Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để nhà khoa học tận tâm cống hiến

Báo Giao thôngBáo Giao thông29/03/2025

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng là những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng.


Theo TS Nghiêm Vũ Khải (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), cùng với chính sách đãi ngộ, việc được ghi nhận, tôn vinh sẽ là động lực giúp nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, tận tâm cống hiến.

Để nhà khoa học tận tâm cống hiến- Ảnh 1.

TS Nghiêm Vũ Khải.

Đãi ngộ chưa thỏa đáng

Ông đánh giá thế nào về chế độ, chính sách với các nhà khoa học hiện nay, so với đòi hỏi của thực tế đã thỏa đáng hay chưa?

Mức độ đãi ngộ nhìn chung chưa thỏa đáng, không đủ động viên, khuyến khích các nhà khoa học tận tâm, dành toàn bộ thời gian, trí tuệ để cống hiến, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu 10 doanh nghiệp công nghệ số tầm thế giới

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Lương của các nhà khoa học tại Việt Nam, nhất là trong khu vực công (viện nghiên cứu, trường đại học) lâu nay thường dựa trên hệ số lương công chức, viên chức, dao động từ vài triệu đến khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức 20 - 30 triệu thường chỉ dành cho các nhà khoa học có thâm niên hoặc chức danh cao như giáo sư, phó giáo sư.

Thu nhập thực tế có thể tăng thêm từ các dự án nghiên cứu, phụ cấp hoặc làm việc với doanh nghiệp tư nhân, nhưng vẫn ở mức thấp so với quốc tế. Ví dụ, một tiến sĩ trẻ chỉ có thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng ở các viện công lập, trong khi làm cho công ty nước ngoài có thể đạt 50 triệu đồng hoặc hơn.

Theo ông, lý do gì khiến nhiều công trình khoa học không thành công, phải chăng do mức đãi ngộ chưa tốt?

Trong khoa học, khi một công trình nghiên cứu không thành công, người ta không coi đó là kết quả tồi. Nó có thể là câu trả lời: Mục tiêu đó không khả thi, để những nhà khoa học khác tránh đi vào vết xe đổ. Trong cuộc sống cũng vậy, phải có những bài học thất bại thì mới có thành công.

Do vậy, muốn đề tài khoa học đạt được mục tiêu, việc xác định nhiệm vụ phải chính xác, phải gắn với thực tiễn và nhu cầu của thực tiễn.

Ví dụ, nước ta đang phải đối mặt với những vấn đề về biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thời tiết cực đoan, mưa thì thối đất, còn hạn hán thì triền miên…

Vậy giải pháp để ứng phó ra sao, cần phải làm những gì? Đất nước đang đối mặt với những gì thì khoa học công nghệ phải bám vào đó để nghiên cứu, đáp ứng đòi hỏi của thực tế.

Với những công trình không thành công, cũng có những sai lầm của nhà khoa học. Nhưng vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng khiến đề tài khoa học không thể thực hiện được, không thành công.

Rào cản cơ chế, chính sách

Ông có thể nói rõ hơn về vướng mắc cơ chế, chính sách?

Trong quá trình nghiên cứu trước đây, nhà khoa học cần chi tiêu vào việc nào đó dù liên quan đến đề tài, nhưng không có đề xuất ban đầu thì không được chuyển kinh phí.

Để nhà khoa học tận tâm cống hiến- Ảnh 2.

Theo Nghị quyết 57, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. (Trong ảnh: Bên trong nhà máy Vinfast sử dụng 1.200 robot công nghiệp).

Hoặc dự kiến mua cái gì thì phải mua đúng cái đó. Nếu muốn bỏ cái này để mua cái khác cần thiết hoặc phù hợp hơn cho thí nghiệm cũng không được. Nếu muốn, nhà khoa học phải tự bỏ tiền mua.

Đó là những quy định mang nặng tính hành chính, không phù hợp với nghiên cứu khoa học. Đây là lý do khiến đề tài thất bại.

Hiện có nhiều đề tài khoa học nhận được kinh phí rất thấp, chi không đủ so với quy mô để triển khai nghiên cứu. Thực tế, có những đề tài nhà khoa học nhận nhiệm vụ với tâm lý miễn cưỡng, "thôi thì cứ nhận để làm, vừa làm vừa đề xuất điều chỉnh".

Có những nhiệm vụ phải nghiên cứu sâu, đòi hỏi nhiều máy móc, chi phí tốn kém, dẫn đến hệ quả là đề tài nghiên cứu phải dừng lại, hoặc "xếp ngăn kéo".

Ngoài kinh phí, theo ông còn những lý do gì khiến nhiều đề tài khoa học bị "xếp ngăn kéo"?

