Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam: Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mang hết tiềm năng của mình vào bàn nghị sự xanh toàn cầu

P4G đóng vai trò như một bệ phóng cho các doanh nghiệp giai đoạn đầu, giúp họ sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư thông qua hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với chính quyền, và đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn - yếu tố mà các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu hụt.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế13/04/2025

PV ĐS Đan Mạch P4G
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho rằng phát triển bền vững phụ thuộc vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua hành động tập thể. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025 về tiến trình hướng tới một nền kinh tế xanh.

Thưa Đại sứ, Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", dự kiến diễn ra vào ngày 14-17/4 sắp tới tại Hà Nội. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chủ đề này, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang hành động vì khí hậu toàn cầu?

Theo tôi, chủ đề của Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là lời khẳng định rằng một quá trình chuyển đổi xanh thành công đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và đa chiều. Có thể nói, chủ đề này phù hợp với mục tiêu cốt lõi của P4G - lấy con người làm trung tâm của sự thay đổi - đồng thời hàm ý giữa chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ.

Ở góc độ toàn cầu, Hội nghị năm nay diễn ra rất đúng thời điểm, nằm giữa COP29 và COP30. COP30 tại Belém (Brazil) vào tháng 11/2025 sẽ đánh dấu 10 năm Hiệp định Paris và là thời hạn để các nước đệ trình những Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions) một cách cập nhật và tham vọng hơn, thể hiện cam kết thúc đẩy hành động khí hậu và công bằng khí hậu.

Tin liên quan
Đại sứ Nguyễn Văn Hải: Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều từ chuyển đổi xanh của Mexico Đại sứ Nguyễn Văn Hải: Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều từ chuyển đổi xanh của Mexico

Theo các báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu không hành động ngay từ bây giờ, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với hành tinh và nhân loại.

Còn ở cấp độ quốc gia, hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu rõ ràng, kể cả ở Việt Nam. Siêu bão Yagi và các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 2024 đã gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Bão, lũ, hạn hán và sạt lở đất thường xuyên đe dọa sinh kế của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như việc Hà Nội được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới vào năm 2025.

Chính vì vậy, để ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu, chúng ta không thể tiếp tục đi trên lối mòn cũ. Phát triển bền vững, theo tôi, phụ thuộc vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua hành động tập thể. Chính phủ cần thiết lập những khuôn khổ chính sách mang tính dẫn dắt và dài hạn; doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp xanh, trong đó giới trẻ và cộng đồng khởi nghiệp (start-up) cần trở thành lực lượng đầu tàu đưa ra các ý tưởng đột phá.

Đặc biệt, quan hệ đối tác công - tư đóng vai trò then chốt trong tiến trình hành động vì khí hậu. Chúng ta cần kết hợp nguồn lực, khả năng sáng tạo và quy mô của khu vực tư nhân với sự hỗ trợ chính sách và tài chính từ khu vực công nhằm giải quyết các thách thức phức tạp một cách hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, để xây dựng những giải pháp khí hậu thực sự hiệu quả, điều cốt lõi là cần một cách tiếp cận toàn diện, đặt con người vào trung tâm - bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi xanh. Hành động khí hậu toàn diện không chỉ là lời đáp trả thiết yếu trước thách thức biến đổi khí hậu, mà còn là chìa khóa để thu hẹp bất bình đẳng xã hội và kinh tế.

Xã hội dân sự - đặc biệt là những cộng đồng chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - đang nắm giữ những tri thức và góc nhìn vô giá. Trao quyền cho họ, đồng thời nhận diện rõ những thiệt thòi chồng chéo do giới tính, chủng tộc hay điều kiện kinh tế - xã hội gây ra, không chỉ là vấn đề công lý, mà còn mở ra những cơ hội lớn về phát triển bền vững và bao trùm.

PV ĐS Đan Mạch P4G
Trong cuộc họp báo hồi tháng 11/2023, Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định Việt Nam và Đan Mạch đều hướng đến một mục tiêu chung là một tương lai xanh. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung có phân biệt” (Common But Differentiated Responsibilities), mọi quốc gia đều có trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, song mức độ cam kết và nghĩa vụ có sự khác biệt, phản ánh quá trình đóng góp không đồng đều vào cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy hành động là tài chính khí hậu - như tại COP29, các nước phát triển đã cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cam kết và hành động mạnh mẽ từ các quốc gia có mức phát thải lịch sử cao là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Để chuyển đổi xanh thành hiện thực, đòi hỏi nỗ lực từ tất cả các quốc gia, trong đó có cả các nền kinh tế đang phát triển, cùng chung tay góp phần bằng hành động cụ thể và trách nhiệm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình.

