Dự lễ kỷ niệm có Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng - Phó Tư lệnh Quân khu 5; đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh.
Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các tướng lĩnh là người con quê hương từng tham gia chiến đấu trên địa bàn Đại Lộc; đại diện Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các địa phương trong tỉnh và huyện kết nghĩa Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc nhấn mạnh: Cách đây 50 năm, ngày 28/3/1975, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Đại Lộc vô cùng phấn khởi đón chào sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng - ngày huyện được hoàn toàn giải phóng.
Ngược dòng lịch sử, từ giữa năm 1974, sau những trận thắng giòn giã trên chiến trường, thế và lực của cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh. Chấp hành chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, toàn huyện Đại Lộc gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc tiến công và nổi dậy giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Ngay sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của huyện, sáng 26/3/1975, Ủy ban Khởi nghĩa huyện tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thôn Phú Long, xã Đại Thắng.
Đêm 27/3, chớp lấy thời cơ quân chủ lực của địch rút về tử thủ ở Đà Nẵng, quần chúng nổi dậy tước vũ khí của địch ở khu Tây cầu Chìm và Ái Mỹ. Thừa thắng, sáng 28/3, ta tiếp tục tấn công và nổi dậy làm chủ khu Đông cầu Chìm, sát chân Núi Lở. Hơn 15.000 đồng bào nổi dậy đập tan bộ máy kèm kẹp của địch và cùng với cán bộ, du kích kêu gọi tàn quân địch còn lẩn trốn ra hàng cách mạng.
Cũng trong ngày 28/3, các mũi tiến công của ta đều tiến sát quận lỵ Ái Nghĩa. Đúng 16 giờ ngày 28/3/1975, sức mạnh của đoàn quân chiến thắng đã đập tan sức kháng cự cuối cùng của địch. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiêu hãnh tung bay trên cột cờ quận đường Đại Lộc.
Chiến thắng ngày 28/3/1975 góp phần cùng quân dân toàn tỉnh và miền Nam đẩy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, tinh thần bị sụp đổ, tổ chức bị tan rã, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 21 năm gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi oanh liệt. Chiến thắng còn là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử 117 năm chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở mảnh đất Đại Lộc anh hùng.
Sau chiến tranh, từ một huyện thuần nông, Đại Lộc ngày nay có mức tăng trưởng kinh tế khá qua các năm với tốc độ bình quân 10,6%. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đạt hơn 90%. Các cụm công nghiệp được đầu tư và đưa vào sử dụng với tỷ lệ lấp đầy 76,3%.
Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Toàn huyện huy động các nguồn lực xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo nên diện mạo khởi sắc trên đất anh hùng... Đại Lộc đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 17/17 xã...
Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Nguyễn Hảo nhấn mạnh: “Trong 50 năm qua, Đại Lộc vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Năm 2014, nhân dân và cán bộ huyện Đại Lộc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần chiến thắng 28/3 giải phóng huyện Đại Lộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực tự cường, cùng với cả nước triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Trung ương, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-loc-to-chuc-le-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-que-huong-3151678.html
Bình luận (0)