Sau gần 1 năm khởi công xây dựng, Nhà máy sản xuất máy dò góc tuyệt đối cho động cơ ô tô điện của Công ty TNHH Tamagawa Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 6 này. Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, hiện Công ty đang tích cực tuyển dụng lao động, dự kiến khoảng 250 lao động ở các bộ phận.
Ông Yasuo Hagimoto, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tamagawa Việt Nam, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, từ tháng 3 đến nay, đơn vị phối hợp với nhiều đơn vị tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí với yêu cầu khác như công nhân lắp ráp, kỹ thuật viên cơ khí, nhân viên quản lý chất lượng, nhân viên quản lý dây chuyền lắp ráp… Bên cạnh đào tạo thường xuyên cho người lao động, đơn vị thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chăm lo đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho cán bộ, công nhân, lao động để tạo môi trường tốt nhất, tích cực làm việc, yên tâm gắn bó.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, đến năm 2030, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần gần 900.000 lao động. Để đáp ứng lao động cho các doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho học nghề. Điển hình là Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hoá cho học sinh tốt nghiệp THCS tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh đã có 53.893 lượt học sinh được hỗ trợ với kinh phí là 94,4 tỷ đồng. Một số ngành, nghề thu hút nhiều học sinh, sinh viên theo học như: Kỹ thuật chế biến món ăn, du lịch, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, quản trị khách sạn.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đa dạng ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ sở chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, với nhu cầu của thị trường lao động; cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo được các cơ sở dạy nghề ngày càng được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm các yêu cầu thực hành cơ bản; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, với nhu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trên 85%.
Em Phùng Xuân Tài, Lớp trung cấp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn K62, Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, cho biết: Tháng 6/2025, em thi tốt nghiệp văn hóa. Hiện tại với tấm bằng nghề loại khá em đã có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương từ 10-11 triệu đồng/tháng. Có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là niềm mong mỏi của em và nhiều bạn học sinh, sinh viên khác.
Ông Nguyễn Sỹ Phan, Trưởng Bộ phận Ẩm thực Khách sạn The Yacht Hotel by DC, cho biết: Khách sạn hiện có 200 lao động, phần lớn lao động được tuyển dụng từ các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, như Đại học Hạ Long, Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, Cao đẳng Việt Hàn… Đây đều là đội ngũ nhân lực có chất lượng, đào tạo bài bản, nắm bắt công việc nhanh, ý thức tốt, tích cực trong công việc, đảm nhận một số vị trí chủ chốt trong đơn vị. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, diễn đàn hợp tác nhà trường - nhà tuyển dụng, sàn giao dịch việc làm… nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các doanh nghiệp nói riêng và thực tiễn nói chung, tại cuộc họp của UBND tỉnh ngày 3/4 nghe báo cáo chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương nghiên cứu thiết lập kho dữ liệu thông tin nguồn nhân lực để hình thành sàn giao dịch điện tử về thị trường lao động; rà soát hoạt động các trường nghề trên địa bàn để chỉ đạo mở rộng các ngành nghề tỉnh cần, gắn với cung ứng lao động có tay nghề chất lượng cao cho các doanh nghiệp nhất là tại các KCN-KKT và các lĩnh vực nuôi biển, dịch vụ, điện - điện tử, bán dẫn, CNTT, du lịch; phổ cập ngoại ngữ, CNTT, kỹ năng... cho 100% học sinh, sinh viên để nâng cao chất lượng nhân lực; đề xuất cơ chế chính sách đào tạo lao động người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống ứng dụng chuyển đổi số từ khâu tuyển sinh, đào tạo, cung ứng lao động để cung cấp thông tin cho người dân trên hệ thống tin nhắn qua điện thoại di động; tiếp tục đề xuất chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao cho các ngành tỉnh cần về làm việc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dap-ung-nhu-cau-lao-dong-cho-doanh-nghiep-3359719.html
Bình luận (0)