Các đề tài khoa học bị xếp "ngăn kéo" vì nhiều lý do. Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học không giống việc trồng cây lúa, đến ngày thì gặt, lấy thóc mang về xay thành gạo, mà đây là một chuỗi nghiên cứu, thí nghiệm.

Ở đó, nhà khoa học phải sản xuất thử, thí nghiệm sau đó mới sản xuất đại trà, rồi thương mại hóa, đưa kết quả ra thị trường.

Đó là một quá trình liên tục và mỗi một công đoạn như vậy đều phải có nghiên cứu, phát triển, bổ sung. Quá trình đó phải có kinh phí, nhân lực, máy móc để hoàn thiện công nghệ để nghiên cứu…

Trước đây, nhiều người chưa hiểu đầy đủ về nghiên cứu khoa học, nên yêu cầu phải dự tính kinh phí ngay từ đầu. Ví dụ, có những đề tài chỉ từ 30 - 50 triệu đồng hoặc từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên tùy mức độ, nhưng luôn yêu cầu nghiên cứu và sau đó phải ứng dụng được ngay. Đó là điều không phù hợp.

Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho khoa học

Ngày 4/3, Tổng bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Tổng bí thư yêu cầu Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương trình, sửa đổi một số quy định đang là điểm nghẽn, vướng mắc của sự phát triển liên quan tới thực hiện các nội dung về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong thời gian tới.

Điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 để bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần trong những năm tiếp theo.

Trước đó, đầu tháng 1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thực trạng này chỉ có ở Việt Nam hay xuất hiện cả ở những nước khác, thưa ông?

Trước đây, tôi từng đi công tác ở Mỹ với tư cách là đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước về Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong Khoa học công nghệ.

Ở Mỹ, những năm 80, tình trạng các đề tài khoa học "xếp ngăn kéo" lên tới 90%. Cho nên họ cũng phải khắc phục thực tế đó bằng cách đặt hàng, đặt mục tiêu.

Nhưng họ chấp nhận đó là mục tiêu cần tiến tới chứ không hẳn là phải đạt được. Có thể mục tiêu đó gần đúng, song có khi mục tiêu đó mở ra một hướng mới, có khi còn hay hơn mục tiêu đặt ra ban đầu.

Hoặc có những trường hợp đề tài khoa học không may mắn, không đi đến kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, với tất cả những nỗ lực, lý luận và lý thuyết trong quá trình nghiên cứu khoa học, đó cũng là kết quả có ích.

Cần được tôn vinh, ghi nhận

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, coi đây là việc "không làm không được, làm phải có hiệu quả, mang lại kết quả cụ thể". Theo ông, làm thế nào để cụ thể hóa những chính sách đột phá này?

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là niềm hy vọng cho khoa học công nghệ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Tô Lâm trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để nhà khoa học tận tâm cống hiến- Ảnh 3.

Mức độ đãi ngộ hiện nay chưa thỏa đáng, không đủ động viên, khuyến khích các nhà khoa học tận tâm cống hiến, sáng tạo (ảnh minh họa).

Nghị quyết cũng tiếp tục duy trì những chính sách tốt đẹp, phù hợp với quá trình hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu mang tính chất đột phá.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng bí thư Tô Lâm, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Nghị quyết 193 của Quốc hội thí điểm một số các giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã cụ thể hóa nhiều chính sách, chủ trương đối với nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những chính sách đột phá, chắc chắn câu chuyện sẽ khác.

Nghị quyết 57 xác định nhà khoa học là trung tâm, then chốt phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, nhà khoa học cần gì để tận tâm cống hiến?

Tôi từng nói về 3 yêu cầu lớn của các nhà khoa học. Trước hết, họ có nhu cầu tự thân, đó là phát triển nghiên cứu, kinh nghiệm và trình độ bản thân.

Tiếp theo nhà khoa học cần môi trường nghiên cứu, tự do phát triển năng lực, khả năng sáng tạo, được tôn vinh, tôn trọng và ghi nhận. Ngoài ra, nhà khoa học cần được đãi ngộ thỏa đáng.

Trên thực tế, một số nhà khoa học không quá nặng nề về vật chất, mà quan trọng với họ là tinh thần. Nếu được nhà nước tôn vinh, xã hội ghi nhận, đó sẽ là động lực rất lớn giúp nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo.

Cảm ơn ông!

TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ):

Nhà khoa học nên được hưởng thành quả mình tạo ra

Để nhà khoa học tận tâm cống hiến- Ảnh 4.

Hiện nay, chính sách đãi ngộ các nhà khoa học vẫn còn quá thấp. Các nhà khoa học tại Việt Nam phổ biến vẫn nhận chế độ từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Ngay cả khi điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt, thu nhập của nhà khoa học Việt Nam thường chỉ bằng 10 - 20% so với các nước phát triển và 30 - 50% so với các nước cùng khu vực.

