Nhịp sống đô thị Huế. Ảnh: Bảo Châu 

Những thành tựu nổi bật

Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Mục tiêu đến năm 2030, Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Thời gian qua, Huế đã tập trung khai thác, phát huy, phát triển các lĩnh vực thế mạnh, có lợi thế so sánh của mình để phát triển. Theo đó, Huế tập trung công tác trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích, di sản; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội; tôn tạo cảnh quan, môi trường; đảm bảo an ninh trật tự… để phát triển mạnh mẽ du lịch; phát huy vai trò của trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước để phát triển kinh tế y tế; phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo, trọng tâm là Đại học Huế để phát triển dịch vụ giáo dục; phát triển khoa học, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội, cải thiện đời sống của người dân…

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội như giao thông, sân bay, bến cảng, trường học, công viên, điện chiếu sáng, bệnh viện… đã được địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, xây mới. Nhiều khu, cụm công nghiệp đã hình thành để thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng vạn lao động. Nhiều quyết sách mang tính lịch sử, làm đổi đời của hàng vạn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nay là thành phố, đã được thực hiện thành công như: Đưa hàng ngàn hộ dân thủy diện, nhiều đời lênh đênh trên đầm phá, sông nước, luôn bị thiên tai, bão lụt rình rập, đe dọa đến tính mạng, lên sống ổn định ở các khu định cư trên cạn; xây mới, sửa chữa nhà ở cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; di dời gần 5 ngàn hộ dân ở vùng Thượng Thành, Eo Bầu và vùng 1 bảo vệ các di tích vào sinh sống ở các khu tái định cư có hạ tầng, công viên khang trang, sạch đẹp để trả lại không gian, cảnh quan cho di sản; di dời hàng trăm hộ dân sống trong các ngôi nhà chồ dọc hộ thành hà và dọc hai bờ sông Hương để tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan thành phố. Huế cũng đã xây dựng nhiều cầu vượt phá Tam Giang – Cầu Hai, cầu qua các con sông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại; xây dựng đập Thảo Long, hồ Tả Trạch, thủy điện Bình Điền, Hương Điền để ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa hè và điều tiết nước vào mùa mưa lũ; xây dựng hàng trăm trường học, bệnh viện, trạm y tế phục vụ việc học hành, khám, chữa bệnh của người dân… Những việc địa phương làm được cho người dân trong mấy chục năm qua khó có thể liệt kê hết trong khuôn khổ của một bài báo.

Sau 50 năm giải phóng quê hương (26/3/1975-26/3/2025), diện mạo của Huế đã đổi thay vượt bậc. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh từ thành thị đến nông thôn ngày càng được đầu tư. Khoảng cách về địa lý, tiếp cận thông tin giữa các vùng, miền cơ bản được khắc phục. Đến nay, toàn thành phố chỉ còn 1,41% hộ nghèo, 386 nhà cần được xây mới và sửa chữa đảm bảo 3 cứng theo chỉ đạo của Chính phủ; tình trạng thiếu ăn, đói bữa ngày giáp hạt, trẻ không có điều kiện đến trường vì nghèo… như mấy chục năm trước đã được khắc phục.

Phát huy lợi thế, đồng bộ hạ tầng

Bên cạnh nhiều thành tựu to lớn đạt được trong thời gian qua, để Huế ngày càng phát triển xứng tầm với thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành một trung tâm kinh tế có tính lan tỏa đến các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung và cả nước, thiết nghĩ cần tập trung thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực, ngành nghề. Đó là tập trung phát huy hơn nữa lợi thế về du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến Huế để giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân thành phố và thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện nay, du lịch Huế đang thiếu các thương hiệu lớn đến đầu tư; số lượng phòng, giường khách sạn từ 3 sao trở lên còn ít, sản phẩm du lịch mới chưa nhiều, công tác quảng bá vẫn còn hạn chế; chưa kết nối được các chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài đến Huế; chưa có những khu phức hợp du lịch lớn như một số tỉnh, thành trong nước... để hấp dẫn hơn và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của du khách.

Huế cần được tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng đã được đầu tư nhưng do xã hội phát triển, hệ thống hạ tầng hiện tại đang dần bộc lộ hiện tượng quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Chẳng hạn, nhiều tuyến đường còn nhỏ hẹp, quá tải vào các khung giờ cao điểm; các tuyến đường vành đai quanh thành phố chưa được đầu tư hoàn chỉnh; các tuyến giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến một số huyện/thị, đến sân bay Phú Bài, kết nối hai bờ của phá Tam Giang - Cầu Hai, đến các điểm di tích… còn nhỏ hẹp hoặc chưa được đầu tư mở rộng. Hạ tầng của các lĩnh vực thế mạnh như văn hóa, di sản, y tế, giáo dục - đào tạo… đang cần nguồn lực lớn để đầu tư. Hạ tầng ở các xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp cần được tiếp tục đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thành phố cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian gia nhập thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Giải phóng mọi nguồn lực sản xuất của xã hội, trọng tâm là ưu tiên giải quyết, tháo gỡ dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc của các dự án công, tư đang triển khai trên địa bàn bị đình trệ. Thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư để đẩy nhanh tộc độ tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là những điểm yếu hiện nay của kinh tế thành phố.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của người dân và các thành phần kinh tế. Nghiên cứu cách thức, định hướng phát triển các ngành nghề phù hợp để phát huy sức sáng tạo và sử dụng nguồn nhân lực ngoại tỉnh đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn sau khi tốt nghiệp. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế y tế, kinh tế giáo dục và các loại hình dịch vụ mới như kinh tế di sản, logistics... Đề xuất cơ chế thí điểm thực hiện đầu tư kinh doanh theo hình thức PPP (hợp tác đối tác công tư) tại một số điểm di tích để đánh giá, rút kinh nghiệm, mở rộng nếu thấy hiệu quả… 

Tuấn Hà

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/de-hue-xung-tam-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-151982.html