Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Di vật liệt sĩ trở về

Vỡ òa hạnh phúc và xúc động khôn nguôi là cảm xúc chung của thân nhân, gia đình 3 liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị vừa được Cục Chính sách - Xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức trao di vật, kỷ vật thiêng liêng vào cuối tháng 3/2025. Các di vật, kỷ vật chất chứa giá trị tinh thần to lớn, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các liệt sĩ và thân nhân, gia đình.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị28/04/2025

Di vật liệt sĩ trở về

Ông Võ Tất Rớt ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, cháu ruột liệt sĩ Võ Giả xem lạidi vật, kỷ vật được trao trả - Ảnh: Đ.V

Cục Chính sách - Xã hội vừa tổ chức bàn giao di vật, kỷ vật gồm lý lịch quân nhân, bằng cấp, giấy chứng nhận, giấy khen đến thân nhân 3 liệt sĩ quê quán tại huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Các liệt sĩ có di vật, kỷ vật gồm: liệt sĩ Võ Dã, sinh năm 1925, hy sinh năm 1950; liệt sĩ Nguyễn Đăng Ngai, sinh năm 1928, hy sinh năm 1953 và liệt sĩ Nguyễn Đạt, sinh năm 1915, hy sinh năm 1952.

Tỉ mẩn lật giở từng trang của tập lưu lại những di vật, kỷ vật của người anh trai ruột là liệt sĩ Nguyễn Đăng Ngai, thuộc đơn vị Bộ đội Vệ quốc đoàn, ông Nguyễn Đăng Tán, 82 tuổi ở thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng rưng rưng xúc động. Ông chăm chú xem lại những tấm bằng khen, những dòng bút tích, ảnh chân dung đen trắng trong đó có người anh của mình.

Ông Tán cho biết: “Anh Ngai đi bộ đội lúc 21 tuổi và tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Trị. Sau đó anh ấy cùng đơn vị ra Bắc. Lúc anh nhập ngũ tôi còn nhỏ chưa biết gì nhiều mà chỉ nghe bố mẹ, người thân kể lại”, ông Tán chia sẻ.

Từ khi nhận được thông tin anh Ngai hy sinh, hàng chục năm qua gia đình ông Tán vẫn luôn tìm kiếm hài cốt của anh, nhưng đều rơi vào bế tắc. Khoảng 15 năm về trước, khi gia đình vào nghĩa trang Điện Biên để tìm kiếm thì phát hiện tên của anh trên bảng Tổ quốc ghi công. Tên anh thì đúng nhưng họ và tên lót thì sai, gia đình đã liên hệ chính quyền để xác minh và biết được đó chính xác là anh trai mình.

“Thân xác anh tôi cùng đồng đội đã hoà tan với mảnh đất Điện Biên, cùng nằm chung một nấm mộ nên không thể cất bốc về quê hương được. Từ khi biết anh nằm đây, mỗi năm cứ đến dịp lễ gia đình vẫn thường xuyên ra thăm, thắp hương tưởng nhớ anh”, ông Tán mắt đỏ hoe nói. Khi lật giở đến những trang cuối cùng, ông Tán nghẹn ngào nheo mắt nhìn vào những tấm ảnh trắng đen nhỏ xíu.

Những bức ảnh đó đã được chụp cách đây hơn nửa thế kỷ, trong ảnh chính là những chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có anh trai của ông Tán. “Những ngày tới con trai tôi sẽ mang những tấm ảnh này đi phục hồi, phóng to treo trong nhà để kỷ niệm. Gia đình cũng sẽ cố gắng hỏi thêm thông tin những người cùng thời, người quen khác để xác định chính xác anh Ngai ở trong ảnh”, ông Tán tâm sự.

Dù chỉ nhận được một cuống Huân chương Chiến sĩ hạng III của liệt sĩ Nguyễn Đạt, hy sinh năm 1952, thuộc Trung đoàn 95 sót lại sau chiến tranh, bà Nguyễn Thị Tân (69 tuổi), thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, cháu ruột liệt sĩ vẫn hết sức vui mừng. Hôm nhận được kỷ vật cả gia đình bà Tân ai cũng vỡ oà hạnh phúc. Tuy nhiên, khi tìm kiếm tấm ảnh chân dung của chú lại không có, nên hơi hụt hẫng.

“Chú tôi hy sinh đã 75 năm rồi, lúc chưa có vợ nên không có được tấm ảnh nào. Nhiều năm nay, gia đình tôi thờ phụng chỉ có một tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trên bàn thờ để làm di ảnh nên cũng rất thương”, bà Tân chia sẻ. Bà Tân cho hay, hiện các di vật, kỷ vật đang được con trai bà đưa vào Đà Nẵng để ép nhựa, đóng khung rồi mang về treo ở trong nhà. Phần mộ của chú gần nhà, nên mỗi dịp lễ, Tết, cả gia đình lại tổ chức ra thăm mộ, thắp cho chú nén nhang. Dịp này, bà đã dẫn chúng tôi đến tận phần mộ của người chú liệt sĩ, xúc động thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ.

Bà Tân nói: “Gia đình tôi rất tự hào vì sự hy sinh của chú, góp phần mang đến độc lập, hòa bình cho hôm nay. Dù không có ảnh của chú như mong ước nhưng những di vật, kỷ vật được nhận lại cũng phần nào an ủi gia đình chúng tôi, đó chính là giá trị tinh thần giúp con cháu tự hào về người thân của mình”.

Cùng thời điểm với các gia đình bà Tân và ông Tán ở huyện Hải Lăng, còn có gia đình ông Võ Tất Rớt (65 tuổi) ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong cũng nhận lại các kỷ vật, di vật của liệt sĩ Võ Giả, hy sinh năm 1950, thuộc đơn vị Bộ đội Vệ quốc đoàn. Ông Rớt gọi liệt sĩ Võ Giả là bác ruột. Nhìn lại những dòng bút tích sắc sảo của người bác ruột viết trong bản tiểu sử lý lịch, ông Rớt cảm thấy rất tự hào và nể phục.

Bác ruột ông Rớt từng tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An và từng học tại nhiều trường ở trong quân đội. Ông Rớt nói rằng đã không thể kìm được nước mắt khi lần đầu tiếp nhận kỷ vật, di vật của bác. Đặc biệt khi tận tay lật từng trang chia sẻ trong cuốn sổ tay, người bác dường như đã sớm dự báo về sự hy sinh của mình.

“Bác ấy viết về những kỷ niệm tại các trận đánh đã tham gia trên các chiến trường. Chữ của bác rất đẹp, sắc sảo”, ông Rớt chia sẻ. Điều vui mừng hơn cả là gia đình ông Rớt đã nhận được tấm ảnh chân dung đen trắng của bác mình với kích thước 2x3 cm. “Bức ảnh như một món quà quý giá, lưu lại hình ảnh của bác Giả. Gia đình chúng tôi đang thuê thợ phục hồi và phóng lớn ảnh để thờ bác được trang trọng, ấm cúng hơn”, ông Rớt tỏ rõ niềm vui nói thêm.

Đức Việt

Nguồn: https://baoquangtri.vn/di-vat-liet-si-tro-ve-193277.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm