Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/7. (Ảnh: Quang Hòa) |
Đại sứ đánh giá thế nào về kỳ Hội nghị AMM 58 với 24 cuộc họp cấp Bộ trưởng - một con số ấn tượng, cũng như ý nghĩa của kỳ hội nghị đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay?
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM 58) và các hội nghị liên quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong một thời gian dài, AMM không thu hút được sự tham dự đầy đủ của các nước lớn, nhưng năm nay thì khác. Năm nay, khuôn khổ AMM 58 có sự hiện diện của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cùng nhiều ngoại trưởng các nước đối tác có mặt tại Kuala Lumpur.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai trả lời phỏng vấn TG&VN về AMM 58 ngày 10/7. (Ảnh: Thành Long) |
Đây là thời điểm rất có ý nghĩa đối với ASEAN, phản ánh vai trò ngày càng tăng của Hiệp hội. Việc AMM 58 thu hút được sự tham gia ở cấp cao như vậy từ các cường quốc hàng đầu thế giới cho thấy ASEAN đang ngày càng trở thành tâm điểm quan tâm toàn cầu.
Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện vai trò Chủ tịch ASEAN hiệu quả của Malaysia. Các vấn đề được thảo luận lần này rất sát sườn với hòa bình và ổn định của khu vực, và tất cả các bên liên quan đều tích cực tham gia.
Chúng tôi rất vui mừng khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị quan trọng lần này tại Kuala Lumpur. Tôi tin rằng sự đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị lần này sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 10/7. (Ảnh: Quang Hòa) |
Từ những điều đặc biệt đó, Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò trung tâm của ASEAN, một giá trị quan trọng đã được ASEAN định hình trong nhiều thập kỷ?
Vai trò trung tâm của ASEAN phải luôn được đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Chúng ta cần khẳng định lại rõ ràng rằng, ASEAN hoan nghênh sự hiện diện và tham gia của các cường quốc cũng như các đối tác vào khu vực - nhưng sự tham gia đó phải theo định hướng và quan điểm của ASEAN.
Tính "trung tâm" ở đây có nghĩa là ASEAN phải có tiếng nói quyết định trong việc định hình các khuôn khổ hợp tác do ASEAN dẫn dắt.
ASEAN không muốn bị đặt vào thế phải lựa chọn phe. Chúng ta là một khu vực mở, có quan hệ thương mại và hợp tác với tất cả các đối tác trên thế giới, và chúng ta không chọn bên nào thay thế bên nào. Đây là thông điệp cốt lõi mà ASEAN cần tiếp tục gửi gắm mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế.
Trong khuôn khổ AMM 58 lần này đã diễn ra Lễ ký kết văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) giữa Algeria và Uruguay và Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)... Theo Đại sứ thông điệp quan trọng của những sự kiện này là gì?
Tôi cho rằng ngày càng nhiều quốc gia nhận ra rằng TAC là một hiệp ước quan trọng để họ tăng cường quan hệ với ASEAN. Việc nhiều nước tham gia TAC là tín hiệu rất tích cực và khẳng định tầm quan trọng của ASEAN đối với các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu.
Quan trọng hơn, năm nay chúng ta cũng tập trung vào SEANWFZ – Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Đây là một thông điệp hết sức rõ ràng mà ASEAN muốn gửi tới các cường quốc trên thế giới: Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hình thức sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích quân sự nào trong khu vực.
Đây là một thông điệp vô cùng quan trọng, và chúng tôi hy vọng các cường quốc sẽ tôn trọng quan điểm, lập trường của Hiệp hội.
Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) ngày 8/7. (Ảnh: Quang Hòa) |
Đại sứ đánh giá thế nào về sự gắn kết nội khối của ASEAN, đặc biệt trong khả năng xử lý các vấn đề nội bộ và đối phó với thách thức bên ngoài?
Đây là vấn đề mà chúng ta đều quan tâm. Tại AMM 58, chúng ta đã thảo luận về các vấn đề phức tạp - chẳng hạn tình hình Myanmar, hay gần đây là căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia.
Tuy nhiên, tôi tin rằng nhờ các cơ chế hợp tác thường xuyên và chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, chúng ta luôn tìm ra giải pháp hợp lý cho các vấn đề. Các cơ chế hợp tác đảm bảo rằng không ai vượt qua “lằn ranh đỏ”, và điều đó là một thành tựu rất đáng ghi nhận.
Từ khi thành lập năm 1967 đến nay, ASEAN đôi khi có nảy sinh vấn đề giữa các thành viên, nhưng luôn kiểm soát được và giải quyết một cách hòa bình. Không có mâu thuẫn nào leo thang thành xung đột lớn. Đó là một thành tựu lịch sử mà ASEAN cần tiếp tục duy trì và có thể chia sẻ như một bài học với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, ổn định cho sự phát triển.
Một trong những điều khiến ASEAN được các tổ chức khu vực khác ngưỡng mộ là, bất chấp sự khác biệt - về chính trị, văn hóa, ngôn ngữ - ASEAN vẫn có thể gắn kết và cùng nhau phát triển, giữ được ổn định và hòa bình cho cả khu vực.
Tất nhiên, không thể kỳ vọng rằng mọi thứ luôn hoàn hảo 100%. Sẽ luôn có những vấn đề phát sinh, như đã từng xảy ra. Nhưng tôi tin rằng, nhờ tinh thần ASEAN, nhờ tính linh hoạt và khả năng điều phối, chúng ta sẽ vượt qua được. Chúng ta có nhiều cơ chế để các nhà lãnh đạo trao đổi, đối thoại và cùng tìm giải pháp, không chỉ cho các vấn đề tiềm tàng trong nội khối, mà còn cả những vấn đề mang tính khu vực.
ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2045, cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của Hiệp hội. Theo Đại sứ, Việt Nam có thể đóng góp như thế nào vào việc hiện thực hóa tầm nhìn quan trọng này?
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 hướng tới việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết. Chúng tôi kỳ vọng một ngày nào đó, người dân trong khu vực sẽ không chỉ nhận diện mình là công dân của quốc gia mình, mà còn là công dân của ASEAN – tương tự như cách người dân châu Âu vừa là người Pháp, người Đức, nhưng đồng thời là công dân châu Âu.
Chúng tôi muốn thế hệ trẻ ngày càng gắn bó hơn với ASEAN. Qua đó, từng bước hình thành một bản sắc chung trong khu vực. Dĩ nhiên, mỗi người vẫn giữ quốc tịch, bản sắc quốc gia của mình, nhưng bên cạnh đó là một bản sắc khu vực – điều mà hiện nay vẫn còn đang thiếu.
Chúng tôi tin tưởng rằng với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, chúng ta sẽ đạt được điều này. Khi ấy, giới trẻ – những người dân của các thành viên Hiệp hội – sẽ không chỉ thấy mình là người của đất nước mình, mà còn là người ASEAN. Đó là cấp độ cam kết mà chúng tôi mong muốn thế hệ tiếp theo của ASEAN sẽ hướng tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-malaysia-khong-ky-vong-hoan-hao-100-nhung-asean-se-luon-vuot-qua-duoc-thach-thuc-trong-ngoai-320635.html
Bình luận (0)