Tại Israel các nhà khoa học thông thường nhận được 10 - 20 nghìn USD/tháng, hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, họ còn được hưởng thành quả từ kết quả khoa học do họ tạo ra.

Với các nước phát triển (Mỹ, Đức, Nhật Bản), lương trung bình của nhà khoa học dao động từ 50.000 - 100.000 USD/năm (khoảng 1,2 - 2,5 tỷ đồng), tùy thuộc vào kinh nghiệm và lĩnh vực. Ví dụ, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Mỹ kiếm được khoảng 50.000 - 60.000 USD/năm, trong khi giáo sư tại các trường hàng đầu có thể vượt 150.000 USD/năm.

Các nước đang phát triển (Ấn Độ, Thái Lan) thu nhập thấp hơn, nhưng vẫn cao hơn Việt Nam. Một nhà khoa học ở Ấn Độ có thể nhận 20.000 - 40.000 USD/năm, tùy vị trí.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn được hưởng đãi ngộ vượt trội như nhà ở, bảo hiểm toàn diện, visa linh hoạt cho gia đình và quyền tự do nghiên cứu cao. Ở Đức, chương trình Humboldt cung cấp học bổng lên đến 3.000 - 5.000 EUR/tháng cho nhà khoa học quốc tế.

Các nước đang phát triển như Thái Lan có chương trình thu hút nhân tài với mức lương cạnh tranh (1.000 - 2.000 USD/tháng) và hỗ trợ khởi nghiệp nghiên cứu.

Nhà khoa học làm việc tại các công ty tư nhân (như Google, Pfizer) có thể kiếm 100.000 - 300.000 USD/năm, tùy kinh nghiệm và lĩnh vực.

Trước đây, việc phát triển khoa học công nghệ rất chặt chẽ, nhưng đôi lúc lại lỏng lẻo về các thủ tục, pháp lý.

Vướng mắc bắt đầu ngay từ việc đặt câu hỏi, đề tài với các nhà nghiên cứu, tạo môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, hội đồng đánh giá, công trình được lưu chiểu và quyền lợi của các nhà khoa học sau khi hoàn thành đề tài.

Bên cạnh đó, đôi khi việc đặt hàng nhà nghiên cứu khoa học lại không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, quyền lợi của nhà khoa học thế nào sau khi nghiên cứu thành công cũng là vấn đề được đặt ra.

Thành tựu nghiên cứu khoa học được ví giống như quy trình việc làm ra một viên gạch. Sau khi bán ra thị trường, nhà khoa học ít nhiều phải được hưởng giá trị của sản phẩm do bản thân tạo ra. Đằng này, khi ứng dụng vào thực tế hoặc chuyển giao, nhà khoa học lại không được hưởng thành quả.

Thực tế những năm qua, nhà khoa học chủ yếu sống nhờ chi phí trong quá trình làm đề tài. Khi thực hiện xong đề tài là hết. Thậm chí, có những đề tài phải cắt xén nhiều công đoạn, nhiều yếu tố vì đề tài được cấp cố định theo chi phí thẩm định ban đầu.

Ví dụ, đề tài trị giá 6 tỷ đồng thì các nhà khoa học chỉ thực hiện trong khoảng chừng ấy tiền, dẫn đến sản phẩm cuối cùng không đáp ứng như ý tưởng ban đầu.

Ngoài ra, thủ tục thanh toán rất rườm rà, mất rất nhiều thời gian, đôi lúc có những chi phí không thể hợp thức được hóa đơn, chứng từ.

Trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trực tiếp là Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao huy động các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu và các công ty đưa ra các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian ngắn nhất và duy trì lâu dài cho hồ Trúc Bạch.

Mặc dù đề tài thành công, bằng chứng là nước hồ Trúc Bạch trong sạch từ đó cho đến nay. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hội đồng nghiệm thu ghi trong kết luận: Đồng ý nghiệm thu sau khi đánh giá đầy đủ, nhưng khuyến cáo chưa triển khai rộng rãi.

Kết luận này khiến những người thực hiện vô cùng thất vọng. Nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học chưa được nhìn nhận đúng mức, sản phẩm nghiên cứu gặp khó trong thương mại hóa, không thể triển khai rộng rãi trên thị trường.

Thời gian tới, chúng ta cần thay đổi. Khi nhà khoa học gắn với thực tế, đau đáu với thời cuộc, họ sẽ phát minh, sáng chế ra những sản phẩm rất có ích cho đời sống và hưởng lợi từ kết quả đó.



Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-nha-khoa-hoc-tan-tam-cong-hien-192250328133624674.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm