Bà Mỵ truyền dạy hát ru cho lớp trẻ trong xã. |
Gìn giữ lời ru giữa bản làng
Bà Mỵ không phải là người duy nhất biết hát ru trong bản, nhưng có lẽ là người giữ lại được nhiều nhất những lời ru xưa cũ của người Tày. Với bà, hát ru không chỉ là thói quen, mà là một phần trong bản sắc văn hóa, tiếp nối những giá trị truyền thống của ông bà cha mẹ để lại. Cứ mỗi khi bế cháu, hay những lúc rảnh rỗi, tiếng hát ru lại vang lên trong ngôi nhà sàn nhỏ của bà, như một cách để kết nối thế hệ này với thế hệ khác.
“Ngày xưa mẹ thường địu tôi trên lưng vừa ru tôi ngủ vừa tranh thủ làm việc. Các em tôi cũng vậy, mẹ vẫn địu trên lưng ru những lời da diết. Sau này là các cháu cũng đắm trong lời ru ấy. Tôi nghe nhiều rồi tự biết, tự nhớ, tự hát”, bà Mỵ chia sẻ.
Trong buổi chiều yên ả, tiếng ru vang lên lúc thì nhẹ nhàng, lúc lại dồn dập như những bước chân miệt mài trên nương, mang theo những câu chuyện đời sống mộc mạc, giản dị mà sâu sắc. Lời ru ấy không chỉ giúp con trẻ ngủ ngon mà còn chứa đựng những tri thức, những bài học về lao động, tình yêu gia đình và lòng biết ơn đối với thiên nhiên.
Bà Mỵ kể rằng, trong cộng đồng người Tày xưa, mỗi lời ru không chỉ là lời ru cho con ngủ mà còn chứa đựng những ước mơ giản dị của người mẹ, người bà. Trong đó, có những ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, về ruộng lúa, con trâu và những buổi chiều gặt lúa, giã gạo. Những lời ru, như:
“…Muỗm tơ được đầy hai vạt áo/Chim sẻ được bảy con/Một con đi giặt tã/Một con đi đun bếp chờ mẹ về…”
Lời ru, vì thế, không chỉ đơn thuần là để ru trẻ ngủ, mà còn là một phương thức giáo dục. Những đứa trẻ từ khi còn trong nôi đã được dạy cách sống, cách yêu thương, trân quý những giá trị trong cuộc sống. Những câu hát đó có thể giản đơn, nhưng lại là những bài học quý giá muốn gửi gắm tới con trẻ.
Bà Mỵ trình diễn tại Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu" (nay là xã Bằng Thành). |
Người "truyền thừa ba không" và hành trình gìn giữ di sản
Những năm gần đây, hát ru ít dần đi. Nhiều đứa trẻ không còn được bà, được mẹ ru ngủ nữa. Thay vào đó là điện thoại, ti vi. Bà Mỵ thấy vậy mà lo: “Không còn ai nhớ, không còn ai hát. Mất lời ru, mất luôn gốc gác mình”. Vậy là bà đứng ra truyền dạy. Không giấy bút, không lớp học. Chỉ cần ai muốn học là bà dạy, lúc thì trong nhà, khi ngoài sân, thậm chí vừa đi nương vừa hát. Người ta gọi bà là “người truyền thừa ba không”: không cần bồi dưỡng, không đón đưa, không giấu nghề.
Lời ru bà hát không chỉ vang lên trong các buổi truyền dạy. Nó còn hiện diện trong những dịp đặc biệt – như Lễ Ma nhét (đầy tháng) của các cháu bé.
Cháu Hoàng Đình An, con anh Hoàng Văn Sư ở thôn Nà Hin, hôm đầy tháng, gia đình cũng mời bà đến để hát ru chúc mừng. Trong gian nhà sàn đông đủ người thân nội ngoại, bà Mỵ ngồi ôm lấy đứa bé, cất lời hát nhẹ như hơi thở:
“Ru… em… em ngủ/Ngủ ngon ngủ say/Ngày lành địu em đi bán khóc/Để từ nay về sau em được bình an/… Chúc cho cháu ông bà mau lớn/Mỗi ngày cháu lớn như ngọn đa…”.
Giờ đây, dù đã lớn tuổi, bà Mỵ vẫn giữ thói quen hát ru. Có lúc hát cho cháu, có lúc hát để nhớ lại lời xưa. Ai muốn học, bà đều nhiệt tình chỉ dạy. Bà bảo: “Còn nhớ được thì còn hát. Còn có người nghe thì tôi còn dạy”. Chừng ấy thôi, cũng đủ để một nét văn hóa được giữ lại giữa bản làng…
Với những giá trị quý báu đó, ngày 1/6/2023, hát ru của người Tày ở xã Giáo Hiệu (nay là xã Bằng Thành) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/de-loi-ru-con-mai-0a0199e/
Bình luận (0)