Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan) |
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G), Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh giữa Việt Nam và Hà Lan, hai thành viên tích cực của P4G.
Việt Nam và Hà Lan từ lâu đã hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và năm 2025 cũng đánh dấu 15 năm hình thành "Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước" (2010 - 2015). Đại sứ có thể nêu những điểm nổi bật quan hệ hai nước trong lĩnh vực này?
Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập mối quan hệ "Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước" từ năm 2010, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác song phương nhằm đối phó với những thách thức môi trường toàn cầu. Đúng vào năm nay, chúng ta kỷ niệm 15 năm Đối tác chiến lược này.
Trong khuôn khổ chung là Đối tác toàn diện, quan hệ hai nước đã có hai nội hàm chiến lược, đó là: Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Cả hai nội hàm Đối tác chiến lược này đều góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Tôi xin nêu thành tựu nổi bật quan hệ hai nước về tăng trưởng xanh trong hai lĩnh vực chiến lược này, hội tụ tại khu vực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hà Lan và ĐBSCL có nhiều nét sự tương đồng. Có thể nói ĐBSCL là bản sao của Hà Lan tại Việt Nam khi có diện tích cũng như dân số gần giống nhau. Đồng bằng Hà Lan nằm dưới mực nước biển, chịu ảnh hưởng nặng nề từ nước biển dâng và biến đổi khí hậu. ĐBSCL cũng đối mặt nguy cơ tương tự khi dự báo gần một nửa khu vực sẽ nằm dưới mực nước biển sau 100 năm nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời.
Từ sự tương đồng này, Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể tích hợp phát triển ĐBSCL, bao gồm các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Một đóng góp quan trọng của Hà Lan là thay đổi tư duy chính sách từ “chống lại thiên nhiên” sang tư duy “thuận thiên”. Ví dụ, thay vì các biện pháp ngăn nước mặn cực đoan với chi phí tốn kém, Việt Nam chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm ở vùng nhiễm mặn, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.
Ngoài hỗ trợ xây dựng kế hoạch, Hà Lan còn trực tiếp hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các kế hoạch này, với sự tham gia của nhiều công ty Hà Lan giàu kinh nghiệm về tài chính và công nghệ xanh.
Khi đến thăm Việt Nam tháng 11/2023, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng nói rằng ĐBSCL giống như một phần của đất nước Hà Lan. Có thể nói, ĐBSCL được xem như mối nhân duyên để hai nước có sự gắn bó chặt chẽ với nhau trong tăng trưởng xanh.
Đại sứ Ngô Hướng Nam thăm trang trại điện gió của công ty Pondera – công ty đang mong muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Thái Bình. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan) |
Theo Đại sứ, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm gì từ Hà Lan nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số?
Là quốc gia đồng sáng lập và hoạt động tích cực trong P4G, Hà Lan là quốc gia tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Hà Lan trong nhiều lĩnh vực.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm về quản lý đồng bằng và vùng ven biển. Quốc gia châu Âu này đã triển khai Chương trình Đồng bằng với tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào quản lý nước và bảo vệ vùng đồng bằng trước tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam có thể tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và áp dụng công nghệ xanh và "thuận thiên" để bảo vệ ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng và các khu vực ven biển.
Tôi xin nêu một trải nghiệm thực tế. Thành phố The Hague, nơi Đại sứ quán đang làm việc, thấp hơn mặt nước biển trung bình là 2m. Thủ đô Amsterdam thấp hơn mặt nước biển trung bình là 3m. Có những nơi tôi đã đi qua còn thấp hơn mặt nước biển tới 6-7m. Tuy vậy, cuộc sống tại Hà Lan vẫn diễn ra thanh bình và không thấy có lũ lụt. Trải nghiệm đó cho tôi một niềm tin, nếu Việt Nam học tập kinh nghiệm của Hà Lan, chúng ta cũng sẽ không sợ nước biển dâng nữa.
Về chuyển đổi xanh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Hà Lan áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như sử dụng nhà kính tiết kiệm nước và phân bón, giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Năm 2014, hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về nông nghiệp bên vững và an ninh lương thực. Hơn 10 năm qua, khuôn khổ Đối tác chiến lược này đã phát huy rất hiệu quả, hỗ trợ Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp ngày một xanh hơn.
Về kinh tế tuần hoàn, Hà Lan thúc đẩy sản xuất giảm phát thải thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn, như sử dụng chất thải thực phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để giảm thiểu tác động môi trường.
Về chuyển đổi số, Hà Lan ứng dụng quản lý dữ liệu dân cư bằng cách số hóa thông tin cá nhân và dữ liệu dân cư với mức độ bảo mật cao, phục vụ phát triển kinh tế công nghệ. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này để xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư hiện đại. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi số, quản lý dân cư và quản lý dữ liệu, thông qua chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật.
Ngoài các lĩnh vực trên, Hà Lan cũng đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, logistics xanh...Tăng cường hợp tác với Hà Lan sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.
Hội nghị Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương Việt Nam-Hà Lan tại The Hague, tháng 12/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan) |
Xin Đại sứ đánh giá vai trò của các doanh nghiệp trong hợp tác tăng trưởng xanh. Đại sứ quán Việt Nam đã và đang triển khai kế hoạch gì nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này?
Phải khẳng định rằng, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh. Doanh nghiệp, với tư cách là lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất và kinh doanh, có khả năng áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn và bền vững, góp phần giảm phát thải carbon và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero).
Là một trong hai nước sáng lập P4G (cùng với Đan Mạch), Hà Lan đi tiên phong trong lĩnh vực tăng trưởng xanh với cộng đồng doanh nghiệp xanh, công nghệ xanh, giải pháp xanh... Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển xanh của Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi xin thông báo một tin vui. Năm 2024, lần đầu tiên Hà Lan đã vượt qua Đức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Từ hơn 10 năm nay, Hà Lan giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Kết hợp cả hai nhân tố trên, Hà Lan đang trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu.
Là cầu nối quan hệ giữa hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp hai bên; thúc đẩy đầu tư xanh, áp dụng công nghệ xanh, giải pháp xanh, thương mại xanh của Hà Lan vào Việt Nam.
Trong năm 2024, Đại sứ quán đã đón và thu xếp chương trình cho gần một nửa số tỉnh thành Việt Nam sang thăm Hà Lan vì mục đích hợp tác kinh tế; tổ chức 5 hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; hỗ trợ ký kết 10 thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp.
Năm 2025, Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) vận động Quốc hội Hà Lan phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tạo môi trường thuận lợi để Hà Lan giữ vững vị trị là nhà đầu tư và thương mại lớn nhất của EU tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Cuối cùng, xin chúc cho Hội nghị Thượng đỉnh P4G thành công, tạo nguồn động lực mới giúp Việt Nam tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Tuy không tham dự được trực tiếp, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof sẽ có bài phát biểu qua thu hình phát sóng tại Hội nghị.
Xin trân trọng cám ơn Báo Thế giới và Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi chia sẻ một số suy nghĩ về tăng trưởng xanh trong quan hệ hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Ngô Hướng Nam cùng đoàn Việt Nam thăm nhà máy điện rác Amsterdam lớn nhất tại châu Âu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-ngo-huong-nam-moi-nhan-duyen-tang-truong-xanh-gan-ket-viet-nam-ha-lan-310829.html
Bình luận (0)