Về phần mình, Việt Nam trước đây là quốc gia phát thải tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong vài thập kỷ qua đã khiến đất nước hình chữ S trở thành một trong những nền kinh tế phát thải khí nhà kính cao nhất Đông Nam Á, nếu tính theo lượng phát thải trên mỗi đơn vị sản phẩm. Do đó, việc Việt Nam đi đầu, thể hiện qua sáng kiến đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G, không chỉ mang ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia đầy tham vọng - đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Được biết, Đan Mạch là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Đến với Hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay, đất nước Bắc Âu xinh đẹp sẽ đóng góp gì cho nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, thưa Đại sứ?

Đan Mạch từ lâu đã là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phân phối và tích hợp năng lượng, cũng như hiệu quả năng lượng.

Hợp tác về năng lượng cũng trở thành một phần quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch kể từ năm 2013, thông qua Chương trình đối tác năng lượng chung. Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, chúng tôi đã và đang chia sẻ kiến thức, năng lực và kinh nghiệm từ chính quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.

Bên cạnh đó, Đan Mạch, cùng với Nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy, là thành viên của Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG). Sáng kiến này ban đầu cam kết huy động tổng cộng 15,5 tỷ USD từ cả nguồn tài chính công và tư nhằm hỗ trợ quá trình khử carbon trong hệ thống năng lượng của Việt Nam. Trong khuôn khổ đóng góp của Đan Mạch với tư cách thành viên IPG, chúng tôi cũng đang xúc tiến thiết lập hợp tác giữa hai chính phủ trên lĩnh vực giáo dục, tập trung vào đào tạo nghề phục vụ chuyển đổi xanh. Có thể nói, những nỗ lực này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu quốc gia của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, hiệu quả và bền vững về môi trường.

Bên cạnh đó, với tư cách là quốc gia đồng sáng lập và tài trợ cho P4G, Đan Mạch đặc biệt quan tâm đến việc góp phần định hình các nỗ lực chuyển đổi xanh toàn cầu. Đan Mạch luôn khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia và những lĩnh vực trên toàn thế giới, bởi chúng tôi tin rằng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ là yếu tố then chốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy nhiều chương trình nghị sự quan trọng khác.

Đan Mạch đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G đầu tiên tại Copenhagen năm 2018, qua đó giúp nâng cao vị thế và nhận thức về phương pháp tiếp cận dựa trên đối tác của P4G. Từ đó đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ 14 đối tác P4G bằng cách kết nối họ với các bên liên quan tại Đan Mạch. Theo tôi, những quan hệ đối tác này phù hợp với các ưu tiên trong hợp tác phát triển của Đan Mạch, bao gồm giảm bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu. Hơn hết, đóng góp của chúng tôi thông qua P4G nằm trong chiến lược rộng lớn hơn về chuyển đổi xanh và cam kết khí hậu, giúp Đan Mạch duy trì vai trò tiên phong trong chuyển đổi xanh toàn cầu.

Đặc biệt, Đan Mạch hiện có một chương trình nghị sự xanh đầy tham vọng, gắn chặt với các mục tiêu về khí hậu. Năm 2020, chúng tôi đã ban hành Đạo luật khí hậu (Climate Act), qua đó quy định trách nhiệm pháp lý của chính phủ trong việc thực hiện cam kết theo Thỏa thuận Paris. Cụ thể, Đan Mạch cam kết cắt giảm ít nhất 70% lượng phát thải khí nhà kính so với mức năm 1990 vào năm 2030, đạt trung hòa khí hậu vào năm 2045 và tiến tới giảm 110% vào năm 2050. Theo các đánh giá mới nhất từ Hội đồng khí hậu Đan Mạch, chính sách khí hậu của đất nước đang đi đúng hướng với các cam kết đề ra đến năm 2025.

PV ĐS Đan Mạch P4G
Đan Mạch từ lâu đã là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phân phối và tích hợp năng lượng, cũng như hiệu quả năng lượng. (Nguồn: State of Green)

Đạo luật khí hậu cũng nêu rõ, Đan Mạch có nghĩa vụ đóng góp vào việc truyền cảm hứng và thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để tạo ra tác động thực chất.

Vì vậy, Đan Mạch kiên định ủng hộ các cam kết khí hậu mạnh mẽ hơn từ các quốc gia phát thải lớn, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc gia dễ bị tổn thương cũng như thúc đẩy hành động dựa trên khoa học. Trong khuôn khổ đó, Đan Mạch tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Khí hậu Copenhagen nhằm chuẩn bị cho Hội nghị COP hàng năm và các vòng đàm phán toàn cầu như Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đi đầu trong một loạt sáng kiến thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm: Thúc đẩy mở rộng năng lượng tái tạo; loại bỏ nhiên liệu hóa thạch thông qua các liên minh như Liên minh vượt khỏi dầu mỏ và khí đốt (Beyond Oil and Gas Alliance); khuyến khích thực hành bền vững trong ngành hàng hải và hàng không; hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đang phát triển; dẫn dắt các chiến lược khí hậu và chuyển đổi xanh của EU. Những nỗ lực này sẽ tiếp tục được Đan Mạch tăng cường trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU vào nửa cuối năm 2025.

