Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dạy học hai buổi một ngày từ năm học tới: Đồng thuận nhưng bộn bề nỗi lo

Đồng thuận với chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày của Tổng Bí thư Tô Lâm với định hướng giáo dục toàn diện, lãnh đạo các trường cho hay cần đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để triển khai hiệu quả.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai10/05/2025

Việc dạy học 2 buổi/ngày sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện nhưng làm thế nào để hiệu quả cần có thêm sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính là chia sẻ của các nhà trường.

Chủ trương đúng đắn

Theo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học hôm 18/4, Tổng Bí thư chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa.

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2026.

Theo cô Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), đây là một chủ trương đúng đắn để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn số 7291 về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, trong đó quy định các trường không tổ chức dạy học văn hoá như buổi sáng mà định hướng tăng cường kỹ năng, có thể dưới hình thức các câu lạc bộ, phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh như về kỹ năng sống, về thể chất, văn hoá, nghệ thuật, phát triển năng khiếu, sở thích của học sinh, các hoạt động trải nghiệm…

“Triển khai được theo tinh thần trên rất tốt cho học sinh, tạo điều kiện để các em có thể phát triển toàn diện. Học sinh sẽ có điều kiện phát triển năng khiếu, đam mê, nâng cao thể chất và có đời sống tinh thần phong phú hơn, tăng cường gắn kết bạn bè, tập thể và gắn kết với nhà trường. Các em sẽ phát triển lành mạnh hơn và bớt sa đà vào các trò chơi điện tử hay điện thoại, hạn chế hơn những ảnh hưởng tiêu cực”, cô Nga chia sẻ.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Pom Lót trong lễ khai mạc hội khoẻ phù đổng cấp trường.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Pom Lót trong lễ khai mạc hội khoẻ phù đổng cấp trường.

Cũng theo cô Nga, sắp tới, nhà trường sẽ thảo luận thêm với giáo viên, phụ huynh cũng như xin thêm ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có thể triển khai được việc dạy học hai buổi/ngày từ năm học tới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương của Tổng Bí thư.

“Học hai buổi/ngày sẽ giúp cho học sinh có điều kiện để được phát triển các năng khiếu cá nhân, giáo dục toàn diện, đặc biệt là với các lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao, nghệ thuật. Nhà trường cũng có thể bố trí các tiết học kỹ năng cho học sinh, các giờ học STEM, giờ học trải nghiệm…” cô Hường cho hay.

Cũng theo cô Hường, Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai là trường định hướng chất lượng cao, tuyển sinh không chỉ trên địa bàn một phường mà trên toàn quận Hoàng Mai. Vì vậy, có nhiều học sinh đi học xa nhà. Việc chỉ học nửa ngày khiến gia đình phải mất công đưa đón.

“Tôi cũng rất mong trường sẽ được dạy học 2 buổi/ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh đồng thời nâng cao hơn chất lượng giáo dục”, cô Hường nói.

Cần kinh phí, cơ sở vật chất và chỉ đạo chuyên môn

Cho rằng việc dạy học 2 buổi/ngày là cần thiết nhưng các nhà trường cũng cho rằng sẽ phải cần thêm các điều kiện để đảm bảo triển khai, cụ thể là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và hướng dẫn cụ thể của ngành giáo dục.

Dù là một trường rất mạnh về các hoạt động phong trào, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ của huyện Điện Biên nhưng Trường Trung học cơ sở Pom Lót vẫn thiếu phòng học bộ môn, nhà đa năng để có thể đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày, cùng với đó là các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc học, chẳng hạn như nhạc cụ.

Ngoài ra, do thời lượng dạy tăng lên nên số tiết dạy của giáo viên tăng. Vì vậy, trường cần thêm giáo viên hoặc các giáo viên hiện có sẽ phải tăng tiết ngoài giờ. “Bên cạnh đó, hiện định mức giáo viên bậc trung học cơ sở là 1,9 giáo viên/lớp, tính sỹ số lớp khoảng 40 học sinh. Tuy nhiên, khi học theo hình thức câu lạc bộ, theo sở thích học sinh ở buổi chiều thì sỹ số này có thể thấp hơn”, cô Nga phân tích.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai trải nghiệm STEM.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai trải nghiệm STEM.

Đây cũng là băn khoăn của cô Chu Thị Xuân Hường. Là trường định hướng chất lượng cao, cô Hường cho biết Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai có đủ cơ sở vật chất đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều trường học sinh phải học nửa ngày, thậm chí phải nghỉ học luân phiên vì thiếu trường lớp. Vì vậy, trước hết phải đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo mỗi lớp một phòng học.

“Cùng với đó là vấn đề giáo viên. Nếu tăng thời lượng dạy lên 2 buổi/ngày giáo viên sẽ phải tăng tiết dạy. Để đáp ứng yêu cầu này, hoặc là trường phải có thêm giáo viên, hoặc đội ngũ giáo viên hiện có phải dạy tăng giờ, và cần thêm nguồn kinh phí để chi trả. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo không thu phí của học sinh. Vì vậy, các trường sẽ không thể lấy nguồn xã hội hóa của phụ huynh mà cần thêm đầu tư từ ngân sách”, cô Hường phân tích.

Cũng theo lãnh đạo các nhà trường, theo Thông tư 7291 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, các trường có thể huy động xã hội hóa, thoả thuận với phụ huynh để dạy học các tiết buổi chiều. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc dạy học 2 buổi/ngày từ năm học tới không được thu phí của học sinh. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai học 2 buổi/ngày theo tinh thần mới.

Một hiệu trưởng tại Hà Nội cho hay hiện phân bổ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 30 tiết/tháng. Nếu các trường giãn thời lượng, bỏ tiết 5 buối sáng, nghỉ thứ Bảy, thì buổi chiều học sinh chỉ học 2-3 tiết. Vì vậy, buổi chiều, các trường sẽ dạy gì, dạy nội dung nào để thực hiện đúng tinh thần giáo dục toàn diện, phát triển kỹ năng, năng khiếu, thể chất, tinh thần cho học sinh mà vẫn không vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm và vẫn đảm bảo không thu phí của học sinh là băn khoăn của nhiều người.

Thực tế cho thấy, dù ở bậc trung học phổ thông có các môn nghệ thuật nhưng rất ít trường triển khai được do thiếu giáo viên, thiếu phòng học chuyên môn và trang thiết bị.

Chia sẻ trước mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mỗi học sinh sau khi học xong bậc phổ thông có thể biết chơi một nhạc cụ, vị hiệu trưởng trải lòng: “Làm sao để học sinh được phát triển toàn diện văn, thể, mỹ, không chỉ học các môn văn hóa mà còn phải có kiến thức về hội họa, âm nhạc, có kỹ năng tốt là điều các giáo viên, nhà trường đều trăn trở. Vì vậy, chúng tôi thực sự mong từ chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để có thể hiện thực hóa được điều này và mang đến môi trường giáo dục tốt hơn, toàn diện hơn cho học trò".

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/day-hoc-hai-buoi-mot-ngay-tu-nam-hoc-toi-dong-thuan-nhung-bon-be-noi-lo-post401576.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm