Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự án 8 gieo mầm bình đẳng giới ở Hướng Hóa

Là một vùng biên cửa ngõ của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du nhập văn hóa, tuy nhiên cũng là vùng “trũng” của những mối nguy hại đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE). Để giúp những nhóm yếu thế này giảm bớt sự dễ bị tổn thương do rào cản địa lý, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và nhận thức, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, nỗ lực, bền bỉ gieo mầm xanh về bình đẳng giới và bước đầu gặt hái những quả ngọt.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị28/04/2025

Dự án 8 gieo mầm bình đẳng giới ở Hướng Hóa

Hội LHPN huyện Hướng Hóa tổ chức hội thi sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới - Ảnh: T.C.L

Tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, trước đây, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây gần như không có tiếng nói trong gia đình, ít được tham gia sinh hoạt xã hội. Tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, định kiến giới... từng là những “hòn đá tảng” cản trở bước tiến phát triển của PN&TE. Thế nhưng, kể từ khi Dự án 8 được triển khai, nhận thức của cộng đồng đã dần thay đổi.

Các chiến dịch truyền thông lưu động, các buổi sinh hoạt cộng đồng do các “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tổ chức đều đặn ở cơ sở đã góp phần làm “tan băng” định kiến, giúp phụ nữ dám đứng lên nói lên tiếng nói của mình, dám khát vọng vươn lên.

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa Nguyễn Phú Sơn cho biết: “Thông qua những chương trình, hoạt động do các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện cùng với cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương tổ chức, sự bình đẳng giới (BĐG) dần đi vào nếp nghĩ và hành động của người dân.

Từ chỗ phải thuyết phục, tuyên truyền, vận động, nhiều người dân, đặc biệt là đàn ông đã tự nhận thức được trách nhiệm của mình, từ bỏ những tư tưởng “trọng nam hơn nữ”, những hành động bạo lực, không đúng chuẩn mực trong gia đình mà chủ động gánh vác trách nhiệm với người vợ, người mẹ, tích cực tham gia vào các công việc gia đình, chăm sóc giáo dục con cái. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng vì thế thay đổi dần. Nhiều phụ nữ tham gia hoặc thay chồng tham gia vào các cuộc họp thôn, bản, họp khu dân cư, thậm chí là người đứng đầu các hội, đoàn thể ở thôn, ở xã - những việc trước đây ít có tiền lệ trong đồng bào DTTS”.

Để có được những sự thay đổi đó, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã nỗ lực triển khai các nội dung cũng như mục tiêu, chỉ tiêu Dự án 8. Tiêu biểu, Hội LHPN huyện đã tiến hành khảo sát, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các xã có mô hình điểm thành lập tại những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Sau mô hình điểm, Hội LHPN huyện tiếp tục thành lập 34 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại các thôn đặc biệt khó khăn. Tổ chức tập huấn về lập kế hoạch và kỹ năng truyền thông về BĐG cho các thành viên tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, về thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình, về phòng, chống tảo hôn... tại các xã, thị trấn thuộc dự án cho hơn 12.000 cán bộ, hội viên và người dân. Tổ chức Hội thi “sáng kiến truyền thông BĐG”, Diễn đàn “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình tổ truyền thông cộng đồng”, với hơn 300 người tham dự.

Với đặc thù là địa bàn miền núi, đường sá chia cắt, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc tiếp cận và triển khai các hoạt động ban đầu gặp không ít khó khăn. Chính sự tận tâm, đồng hành của cán bộ cơ sở và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ triển khai dự án đã mang lại những kết quả tích cực.

Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện đã tổ chức được hơn 82 buổi truyền thông về BĐG trong gia đình, phòng chống bạo lực, kỹ năng nuôi dạy con cái cho hơn 15.000 cán bộ, hội viên và người dân trên địa bàn; xây dựng và duy trì hoạt động của 24 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 97 “Tổ truyền thông cộng đồng” và 14 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đặc biệt, nhiều nam giới vốn trước kia chỉ giữ vai trò “chủ gia đình”, giờ đã trở thành những người đồng hành, cùng chia sẻ trách nhiệm và yêu thương.

Hội LHPN huyện cũng đã tổ chức 12 hội nghị đối thoại chính sách tại địa phương để lắng nghe ý kiến của người dân về những vấn đề liên quan đến PN&TE còn tồn tại trong các cộng đồng khu dân cư. Từ đó, chính quyền địa phương mỗi xã, thị trấn tìm cách để tháo gỡ cũng như giải quyết những khó khăn mà người dân đang gặp phải.

Không chỉ phụ nữ, nhiều hoạt động của Dự án 8 kết hợp với dự án khác đã tạo điều kiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái được tiếp cận giáo dục, kỹ năng sống, được tham gia các diễn đàn giao lưu, CLB để nói lên tiếng nói và quan điểm của mình, xây dựng cho trẻ sự tự tin, bản lĩnh, trách nhiệm với tập thể và cộng đồng. Cũng chính từ những CLB này, nhiều học sinh đã phát huy được tài năng, kiến thức của mình để trở thành những “thủ lĩnh” tiêu biểu trong công tác tuyên truyền tại địa phương.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song hành trình thực hiện Dự án 8 tại Hướng Hóa vẫn còn không ít thách thức. Một số hủ tục, tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn len lỏi trong các thôn, bản. Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, song quá trình thay đổi nhận thức ở một số bộ phận người dân còn chậm, còn bị động.

Công tác phối hợp giữa các ban ngành đôi khi chưa thật sự nhịp nhàng, còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới cơ chế chính sách hay một số hoạt động triển khai chậm so với kế hoạch, tiến độ giải ngân chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Cán bộ cơ sở dù đã được tập huấn nhưng vẫn còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án.

Dẫu còn đó muôn vàn khó khăn nhưng điều đó chưa bao giờ làm chùn bước những người cán bộ hội trên tuyến đầu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tại những bản làng xa xôi vùng núi Hướng Hóa, hành trình mang tri thức, khơi dậy quyền năng và nâng cao nhận thức cho PN&TE không hề dễ dàng vẫn được cán bộ Hội LHPN huyện Hướng Hóa miệt mài, kiên trì vượt khó để thực hiện với niềm tin mãnh liệt vào giá trị nhân văn mà Dự án 8 mang lại đến với từng hộ dân, từng mái nhà.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Lê Hồng Giang chia sẻ đầy quyết tâm: “Chúng tôi xác định, khó đến đâu cũng phải làm. Bởi phía sau những con đường đất đỏ gập ghềnh là những trái tim phụ nữ đang khao khát vươn lên, là những đứa trẻ mong chờ một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực, đồng hành cùng chính quyền, để nâng cao nhận thức cộng đồng, phát huy quyền năng của phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy BĐG và trên hết là dựng xây những bản làng yên vui, đáng sống.”

Trần Cát Linh

Nguồn: https://baoquangtri.vn/du-an-8-gieo-mam-binh-dang-gioi-o-huong-hoa-193278.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm