Để kịp thời kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, làm cơ sở hoạch định các chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực. Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm đối với người lao động (NLĐ).
Giai đoạn 2020 - 2024, bình quân mỗi năm, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho khoảng 22.000 lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện, toàn tỉnh có hơn 600 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó có hơn 588 nghìn người có việc làm; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chiếm 1,5%, giảm 1,72% so với cùng kỳ năm 2024.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, làm cơ sở để hoạch định các chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kết nối việc làm giữa NLĐ và doanh nghiệp cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Hằng năm, tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp, thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, thu thập cung - cầu lao động để người dân, người sử dụng lao động biết và tham gia hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra viên tiến hành thu thập thông tin về thị trường lao động.
UBND các huyện, thành phố lựa chọn, phân công, bố trí cán bộ tham gia điều tra thu thập lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ sử dụng, cập nhật thông tin cho các điều tra viên.
Đẩy mạnh công tác thông tin lao động, các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động, từ đó, kịp thời triển khai những biện pháp tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lao động, việc làm, đào tạo nghề như Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm và hỗ trợ một số chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong GDNN đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030…
Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các dự án công nghệ có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguồn lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị về điện tử, ô tô, xe máy; ưu tiên dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ AI, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất.
Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ và kỹ thuật hiện đại, vận hành sản xuất bằng máy móc; một bộ phận doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật mới, mở rộng quy mô sản xuất… làm thay đổi cơ cấu tuyển dụng lao động. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo hoặc chỉ đào tạo một số mã ngành, nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 530 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như dệt may, da giày, linh kiện điện tử… ký thêm được nhiều đơn hàng mới nên có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Trước tình hình đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp, thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Theo đó, công tác thu thập thông tin thị trường lao động được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung thu thập bao gồm thông tin về cung, cầu lao động, thông tin về NLĐ nước ngoài làm việc tại tỉnh. Tiến độ thực hiện từ ngày 10/4 - 30/7/2025.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu lên hệ thống lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động vào phần mềm thông tin cung - cầu lao động; tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thu thập thông tin, theo dõi, đôn dốc quá trình cập nhật, xử lý thông tin từ cấp huyện, thành phố.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp xã triển khai nhập, cập nhật dữ liệu thông tin vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
UBND các huyện, thành phố chủ động ban hành kế hoạch, tập huấn, hướng dẫn cấp xã trong việc thu thập lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh năm 2025; tổ chức phân công, kiểm tra, giám sát theo dõi, đôn đốc công tác thu thập, thông tin thị trường lao động của các xã, phường, thị trấn và điều tra viên đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng kế hoạch đề ra.
UBND các xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác thu thập thông tin cung - cầu lao động, chủ động lựa chọn, phân công nhiệm vụ cho điều tra viên gắn với từng địa bàn cụ thể, hạn chế trùng lặp và bỏ sót thông tin.
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126943/Dap-ung-nguon-cung-lao-dong-theo-nhu-cau-thi-truong
Bình luận (0)