Đan Mạch cam kết chuyển hướng dòng tài chính toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang đầu tư xanh. Chúng tôi đã cải tổ Quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển (Investment Fund for Developing Countries), tăng đáng kể vốn điều lệ nhằm thúc đẩy tài chính khí hậu.

Hiện nay, ít nhất 30% nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Đan Mạch là dành cho các sáng kiến khí hậu, đồng thời chúng tôi tích cực huy động những khoản đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, Đan Mạch đang tham gia đàm phán về mục tiêu tài chính khí hậu mới sau năm 2025, đồng thời ủng hộ cải cách các Ngân hàng phát triển đa phương (Multilateral Development Banks) nhằm giúp nhiều nước đang phát triển huy động tài chính cho chuyển đổi xanh. Hơn hết, thông qua các liên minh quốc tế, chúng tôi thúc đẩy định giá carbon và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, từ đó tăng cường tài chính khí hậu toàn cầu cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Tại Hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay, một trong những nội dung trọng tâm là giới thiệu các sáng kiến đổi mới và xây dựng chiến lược hành động nhằm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu, đặc biệt tại thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển. Xin Đại sứ cho biết vì sao đổi mới sáng tạo và các start-up khí hậu lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu của chúng ta?

Hiện nay, ngày càng rõ ràng rằng đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu đóng vai trò then chốt cho một quá trình chuyển đổi xanh thành công. Bởi lẽ, để vượt qua những trở ngại trên con đường đạt được các mục tiêu khí hậu, chúng ta cần nhiều giải pháp mang tính tổng hợp và liên ngành. Những vấn đề không biên giới như biến đổi khí hậu đòi hỏi những giải pháp mới, sáng tạo - và chính các doanh nhân sẽ là lực lượng thiết yếu, mang hết tiềm năng của mình vào bàn nghị sự.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) đặc biệt có lợi thế trong việc giải quyết những thách thức này, bởi họ thường linh hoạt hơn và có khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi, cơ hội và thách thức mới. Đây là điều mà các doanh nghiệp lớn đôi khi khó thực hiện. Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia. Tương tự, tại Đan Mạch, các doanh nghiệp SMEs, chiếm 98,7% tổng số doanh nghiệp, đã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ chương trình nghị sự xanh.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2 của P4G (2023-2027), việc tập trung thúc đẩy quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp là vô cùng cần thiết.

PV ĐS Đan Mạch P4G
Năm 2022, start-up công nghệ giao thông Viggo ra mắt những trạm sạc siêu nhanh đầu tiên tại trung tâm Copenhagen, đánh dấu cột mốc đặc biệt trong hành trình xanh của thủ đô Đan Mạch. (Nguồn: Via Ritzau)

Bên cạnh đó, start-up khí hậu còn đóng vai trò vô cùng quan trọng nhờ khả năng mang đến nhiều giải pháp phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh. Những đổi mới công nghệ, mô hình đầu tư mới và thị trường mới nổi chính là các yếu tố định hình tương lai, nơi phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà trở thành ưu tiên hàng đầu. Đáp ứng xu thế này, P4G đóng vai trò như một bệ phóng cho các doanh nghiệp giai đoạn đầu, giúp họ sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư thông qua hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với chính quyền, và đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn - yếu tố mà các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu hụt.

P4G hiện đang cung cấp các khoản tài trợ trung bình khoảng 350.000 USD cho mỗi quan hệ đối tác. Cho đến nay đã huy động được khoảng 100 triệu USD đầu tư cho 19 doanh nghiệp khí hậu. Điển hình như dự án Green Freight Asia Vietnam, P4G đã đầu tư 100.000 USD nhằm triển khai mô hình khuyến khích cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon và các chất ô nhiễm từ ngành vận tải hàng hóa của Việt Nam vào năm 2050.

Có thể nói, trong tiến trình hướng tới một nền kinh tế xanh, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là không thể tách rời. Trong bối cảnh đó, P4G đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và toàn diện, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng kiến tương tự trên toàn cầu.

Khi nền kinh tế thế giới chuyển mình theo hướng xanh hơn, tuần hoàn hơn và đổi mới hơn, tôi cho rằng việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là điều thiết yếu. Những tiến bộ nhanh chóng trong khoa học, công nghệ và đổi mới cũng đang kiến tạo các lối đi mới cho những thách thức toàn cầu. Do đó, khai thác tối đa tiềm năng của các start-up xanh là yếu tố không thể thiếu để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).

Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).

Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công - tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-dan-mach-tai-viet-nam-cac-doanh-nghiep-khoi-nghiep-se-mang-het-tiem-nang-cua-minh-vao-ban-nghi-su-xanh-toan-cau-310793.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm