Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đi tìm bản sắc và tiếng nói Việt Nam qua trải nghiệm của người xa xứ

Bản sắc Việt ở Đức, Pháp, Séc... là chủ đề được tập trung khai thác trong chương trình Những ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam năm 2025, hướng đến thấu hiểu và gắn kết song phương thông qua văn hóa.

VietnamPlusVietnamPlus08/05/2025

literature-days.jpg

Trong các ngày từ 8-12/5 tại Hà Nội diễn ra chương trình "Những ngày Văn học châu Âu," gồm các tọa đàm văn chương, workshop (khóa học ngắn) ở nhiều lĩnh vực như báo chí-truyền thông, nghệ thuật và giải trí.

Với chủ đề là “Từ đâu đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu,” diễn giả đều là người Việt hoặc mang trong mình nửa dòng máu Việt, sinh ra và lớn lên tại châu Âu hoặc có thời gian làm việc và học tập ở phương Tây.

Theo ông Oliver Brandt (Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe-Institute - 2 trong số các đơn vị đồng tổ chức), những diễn giả và nhà văn này đang dần khẳng định tiếng nói của bản thân nền văn học-nghệ thuật tại châu Âu. "Chúng tôi nghĩ chủ đề chương trình năm nay sẽ giúp tôn vinh sự sáng tạo và đa dạng của các tác giả này nói riêng, cũng như giữa Việt Nam và nhiều quốc gia khác nói chung," ông nhận xét.

496549d9-edd9-40c9-ae02-693be4aae731.jpg
Ông Oliver Brandt - Chủ tịch EUNIC Việt Nam và Viện trưởng Viện Goethe-Institute. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một số cái tên nổi bật có thể kể đến nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moi (Trần Thiên Nga) - tác giả tiểu thuyết “Nọc bướm” về trăn trở tuổi trưởng thành của một thiếu nữ sinh ra tại Sài Gòn trước 1975, được phát hành tại Việt Nam tháng 1/2025. Bà từng được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sỹ về văn học và nghệ thuật năm 2018.

Nhà sản xuất phim hoạt động tại Prague (Séc) và Hà Nội Nghiêm Quỳnh Trang là nhà sản xuất của "Culi không bao giờ khóc" - tác phẩm thắng giải Liên hoan phim Berlin, xoay quanh trải nghiệm của một phụ nữ từng lao động xa xứ tại Đức, nay lạc lõng trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Kỹ sư tin học Nuage Rose Hồng Vân - cựu Tùy viên kinh tế thương mại Pháp tại Việt Nam - sinh ra và lớn lên trong ở Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bà là tác giả cuốn "120 ngày Mây thì thầm với gió" (Nhà xuất bản Trẻ, 2021) được coi là "mối giao hòa văn chương Việt-Pháp."

Các diễn giả còn có các nhà báo người Đức gốc Việt Khuê Phạm, Vanessa Vũ; các nhà văn người Pháp Cecile Pin, họa sỹ truyện tranh Clément Baloup, nhà phê bình Tây Ban Nha Kim Nguyen Baraldi, đều mang nửa dòng máu Việt Nam. Họ là tác giả nhiều ấn phẩm văn học, truyện tranh được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Mỗi tác giả đều mang theo chiêm nghiệm về về xuất xứ và bản sắc của mình vào đời sống và những sáng tác nghệ thuật.

494599300-1092937666199365-1236084511039115491-n.jpg
Một số tác phẩm được giới thiệu trong chương trình năm nay.

Các sự kiện tọa đàm gồm “Âm vang kiên cường - Những tiếng nói của nữ nhà văn gốc Việt,” “Căn tính di dân và Sang chấn thế hệ” “Graphic novel - Truyện tranh hay tranh truyện: Thảo luận" với sự tham gia của nhiều diễn giả.

Các workshop bao gồm “Hành trình viết tiểu thuyết” với Cecile Pin; “Kết hợp kỹ thuật báo chí vào viết tiểu thuyết và workshop viết kịch bản phim điện ảnh” với Nghiêm Quỳnh Trang; “Cội nguồn cảm hứng: Văn hóa, trải nghiệm và con chữ” với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Kim Nguyễn Baraldi và khách mời-nhà văn Maik Cây, “Nghệ thuật làm podcast với chất liệu báo chí” với Vanessa Vũ…

Khán giả quan tâm có thể theo dõi thời gian và địa điểm mỗi hoạt động trên trang Facebook của Viện Goethe tại Hà Nội (Goethe-Institut Hanoi)./.

Chương trình Những ngày Văn học Châu Âu được tổ chức thường niên tại Việt Nam kể từ 2011. Các đơn vị đồng tổ chức năm nay gồm EUNIC (Hiệp hội các Cơ quan Văn hoá và các Đại sứ quán châu Âu) tại Việt Nam, Viện Goethe (Đức), Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Italy, Hội đồng Anh, Trung tâm Séc, Viện Pháp.

Trước khi cập bến Hà Nội, chương trình đã diễn ra tại Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày Văn học Châu Âu năm nay cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm ngoại giao quan trọng, như 35 năm quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu, 75 năm Việt Nam-Cộng hòa Séc và 50 năm Việt Nam-Đức.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/di-tim-ban-sac-va-tieng-noi-viet-nam-qua-trai-nghiem-cua-nguoi-xa-xu-post1037386.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm