Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất áp thuế với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông: Giải pháp cấp thiết để bảo vệ môi trường:

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều phong trào, chiến dịch vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày.

Hà Nội MớiHà Nội Mới24/05/2025

Thế nhưng, thói quen sử dụng những sản phẩm đó chưa giảm, bởi đại đa số người dân vẫn chỉ nhìn thấy sự thuận tiện chứ chưa hoàn toàn nhận thức được những tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông đối với môi trường cũng như sức khỏe con người.

cho-dan-sinh.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ phường Việt Hưng (quận Long Biên) tặng túi giấy cho hộ kinh doanh tại chợ dân sinh. Ảnh: Thu Trang

Cuộc chiến gian nan

Để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với môi trường, những năm qua, tại cộng đồng dân cư, nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy được triển khai.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Việt Hưng (quận Long Biên) Lê Thị Minh Châu cho biết: “Có năm, chúng tôi triển khai phát làn nhựa, túi vải cho các hộ gia đình. Năm thì xây dựng phong trào mỗi hội viên gấp 5 túi giấy để phát tặng cho các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh trên địa bàn phường… Các mô hình, hoạt động được thay đổi phong phú nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế rác thải nhựa”.

Cũng là đơn vị tích cực triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thanh Dung chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, phụ nữ phường Quỳnh Lôi đã làm và tặng hơn 2 triệu túi giấy cho cán bộ, hội viên kinh doanh, nhất là các hộ bán bánh mì, bánh rán. Ngoài ra, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng phát động và tặng làn nhựa để khuyến khích người dân dùng làn đi chợ hoặc đổi chai nhựa, túi ni lông lấy cây xanh, túi xách thân thiện với môi trường…”.

Rõ ràng, việc triển khai các hoạt động nêu trên tại cộng đồng dân cư nhằm thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông của người dân, của các tiểu thương bằng các vật liệu thân thiện với môi trường là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, có nơi, khi các phong trào, các hoạt động này qua đi thì tất cả lại “đâu vào đấy”.

Một cán bộ Hội Phụ nữ tâm sự rằng, các hoạt động giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông tại khu dân cư nơi chị sinh sống được triển khai một cách rất hình thức, theo phong trào và chỉ diễn ra vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5-6 hằng năm. Hết mỗi đợt phát động, người dân lại quay về với thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông.

Tại Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 6-11-2023 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố đề ra mục tiêu đến hết năm 2024, tiếp tục phấn đấu 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni lông khó phân hủy mà chuyển sang dùng túi ni lông sinh học tự hủy.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, việc thực hiện mục tiêu nói trên tại một số siêu thị cũng chỉ theo kiểu… nửa vời. Tại siêu thị Go nằm trong Trung tâm Thương mại Savico Megamall Long Biên đã sử dụng túi ni lông sinh học tự phân hủy để phát cho khách khi đóng gói hàng hóa tại quầy thanh toán. Thế nhưng, tại mỗi gian hàng rau, củ, quả, siêu thị vẫn sử dụng những chiếc túi ni lông thông thường khó phân hủy để bao gói thực phẩm. Tại một số ít cửa hàng kinh doanh áo quần, mũ nón, mỹ phẩm… cũng dừng cấp miễn phí túi ni lông khi mua hàng. Thay vào đó, nếu khách hàng muốn mua túi ni lông để đựng hàng hóa sẽ phải bỏ ra mức phí 1.000-3.000 đồng/túi tùy kích cỡ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả chi phí này để đựng hàng hóa.

Rủi ro kép sau sự tiện lợi

Chính bởi giá thành rẻ, tiện lợi, túi ni lông khó phân hủy vẫn đang “sống khỏe” trong khi những đơn vị sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường lại loay hoay tìm hướng phát triển.

Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Kim An (doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa phân hủy sinh học) Nguyễn Châu Long chia sẻ: “Hiện nay, việc đưa sản phẩm thân thiện với môi trường ra thị trường khá khó khăn. Nhiều người chưa thấy hết tầm quan trọng của việc thay thế túi ni lông thường bằng túi sinh học. Ngoài ra, mức chênh lệch tương đối nhiều giữa giá thành hai loại sản phẩm đang là "điểm nghẽn" lớn đối với các doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu bao bì thân thiện môi trường Phương Lan Phan Thị Thúy Phượng cho rằng: “Giá cả chênh lệch khiến người dân chưa sử dụng rộng rãi sản phẩm thân thiện với môi trường. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng nên có chính sách ưu đãi và hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đóng thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông truyền thống”.

Thậm chí, không phải người dân nào cũng biết đến các sản phẩm như túi tự hủy sinh học, túi thân thiện môi trường, chưa kể còn không dễ để phân biệt hai loại sản phẩm này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

Chị Lê Thị Thanh, người bán rau ở chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) nói: “Tôi thấy túi ni lông thông thường và túi sinh học không khác nhau là mấy mà giá thành chênh lệch khá lớn. Nếu sử dụng loại túi sinh học thì lãi không nhiều. Do đó, gần như 100% người bán hàng tại chợ vẫn sử dụng túi ni lông thông thường”.

Trước thực tế trên, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng lo ngại, không chỉ gây ra tác hại với môi trường, túi ni lông còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Trong quá trình sử dụng, loại sản phẩm này dễ dàng thôi nhiễm các chất độc hại như chì, cadimi, dioctin phatalat cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, gây hại cho não, phổi, là nguyên nhân chính gây ung thư... Khi được đốt, túi ni lông sẽ tạo ra khí thải có chất độc tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây các bệnh về phổi, tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Để giảm thiểu loại rác thải nhựa cần nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, vận động để người dân ý thức được việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông là không tốt, không có lợi cho môi trường, sức khỏe của bản thân và cộng đồng, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và tiêu dùng loại sản phẩm này. Có thể đánh thuế thật cao với những cơ sở sản xuất cũng như người sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông. Đây là biện pháp hữu hiệu mà nhiều nước đã và đang áp dụng.

(Còn nữa)

Việc ban hành 2 nghị quyết về bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội là cấp thiết

Ngày 23-5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo nghị quyết quy định các biện pháp giảm phát thải nhựa và biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện Điểm D, Khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô).

Phản biện tại hội nghị, hầu hết ý kiến đều đánh giá cao và tán thành sự cấp thiết trong việc ban hành 2 nghị quyết, thể hiện trách nhiệm của chính quyền Thủ đô cũng như tính tự chủ của thành phố đối với vấn đề này.

Song, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn các đặc trưng về nguồn phát sinh chất thải và thành phần chất thải rắn ở Hà Nội, trong đó có chất thải nhựa.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đề nghị cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng tính khả thi và tính hiệu quả trong quy định cấm sử dụng hoàn toàn túi nhựa dùng một lần ngay lập tức vì có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có lộ trình rõ ràng, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế...

Minh Thúy

Nguồn: https://hanoimoi.vn/de-xuat-ap-thue-voi-san-pham-nhua-dung-mot-lan-va-tui-ni-long-giai-phap-cap-thiet-de-bao-ve-moi-truong-bai-2-loay-hoay-tim-giai-phap-703335.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm