Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đảm bảo an toàn dịch bệnh - hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi

Chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi đóng vai trò quan trọng.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên07/07/2025

Phun khử khuẩn tại trang trại chăn nuôi gà quy mô 4 vạn con gà của cựu binh Nguyễn Kim Xưa, xã Phú Lương.

Phun khử khuẩn tại trang trại chăn nuôi gà quy mô 4 vạn con gà của cựu binh Nguyễn Kim Xưa, xã Phú Lương.

Kiểm soát dịch bệnh bằng công nghệ

Trang trại chăn nuôi 2.400 lợn nái và 15.000 lợn thịt của Công ty CP Chăn nuôi công nghệ cao Thái Nguyên hợp tác với Công ty Sunjin Việt Nam đang ứng dụng khá hiệu quả công nghệ vào giám sát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc điều hành trang trại chăn nuôi, cho biết: Trang trại được đặt tại xã Trại Cau. Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, chúng tôi đầu tư hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại các khu vực trọng yếu như chuồng nuôi, kho thức ăn, khu cách ly, lối ra vào trang trại. Camera kết nối Internet giúp quản lý có thể giám sát trang trại từ xa, phát hiện sớm các bất thường trong chăn nuôi. Chúng tôi cũng đầu tư hệ thống sát trùng tự động bằng cảm biến hồng ngoại nhận diện người và phương tiện ra vào trang trại, kích hoạt hệ thống phun khử trùng tự động, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe vật nuôi qua các thiết bị cảm biến được ứng dụng và đưa vào thực hiện ở hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn (toàn tỉnh đang có hơn 60 trang trại quy mô lớn).

Ông Dương Văn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, khẳng định: Các thiết bị này giúp cho người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng, tự động hóa các khâu trong chăn nuôi như hệ thống cho ăn, uống nước và vệ sinh tự động, giúp người chăn nuôi giảm bớt nhân công lao động và đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất. Dù mới ở bước đầu đã áp dụng nhưng mức độ giảm thiểu dịch bệnh tại các trang trại sử dụng công nghệ giám sát tăng lên 25% so với các trang trại không áp dụng.

Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi còn áp dụng mô hình sử dụng hệ thống chuồng kín, tự động cho ăn nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Sử dụng các loại vắc-xin để phòng bệnh cho vật nuôi. Chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, đa số đối với gia súc thường sử dụng vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả lợn, tụ huyết trùng trâu bò; đối với gia cầm thường sử dụng vắc-xin cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro...

Chủ hộ chăn nuôi ở xã Đồng Phúc chăm sóc vật nuôi.

Chủ hộ chăn nuôi ở xã Đồng Phúc chăm sóc vật nuôi.

Xây dựng vùng an toàn trước nguy cơ tiềm ẩn

Sau sáp nhập, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi do tình trạng chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, phân tán, nhất là các địa bàn miền núi, vùng cao. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi bất thường, mưa, nồm ẩm… có nguy cơ xuất hiện các bệnh thường gặp ở vật nuôi bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lợn; lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm…

Một trong những nguy cơ khiến cho dịch bệnh ở đàn vật nuôi bùng phát còn do trình độ kỹ thuật chăn nuôi của nhiều nông hộ vẫn còn hạn chế, thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh, còn thả rông gia súc khiến cho công tác tiêm phòng gặp không ít khó khăn. Nhất là ở các địa bàn vùng cao như Nam Cường, Ba Bể, Nà Phặc, Ngân Sơn…

Thêm vào đó là tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ, lề đường; một số người dân chưa chủ động đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình cũng khiến cho việc quản lý, kiểm soát dịch gặp trở ngại.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn này, việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết. Ông Dương Văn Hào cho biết thêm: Không chỉ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn tạo ra sản phẩm “sạch” cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả quản lý trang trại, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, để phát triển chăn nuôi bền vững, các cấp, ngành chức năng và người dân trong tỉnh cần tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bệnh lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục ở trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, dại chó…).

Đặc biệt, nâng cao tỷ lệ và chất lượng công tác tiêm phòng các loại vắc-xin, phấn đấu đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thực hiện tốt công tác giám sát, chẩn đoán xét nghiệm phát hiện dịch bệnh và tổ chức chống dịch nếu xảy ra; công tác vệ sinh sát trùng tiêu độc; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường chăn nuôi...

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/dam-bao-an-toan-dich-benh-huong-di-ben-vung-cho-phat-trien-chan-nuoi-4691ed6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm