuyên nhủ, động viên.
Do đó, nam sinh lớp 12 tại TP.HCM cho rằng Bộ GD-ĐT không nên bãi bỏ hình thức đuổi học - đình chỉ học tập với học sinh vi phạm kỷ luật nặng. Tuy nhiên, thời gian đình chỉ học tập nên ngắn, khoảng 1-2 tuần, đủ để học sinh đó có thời gian suy ngẫm về những việc mình làm, cho thấy trách nhiệm phải chịu sau những gì mình đã gây ra.
Thời gian đình chỉ học tập này, theo C.T, nên để bạn học sinh kia được gặp những thầy cô giáo, những bạn học sinh tốt cùng đến chia sẻ, trò chuyện nhẹ nhàng, khuyên nhủ, "lạt mềm buộc chặt" để bạn học sinh dần dần hiểu ra. Người thân gia đình không nên càng nóng nảy, quát tháo, mắng chửi với các bạn, sẽ càng tác dụng ngược.
Bạn đọc: Nên cân nhắc kỹ
Bạn đọc luubinh bình luận về dự thảo bãi bỏ hình thức đuổi học với học sinh vi phạm kỷ luật của Bộ GD-ĐT: "Cần cân nhắc kỹ. Nếu thông cảm với một học sinh có nhân cách cá biệt, hoặc không tốt mà vô tình làm hại nhiều học sinh thiện lương, hiền lành thì sự nhân đạo đó có đáng không? Khi còn là học sinh, tôi từng chứng kiến nhiều học sinh hiền lành phải bỏ học vì những học sinh cá biệt. Dung túng cái ác sẽ làm hại nhiều người lương thiện".
Nhóm học sinh lớp 6 đánh bạn bằng nón bảo hiểm trong vụ bạo lực học đường ở Vĩnh Long năm 2023
ẢNH: TNO
Tài khoản emgaimientay2772022 nói: "Trường hợp có học sinh đánh bạn, bị mời xuống giám thị cho 1 tuần dọn vệ sinh quanh sân trường, nhưng vừa lên lớp, bạn ấy lấy ghế đập đầu bạn. Vậy trường hợp này ta bảo em ấy lại viết bản kiểm điểm nữa sao? Hay tiếp tục khuyên nhủ?".
Bạn đọc mới chia sẻ: "Học sinh bây giờ đánh nhau, thậm chí dùng cả hung khí, liệu chỉ viết kiểm điểm có thể giáo dục được không? Chưa kể nhiều em vi phạm có hệ thống, tái phạm nhiều lần".
Bạn đọc Hoang cho biết: "Tôi nghĩ nên áp dụng cả pháp luật vào cuộc khi các em vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như: đánh nhau, xâm hại thân thể tinh thần người khác... Chứ không nên bỏ qua chỉ đến mức kiểm điểm. Học sinh bây giờ trưởng thành sớm chứ không phải giống ngày xưa do ảnh hưởng thông tin trên mạng rất nhiều. Thậm chí các em còn biết chưa đủ 18 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự ở mức cao nhất dẫn đến nhiều vụ phạm tội của trẻ em dưới 18 tuổi gần đây".
Độc giả kiet anhvo nêu quan điểm: "Chúng ta có nên nghĩ tới việc ở mỗi tỉnh thành, cần mở một trường giáo dưỡng dành cho các học sinh cá biệt do Bộ GD-ĐT và Bộ quốc phòng kết hợp quản lý không? Trẻ cá biệt bản chất không phải là người xấu, chỉ do hoàn cảnh gia đình và xã hội xung quanh tạo ra đứa trẻ như vậy. Một trường giáo dưỡng là một nơi tách trẻ ra khỏi áp lực xã hội, yêu thương và cho trẻ những điều đáng ra trẻ phải được có; khi đó, trẻ vẫn là trẻ cá biệt thì mới là điều lạ".
Đại đa số học sinh chọn "vẫn đuổi học nếu học sinh vi phạm lỗi nặng"
Khảo sát bên lề tiết học với đối tượng học sinh THPT của tôi ở TP.HCM (2 lớp, khoảng 100 em), tôi thấy có hơn một nửa số ý kiến cho rằng vẫn nên áp dụng hình thức đuổi học với học sinh vi phạm lỗi nặng. Tuy nhiên các em đề xuất là thời gian đình chỉ học tập ở mức ít ngày, không đình chỉ quá dài ngày. Chỉ khoảng 20% số học sinh được hỏi cho rằng nên bỏ hình thức đuổi học, vì lý do nhân văn.
Em M.Nghi cho rằng vẫn nên đuổi học (đình chỉ học tập) với học sinh vi phạm, song thời gian đuổi học là 1 hoặc vài tuần. Vì nếu sau nhiều lần răn đe nhưng học sinh không thay đổi, thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho bản thân học sinh ấy mà cho các bạn khác, cho lớp, cho trường, nên đuổi học sẽ là phương án mạnh mẽ, cứng rắn hơn.
Không học sinh nào của tôi ủng hộ việc kỷ luật học sinh bằng viết kiểm điểm. Em L.B.T.My nêu quan điểm: "Nếu để viết kiểm điểm là mức kỷ luật cao nhất thì học sinh dễ bị "chai lì", không đủ sức răn đe".
Tôi nhận thấy rằng vì quyền lợi học tập của mọi học sinh, các em đều mong muốn có môi trường học tập lành mạnh. Song cũng vì thương bạn bè, đồng cảm với quyền được học của bạn, sợ bạn sa ngã nhiều hơn khi bị đình chỉ học tập... mà hầu hết học sinh đều mong muốn nhà trường, ngành giáo dục có giải pháp hợp lý. Phương án này phải không quá nhẹ nhàng nhưng cũng không quá cứng nhắc, khắc nghiệt. Cần phải đủ mạnh để răn đe và cần hài hòa giữa quyền lợi của cá nhân học sinh vi phạm, quyền lợi của tập thể học sinh khác trong lớp, trong trường.
Dưới góc nhìn của học sinh, các giải pháp mà các em kiến nghị là tăng cường vai trò của tư vấn tâm lý, phát huy vai trò của mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, bố trí cho học sinh lao động công ích, thậm chí đưa học sinh cá biệt ấy vào các môi trường có tính kỷ luật cao để được giáo dưỡng...
Trần Nhân Trung
Nguồn: https://thanhnien.vn/da-so-van-ung-ho-duoi-hoc-neu-vi-pham-hoc-sinh-noi-gi-185250515161031496.htm
Bình luận (0)