Trong hệ thống thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, những công trình như đình, chùa, đền, miếu đã được nghiên cứu sâu rộng và trở thành biểu tượng quen thuộc trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, các quán Đạo giáo, nơi thờ phụng các vị thần của Đạo giáo lại là mảng màu còn thiếu trong bức tranh toàn cảnh ấy.

Với bề dày nghiên cứu, trải nghiệm thực địa qua nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đã lựa chọn vùng đất phía Tây Hà Nội (xưa thuộc xứ Đoài) làm điểm nhấn để tiếp cận hệ thống các quán Đạo giáo như quán Hội Linh, quán Hưng Thánh, quán Linh Tiên, quán Lâm Dương… Từ góc nhìn lịch sử tôn giáo, ông nhận định: “Sự tồn tại của những ngôi quán Đạo giáo ở nhiều nơi chứng tỏ thiết chế tôn giáo này đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt”.
Đây không chỉ là nơi thờ phụng các vị thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Huyền Thiên Trấn Vũ, mà còn là nơi thể hiện sự kết tinh, hòa quyện giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các tôn giáo lớn khác như Nho giáo, Phật giáo. Theo tác giả, chính nhờ sự hòa trộn ấy mà Đạo giáo không tồn tại như một tôn giáo ngoại lai thuần túy, mà đã sớm được bản địa hóa, hội nhập và lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống tinh thần người Việt.
Một trong những phát hiện đáng chú ý của cuốn sách là sự biến đổi trong kiến trúc quán Đạo giáo theo thời gian. Nếu như thế kỷ XVI, mặt bằng quán thường theo hình chữ Tam thì đến thế kỷ XVII, mô hình kiến trúc chuyển sang chữ Công biểu trưng cho sự vững chắc, cân đối và hướng nội. Bên cạnh đó, hệ thống Hậu đường và Gác chuông có đặc điểm nổi bật của quán Đạo giáo thời kỳ này cũng được tác giả xem là “cầu nối chuyển tiếp” sang lối kiến trúc Tiền Phật - Hậu Thánh phổ biến ở nhiều di tích sau này.
Không dừng lại ở kiến trúc, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng còn tiến hành phân loại hệ thống tượng pháp thờ trong quán Đạo thành bốn nhóm: Các tượng phổ quát trong điện thờ Đạo giáo; các tượng có mặt ở một số quán; các tượng chỉ có trong một vài quán cá biệt và nhóm tượng mang tính hỗn dung Đạo - Phật. Phân tích ấy không chỉ cho thấy sự đa dạng về tín ngưỡng, mà còn phản ánh rõ nét đặc tính khoan dung và linh hoạt trong tâm thức tôn giáo của người Việt.
Cuốn sách còn đưa ra những phân tích sâu sắc về vai trò lịch sử - văn hóa của Đạo giáo trong các giai đoạn biến động. Tác giả cho rằng, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng tư tưởng, Nho giáo mất dần tính chính danh, Đạo giáo với triết lý siêu thoát, an nhiên trở thành nơi nương náu tinh thần của giới trí thức và quan lại.
Cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng, việc khảo cứu và nhận diện đúng giá trị của các quán Đạo giáo không chỉ mang ý nghĩa học thuật, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây là lời nhắc nhở cần thiết đối với các nhà quản lý văn hóa - di tích, cũng như cộng đồng trong việc nhìn nhận lại vai trò và vị trí của một loại hình di sản đang bị lãng quên.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dau-an-van-hoa-dac-sac-trong-dong-chay-tin-nguong-viet-nam-707691.html
Bình luận (0)