Lễ Công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia sưu tập Đàn đá Bình Đa. Ảnh: Văn Thành |
Đó còn là niềm tự hào của người Đồng Nai về một vùng đất giàu di sản văn hóa.
Những bảo vật quốc gia ngàn năm tuổi
Sưu tập Đàn đá Bình Đa, sưu tập Qua đồng Long Giao, tượng Tê tê đồng Long Giao và tượng thần Vishnu Bình Hòa là những bảo vật vô giá, di sản độc bản, hàm chứa giá trị lịch sử - văn hóa - khoa học tiêu biểu của dân tộc. Đó là những đánh giá khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhiều thập niên qua.
Tự hào luôn đi đôi với trách nhiệm, các bảo vật quốc gia muốn được bảo tồn và phát huy tốt thì cần có sự nỗ lực ngay từ bây giờ từ phía Bảo tàng Đồng Nai và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ban, ngành liên quan.
Trong tiến trình lịch sử nhân loại, cư dân cổ Đồng Nai thời tiền sử - thời đại đá mới đã có những bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh những công cụ sáng tạo trong săn bắt hái lượm, những món đồ trang sức, người tiền sử cũng có một đời sống tinh thần mộc mạc với những thanh âm tự nhiên bắt nguồn từ vật liệu đá. Mà chúng ta gọi là đàn đá (lithophone). Sự phát hiện 52 thanh/đoạn đàn đá ở di chỉ khảo cổ Bình Đa (thành phố Biên Hoà) có niên đại ra đời khoảng 3.180 ± 50 năm cách ngày nay, là một bằng chứng sống về những lớp cư dân cổ sống ven sông Đồng Nai biết chế tạo và thưởng thức âm nhạc ở trình độ nhất định. Các nhà khoa học nhận định, kỹ thuật tạo ra các thanh đàn đá là kỹ thuật ghè đẽo thô sơ nhưng tỉ mỉ, công phu làm cho các thanh đá có độ dày, mỏng khác nhau góp phần tạo nên những âm thanh trầm bổng, vang ra khi gõ - một phát minh kiệt xuất trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sưu tập Đàn đá Bình Đa được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2023.
Bảo vật quốc gia sưu tập Đàn đá Bình Đa. Ảnh: Xuân Nam |
Vào thời đại kim khí, cư dân cổ Đồng Nai lại sáng tạo nền Văn hóa đồng thau và sắt sớm khá rực rỡ cùng với các trung tâm văn hóa khác ở Việt Nam như Văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ và Văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ. Bằng chứng là vào năm 1982, người dân tình cờ phát hiện hơn 30 lưỡi qua đồng tại sườn đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Niên đại của Qua đồng Long Giao được xác định vào nửa sau thiên niên kỷ I trước công nguyên. Mặc dù là loại hình vũ khí có độ sát thương tầm xa cao, nhưng những “qua” đồng phát hiện ở Long Giao lại có kích thước khá đa dạng từ chiếc nhỏ ngắn cho tới chiếc dài lớn; hình dáng rất đẹp, hai mặt trang trí phong phú từ hoa văn vòng tròn đơn hay xoắn ốc, đường kỷ hà gấp khúc tạo hình tam giác hay răng cưa, vạch ngắn song song như nan chiếu hay các chấm dải... thể hiện trình độ tư duy sáng tạo, kỹ thuật đúc đồng phát triển vượt bậc của người tiền sử. Sưu tập Qua đồng Long Giao được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2021.
Tượng Tê tê đồng Long Giao hay còn gọi là tượng Trút đồng Long Giao được phát hiện năm 1985, tại đồi 57, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ cũng là sản phẩm văn hóa tiêu biểu của thời đại kim khí cổ ở Đồng Nai, có niên đại khoảng thế kỷ II-I trước công nguyên. Hiện nay, tượng Tê tê đồng Long Giao là hiện vật độc bản ở Việt Nam. Nghệ thuật tạo hình sống động chân thực giống như loài Tê tê sống ngoài tự nhiên, kích thước tượng tương đối lớn, kỹ thuật đúc đồng khá tinh xảo. Đây là bằng chứng sống cho giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn minh tiền sử Đồng Nai. Tượng Tê tê đồng Long Giao được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2024.
Bảo vật quốc gia sưu tập Qua đồng Long Giao, tượng Tê tê đồng Long Giao. Ảnh: Xuân Nam |
Bước vào thời kỳ Sơ sử, vùng đất Đồng Nai thuộc các vương quốc Phù Nam rồi Chân Lạp cũng đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ tạo nên những thành tựu rực rỡ văn minh Phù Nam - Óc Eo. Tượng thần Vishnu Bình Hòa được phát hiện và trục vớt từ lòng sông Đồng Nai với niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên là một trong những minh chứng rõ nét cho sự phát triển tư duy, trình độ sáng tạo nghệ thuật điêu khắc ở một tầm cao mới của cư dân cổ Đồng Nai. Tượng thần Vishnu Bình Hòa còn là một sản phẩm tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc, linh thiêng của người xưa. Tượng thần Vishnu Bình Hòa được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2021.
Phát huy xứng tầm di sản
Mỗi bảo vật kết tinh trong nó là câu chuyện lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm. Làm gì để những câu chuyện của bảo vật không ngủ yên và trở nên sống động trong đời sống đương đại? Luôn là câu hỏi, trăn trở của người làm công tác bảo tồn/bảo tàng hiện nay.
Bảo vật quốc gia tượng thần Vishnu Bình Hòa. Ảnh: Xuân Nam |
Bảo tàng Đồng Nai hiện là nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia, trong đó có 3 bảo vật là sưu tập Qua đồng Long Giao, Đàn đá Bình Đa và tượng Tê tê đồng Long Giao được trưng bày cố định trong phòng Tiền sử và 1 bảo vật tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày ở phòng Đồng Nai từ đầu công nguyên đến thế kỷ XV, nhưng nếu không có lời giới thiệu của hướng dẫn viên thì du khách cũng không biết đó là bảo vật quốc gia. Vì được bố trí ở vị trí sâu bên trong và để chung với nhiều hiện vật khác. Quan sát bằng mắt thôi cũng thấy rằng, điều kiện kỹ thuật để trưng bày, bảo quản đặc biệt cho 4 bảo vật quốc gia này vẫn còn thiếu vắng; vì trên thực tế Bảo tàng Đồng Nai chưa có phòng trưng bày dành riêng cho các bảo vật quốc gia.
Mặc dù, từ khi các hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, một số hoạt động tuyên truyền, quảng bá, triển lãm chuyên đề giới thiệu được thực hiện, nhưng có lẽ còn ít so với giá trị to lớn của di sản. Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2024-2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi để Bảo tàng Đồng Nai xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, bảo quản đặc biệt và phát huy hiệu quả đối với các bảo vật quốc gia. Nhưng nhiệm vụ cấp bách lúc này chính là sớm thiết lập phòng trưng bày bảo vật quốc gia riêng với đầy đủ các chế độ bảo vệ, bảo quản đạt quy chuẩn, với nội dung và hình thức trưng bày đồng bộ, hấp dẫn. Bố trí một phòng kho dành riêng cho việc bảo quản các bảo vật quốc gia với việc trang bị hệ thống tủ bảo ôn, điều hòa, hút ẩm, thiết bị an ninh, phòng cháy chữa cháy, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… đạt chuẩn. Xây dựng kế hoạch bảo quản công nghệ cao bảo vật quốc gia theo định kỳ nhằm chống xuống cấp, tăng tuổi thọ lâu dài. Xúc tiến tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống, hoạt động trải nghiệm, tương tác gắn với bảo vật quốc gia tại bảo tàng để công chúng tham gia; cử cán bộ chuyên môn đi học tập kỹ thuật bảo quản đặc biệt để có thể xử lý bảo quản các bảo vật quốc gia. Tập huấn cho đội ngũ thuyết minh những kiến thức chuyên sâu về các bảo vật quốc gia, nhằm phục vụ tốt khách tham quan, nghiên cứu… Có như vậy bảo tàng mới thực hiện được chức năng quan trọng của mình là giáo dục phổ biến khoa học tới công chúng.
Bảo vật quốc gia chỉ thực sự “sống” khi nó không chỉ là biểu tượng của quá khứ huy hoàng mà còn là nguồn cảm hứng, sợi dây kết nối các thế hệ trong dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc.
Xuân Nam
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/de-bao-vat-quoc-gia-xung-tam-di-san-18624be/
Bình luận (0)