Những “cứu tinh” di sản
Đồng hành với các nghệ nhân tròn 3 năm thực hiện công tác trùng tu điện Thái Hòa, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định, không có các nghệ nhân, thợ lành nghề và cộng đồng các làng nghề-những “cứu tinh” của di sản thì công trình khó mà thực hiện được.
Điện Thái Hòa nằm trong Hoàng thành Huế, được Vua Gia Long khởi công xây dựng vào năm 1805, là một trong những công trình đồ sộ mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn, nơi diễn ra các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần và các buổi đại triều hai lần vào ngày mồng một và 15 âm lịch hằng tháng. Ngày 23-11-2021, điện Thái Hòa được triển khai trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án có tổng diện tích khoảng 7.100m2, trong đó điện Thái Hòa là 1.440m2, sân Đại Triều Nghi 1.640m2... Sau 3 năm, công trình khánh thành ngày 23-11-2024. KTS Hoàng Việt Trung cho biết, xưa kia, mối liên kết giữa làng nghề và cung đình, các nghệ nhân làng nghề truyền thống Phước Tích, Tiên Nộn, Dạ Lê... từng được triệu vào kinh thành để thi công các công trình quan trọng. Nếu không có những bàn tay làm nên từng viên ngói, lớp sơn, tấm pháp lam... thì sẽ không thể có được Hoàng thành Huế như ngày nay.
|
Điện Thái Hòa được đánh giá là hình mẫu trong công tác trùng tu và môi trường thực hành cho các thế hệ nghệ nhân kế cận. Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp |
Từ chỗ nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng sau chiến tranh và thời kỳ bao cấp, trong suốt hơn 30 năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Huế không chỉ là nơi đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới mà còn trở thành mô hình kiểu mẫu trong công tác trùng tu, phục hồi và phát triển bền vững di sản. Đến nay đã có hơn 250 công trình lớn nhỏ được bảo tồn, phục hồi, bao gồm các công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, điện Long An, đàn Nam Giao, lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Khải Định... Công tác trùng tu được thực hiện bài bản, đúng quy chuẩn bảo tồn quốc tế, với sự tham gia của các chuyên gia, nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề và kỹ thuật viên có tay nghề cao. Trong đó, hai công trình gần đây là lầu Kiến Trung và điện Thái Hòa nổi bật như những minh chứng tiêu biểu cho cách tiếp cận hiện đại nhưng vẫn bảo lưu bản sắc truyền thống.
Với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, bên cạnh những cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy di sản, tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường di sản; đồng thời bám sát hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới trong việc thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng và các bên liên quan tới di sản như một điều kiện cần thiết để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và thuyết minh di sản một cách bền vững. Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, trong suốt hơn 30 năm kể từ khi vịnh Hạ Long được ghi danh vào danh mục di sản thế giới, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường di sản cho mọi đối tượng, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục bảo vệ môi trường di sản cho thế hệ trẻ. Từ năm học 2000-2001, tỉnh Quảng Ninh đã đưa chương trình giáo dục bảo vệ di sản vào giảng dạy ở cả 3 cấp học phổ thông tại tất cả trường học trên địa bàn các địa phương ven bờ vịnh Hạ Long. Tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức thành công mô hình giáo dục con thuyền sinh thái Ecoboat-một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long từ năm 2005 với phương châm chơi mà học, học mà chơi... Nhiều sáng kiến và các chương trình bảo vệ môi trường tại những khu vực trên và ven bờ vịnh đã được cộng đồng địa phương tham gia hưởng ứng tích cực, chủ động.
Thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về trách nhiệm bảo tồn di sản
Theo KTS Hoàng Việt Trung, việc bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế và nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận trong nhiều năm qua không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ những công trình kiến trúc lịch sử mà còn là hành trình phục hồi toàn diện các giá trị văn hóa, nghệ thuật và kỹ thuật nghề truyền thống. Ví dụ điển hình, điện Thái Hòa và lầu Kiến Trung là hai công trình tiêu biểu trong công tác trùng tu di tích triều Nguyễn. Qua quá trình trùng tu bài bản, hai công trình này không chỉ lấy lại diện mạo nguyên bản mà còn trở thành môi trường thực hành sống động cho các thế hệ nghệ nhân kế cận. Nghề làm ngói lưu ly, thếp vàng, pháp lam, sơn truyền thống... đã được phục hồi nhờ sự tham gia trực tiếp của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, kết hợp với phương pháp nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là việc bảo tồn kỹ thuật cổ mà còn là cách duy trì dòng chảy của di sản văn hóa dân tộc. Bảo tồn di tích không thể chỉ dừng lại ở việc phục hồi hình thức vật chất mà còn phải chú trọng đến yếu tố con người-chính những nghệ nhân là “báu vật sống” giúp di sản tiếp tục "thở" và tồn tại bền vững.
Tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội-ông Jonathan Baker đánh giá Việt Nam đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy di sản, trong đó lấy cộng đồng làm trung tâm. Theo ông, để phát huy vai trò của cộng đồng, các địa phương cần bảo đảm phúc lợi và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương cũng như người dân sống trong và xung quanh các di sản thế giới; trao quyền thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức bảo tồn, đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi của di sản trước biến đổi khí hậu dựa trên tri thức bản địa.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/cong-dong-nam-giu-phat-huy-ben-vung-di-san-830085
Bình luận (0)