Để tạo nên những chuyển biến rõ nét trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa tiếp tục có nhiều đóng góp và ý kiến, với mong muốn di sản ngày càng được tôn vinh và tỏa sáng trong đời sống đương đại.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Hành lang pháp lý mới cho công tác bảo tồn

Di sản văn hóa nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng là tài sản vô giá của dân tộc, cần được quản lý, bảo vệ trong điều kiện đặc biệt. Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý, giám sát công tác bảo tồn di sản đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo các địa phương, tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở. Tại không ít nơi vẫn xảy ra những vụ xâm hại di sản đáng tiếc. Vụ việc liên quan đến ngai vàng tại Huế vừa qua là một ví dụ đau xót, cho thấy việc quản lý, bảo vệ di sản ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024, được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, mang đến nhiều điểm mới. Nhiều quy định được bổ sung nhằm cụ thể hóa những điều khoản còn lỏng lẻo của luật cũ. Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Một trong những điểm nổi bật là luật đã phân cấp, phân quyền rõ ràng trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này, nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi thời gian qua đã xảy ra không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích không đúng cách, không những làm mất giá trị di sản mà còn gây tổn hại nghiêm trọng, khó có thể phục hồi.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đi vào đời sống là niềm vui lớn đối với những người làm công tác di sản. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả, các địa phương cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực - những người không chỉ hiểu luật mà còn phải thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, nghiên cứu và quảng bá di sản, để di sản thực sự tỏa sáng trong đời sống đương đại.
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 có nhiều điểm mới mà tôi rất tâm đắc, đặc biệt là việc luật lần này đã bổ sung nhiều điều khoản nhằm tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời đề cao vai trò của cơ quan quản lý và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Những điều khoản mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 cho thấy: Để bảo vệ di sản một cách hiệu quả, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Để bảo đảm di sản không bị xói mòn, không bị thương mại hóa hay biến dạng trong quá trình phát triển, luật đã tính đến các điều kiện cần và đủ để kiểm soát việc mở rộng, phát triển các hình thức đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp... Đây là những quy định rất cần thiết, bởi muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản, cần có nguồn lực xã hội hóa, nhưng đồng thời cũng phải quy định rõ ràng để hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả thực chất, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, trong công tác bảo tồn và phát huy di sản, yếu tố con người và cộng đồng đóng vai trò then chốt. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 lần này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, khi chú trọng hơn đến các chủ thể của di sản - chính là những người sử dụng, những người sống cùng di sản và là đối tượng được luật bảo vệ. Điều này đặc biệt quan trọng với di sản văn hóa phi vật thể, khi chính cộng đồng là chủ thể thực hành, gìn giữ và truyền tiếp di sản.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn, các địa phương và cơ quan quản lý văn hóa cần khẩn trương tổ chức phổ biến, tập huấn cho người dân những nội dung thiết thực của luật. Việc này nhằm giúp các tổ chức, cá nhân hiểu đúng, thực hiện đúng quy định pháp luật, từ đó có định hướng đầu tư, điều chỉnh và quan tâm đúng mức tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững.
Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội:
Đưa công nghệ số vào bảo tồn di sản

Những vụ việc xâm hại di sản xảy ra gần đây cho thấy công tác bảo vệ di sản rất cần một chiến lược tổng thể, lâu dài, đồng thời phải ứng dụng công nghệ hiện đại, không thể tiếp tục dựa vào phương pháp thủ công như trước. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đi vào thực tiễn sẽ tạo thêm sức mạnh pháp lý, tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần tạo sự thống nhất trong công tác quản lý.
So với luật cũ, lần sửa đổi này cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội với các quy định mới, phù hợp với yêu cầu thời đại, trong đó nhấn mạnh vai trò của công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn giúp giảm nhân lực, tăng khả năng giám sát, cảnh báo sớm các nguy cơ xâm hại, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho công tác quảng bá và phát huy giá trị di sản.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều địa phương đã bước đầu ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và đạt được kết quả khả quan như số hóa di sản, lắp đặt hệ thống camera giám sát, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa ứng dụng công nghệ số... Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, việc đổi mới cách làm trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là bảo tồn di sản, là yêu cầu cấp thiết. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần hiện thực hóa điều đó để công tác bảo tồn, phát huy di sản sát với yêu cầu thực tiễn.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/de-di-san-toa-sang-trong-doi-song-duong-dai-708205.html
Bình luận (0)