Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

(Baothanhhoa.vn) - Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, các chủ thể đã không ngừng sáng tạo, đổi mới, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất. Qua đó, góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa19/04/2025

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm OCOP từ yến sào của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh.

Đối với huyện Thiệu Hóa, Chương trình OCOP bước đầu đã khai thác được tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hầu hết các chủ thể đều có ý thức ứng dụng KHKT để sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Đối với các sản phẩm đã được gắn sao, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì sản phẩm... bảo đảm thị hiếu và nhu cầu của thị trường... Việc ứng dụng KHKT cũng được xem là “tấm vé” thông hành để các sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm cơm cháy Ánh Dương, anh Nguyễn Trọng Thọ, xã Tân Châu cho biết: “Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, tôi đã chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang đầu tư máy móc nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Với nguyên liệu từ gạo nếp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt độ dẻo nhất định, sau đó đưa vào phòng tách ẩm để sản phẩm dễ bảo quản; sử dụng phương pháp sấy bằng ánh nắng mặt trời kết hợp hệ thống sấy khép kín bằng hơi nước điều hòa để không còn phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo vệ sinh và chất lượng hơn. Ruốc ăn kèm được làm từ thịt sạch có nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định chất lượng. Cơm sau khi sấy khô được đưa vào nồi chiên chuyên dụng để không bị ngấm dầu và sản phẩm được đóng gói bằng túi nilon chuyên dụng dùng cho thực phẩm ăn liền, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Nhờ tự động hóa trong quá trình sản xuất và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, quy mô sản xuất đã được mở rộng, không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, sản phẩm cơm cháy Ánh Dương còn được người tiêu dùng cả nước tin dùng.

Sau khi chè Bình Sơn đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm đã được người tiêu dùng quan tâm, đặt ra thách thức về số lượng và chất lượng sản phẩm nhiều hơn. Năm 2023, cùng sự hỗ trợ của địa phương, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Bình Sơn (Triệu Sơn) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc theo dây chuyền tự động hóa như máy sấy lạnh, máy nghiền bột chè, máy hút chân không, máy đóng trà túi lọc... Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX cho biết: “Công nghệ sấy lạnh sở hữu khả năng thu hồi nhiệt và độ ẩm từ buồng sấy nguyên liệu qua hệ thống ngưng tụ hơi nước, vì vậy sản phẩm giữ được màu sắc, dinh dưỡng. Bên cạnh đó, quy trình sấy được thực hiện khép kín nên không bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài tác động. Đối với máy hàn túi có thể điều chỉnh nhiệt để phù hợp với chất liệu bao bì cần đóng gói, đường hàn đẹp, tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công”. Từ 1 sản phẩm ban đầu, đến nay HTX đã xây dựng thành công 4 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 3 sao; mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 50 tấn chè khô các loại.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHKT, công nghệ mới là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã đầu tư mua sắm, lắp đặt trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất khép kín... góp phần nâng cao về chất lượng, sản lượng cũng như giá trị, như các sản phẩm: Sơn mộc trà - lá ổi non; sơn mộc trà - gừng, tía tô; mắm tôm, mắm tép Lê Gia; yến xào xứ Thanh; dưa lưới Vạn Hoa... Đồng thời, chú trọng thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bởi vậy, sản phẩm OCOP của Thanh Hóa ngày càng khẳng định chất lượng, tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường... sản lượng tiêu thụ tăng hàng năm từ 30 - 40%. Bên cạnh ứng dụng KHKT, để nâng tầm sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Qua đó giúp các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-246150.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm