Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề cao văn hóa ứng xử để người nổi tiếng không 'lệch chuẩn' trên mạng

Khi người nổi tiếng ứng xử có văn hóa, họ không chỉ bảo vệ hình ảnh cá nhân, mà còn góp phần xây dựng một xã hội tử tế hơn.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế22/04/2025

Đề cao văn hóa ứng xử của người nổi tiếng
Đề cao văn hóa ứng xử của người nổi tiếng. (Nguồn: Internet)

Cẩn trọng với phát ngôn trên mạng xã hội

Trong xã hội hiện đại, người nổi tiếng không chỉ là những cá nhân tài năng trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, giải trí hay truyền thông mà còn là những hình mẫu có ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì thế, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng không còn là chuyện riêng tư, mà đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa cộng đồng. Đề cao ứng xử của người nổi tiếng là đề cao trách nhiệm, giá trị đạo đức và vai trò làm gương trong xã hội.

Người nổi tiếng, với tầm ảnh hưởng của mình có thể tạo ra làn sóng tích cực, truyền cảm hứng, khuyến khích lối sống đẹp, tinh thần cầu tiến, hoặc ngược lại, gây ra sự lệch chuẩn trong nhận thức của công chúng nếu họ cư xử thiếu chuẩn mực. Không ít trường hợp chỉ một phát ngôn thiếu suy nghĩ, một hành vi phản cảm trên mạng xã hội cũng đủ khiến hình ảnh xây dựng trong nhiều năm sụp đổ, thậm chí gây tổn hại giá trị đạo đức của giới trẻ đang thần tượng họ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn có nhiều người nổi tiếng giữ được phong thái đúng mực, biết lan tỏa thông điệp tích cực. Những lời nói tử tế, sự chia sẻ đúng lúc, hay hành động thiết thực vì cộng đồng dù là nhỏ bé cũng khiến họ trở thành nguồn cảm hứng sống đẹp.

Văn hóa ứng xử mang đậm đặc trưng cốt cách của mỗi người, không nên có sự phân biệt giữa cách chúng ta ứng xử trên mạng và ứng xử trong cuộc sống. Mạng xã hội, dù đang chiếm dụng nhiều phần thời gian của đời sống với tương tác thực, chỉ là một phần mở rộng của cuộc sống thường ngày, các quy tắc về tôn trọng, đạo đức và tương tác xã hội nên áp dụng một cách đồng nhất.

Nhiều vấn đề về ứng xử trực tuyến và ngoài đời có sự tương quan mật thiết. Một tác động xấu trực tuyến có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời và ngược lại. Do đó, quá trình xây dựng văn hoá ứng xử tích cực, tôn trọng và đạo đức cần được áp dụng đồng đều trong các khía cạnh của cuộc sống. Nói cách khác, văn hóa ứng xử nên là một phần không thể tách rời của mỗi người, bất kể họ đang ở trên mạng hay ngoài đời.

Nhiều người vẫn cho rằng mạng xã hội là ảo. Tuy nhiên, quan điểm này cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi lẽ, ảo và thực không hoàn toàn tách biệt. Mạng xã hội thường phản ánh cuộc sống thực của người dùng. Những mối quan hệ, tương tác và thông tin được chia sẻ có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ngoài đời của họ.

Tương tác trực tuyến có thể tác động mạnh đến tâm lý và tư duy của người dùng. Áp lực xã hội, lo âu trực tuyến là ví dụ về cách mà mạng xã hội gây ảnh hưởng đến cuộc sống thực. Mạng xã hội có khả năng truyền tải thông tin đến hàng triệu người một cách nhanh chóng. Do đó, thông tin trên mạng cũng tác động mạnh đến ý kiến và quyết định của người dùng ngoài đời.

Mạng xã hội có sự kết hợp giữa khía cạnh ảo và thực, có tác động đến cuộc sống cả trực tuyến và ngoài đời của người dùng. Điều quan trọng là đánh giá một cách cân nhắc tác động của nó và quản lý việc sử dụng để bảo đảm cuộc sống thực và ảo của mọi người đều được cân nhắc.

Điều chỉnh hành vi bằng văn hoá

Chúng ta hay nói đến khái niệm lệch chuẩn khi nhận xét về các hành vi ứng xử. Khái niệm "chuẩn" có thể hiểu như một mức độ hoặc tiêu chuẩn mà xã hội hoặc một cộng đồng cụ thể xác định để đánh giá các hành vi và ứng xử của con người.

Chuẩn thường dựa trên các giá trị, quy định, nguyên tắc mà xã hội hoặc cộng đồng coi là quan trọng, mong muốn người dân tuân theo. Ví dụ, chuẩn về đạo đức xã hội có thể bao gồm tôn trọng lẫn nhau, không gian xã hội công bằng, không phân biệt đối xử và tuân thủ luật pháp.

Khái niệm lệch chuẩn xuất phát khi một hành vi hoặc ứng xử không tuân theo hoặc xâm phạm đến các chuẩn xã hội, đạo đức, hoặc quy tắc cụ thể mà xã hội hoặc cộng đồng đặt ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng là khái niệm lệch chuẩn có thể thay đổi theo thời gian và tùy theo ngữ cảnh xã hội. Việc đánh giá một hành vi lệch chuẩn hay không có thể phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân và cộng đồng. Hành vi ứng xử được điều chỉnh bằng văn hoá và đạo đức thông qua một số cách như gáo dục và giảng dạy, nêu gương, luật pháp và quy định, sự tương tác xã hội tích cực và sự kiểm soát xã hội.

Trong đó, sự tương tác xã hội tích cực và sự kiểm soát xã hội là những yếu tố quan trọng. Giao tiếp và tương tác xã hội trong các nhóm và cộng đồng có thể hình thành và tạo ra sự thấu hiểu về văn hoá và đạo đức. Mọi người có thể học hỏi từ những người xung quanh về cách ứng xử đúng mực và phù hợp. Chúng ta thấy rằng có thể áp dụng áp lực xã hội thông qua phê bình hoặc tách biệt đối với những người vi phạm quy tắc và chuẩn mực đạo đức. Sự kiểm soát xã hội hoàn toàn có thể đánh bại hành vi không đúng mực và thúc đẩy sự tuân thủ.

Tóm lại, hành vi ứng xử được điều chỉnh bằng văn hoá và đạo đức nhờ việc hình thành ý thức, cung cấp mô hình, xây dựng quy tắc và chuẩn mực, thông qua áp lực xã hội và hệ thống quy luật. Kết hợp các yếu tố này giúp định hình hành vi của con người trong xã hội.

Việc đặt ra một khái niệm về ứng xử trên mạng là cần thiết. Mạng xã hội và không gian trực tuyến có đặc điểm riêng biệt và tiềm ẩn những thách thức chưa được lường hết. Việc xác định và thúc đẩy văn hóa ứng xử trực tuyến là quan trọng để bảo đảmmọi người có thể tham gia mạng xã hội một cách an toàn, tôn trọng và đúng đạo đức.

Mạng xã hội có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng và tiếp cận đến hàng triệu người. Hành vi và nội dung trên mạng có thể lan truyền rất nhanh, do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về cách tham gia và tương tác trực tuyến. Đồng thời, tạo ra áp lực xã hội riêng biệt, bao gồm áp lực về hình ảnh cá nhân và số lượng tương tác trực tuyến. Khái niệm về ứng xử trực tuyến có thể giúp người dùng đối mặt với áp lực này một cách lành mạnh.

Không những thế, mạng xã hội có nhiều người tham gia, bao gồm trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Khi có khái niệm ứng xử trực tuyến chuẩn mực, sẽ giúp bảo vệ nhóm người này khỏi các hành vi không đúng đạo đức trên mạng. Khái niệm về ứng xử trực tuyến chuẩn mực cũng liên quan đến cách quản lý thông tin cá nhân và quyền riêng tư trực tuyến, giúp người dùng tự bảo vệ thông tin của mình.

Do đó, việc đặt ra khái niệm về ứng xử trên mạng chuẩn mực giúp tạo cơ sở đạo đức và quy tắc chung cho không gian trực tuyến, bảo đảm tính tôn trọng, an toàn. Với mỗi cá nhân người dùng, bài học quan trọng là mỗi người cần xác định trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn trên mạng xã hội để giữ cho môi trường trực tuyến lành mạnh. Trước khi chia sẻ thông tin hoặc bình luận trực tuyến, mỗi người hãy suy nghĩ về hậu quả của những hành động này.

Bên cạnh trách nhiệm cá nhân, truyền thông và công chúng cũng cần đóng vai trò định hướng, khuyến khích lối sống văn minh và nhân văn. Việc thần tượng hóa quá mức hay dung túng cho những hành vi thiếu văn hóa cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nổi tiếng quên mất giới hạn và trách nhiệm của mình trước cộng đồng.

Văn hóa ứng xử không chỉ thể hiện cá nhân mà còn là sự tôn trọng đối với khán giả, với giá trị con người, với chính danh tiếng mình xây dựng. Người nổi tiếng càng được chú ý bao nhiêu thì càng cần thận trọng và bản lĩnh trong từng lời nói, hành động bấy nhiêu. Khi ứng xử có văn hóa, họ không chỉ bảo vệ hình ảnh cá nhân, mà còn góp phần xây dựng một xã hội tử tế hơn.

Nguồn: https://baoquocte.vn/de-cao-van-hoa-ung-xu-de-nguoi-noi-tieng-khong-lech-chuan-tren-mang-311923.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm