Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam

- Chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình về Thái Nguyên, thăm Di tích của Hội tại Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa và Di tích lịch sử trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang16/04/2025

Đất trời ta cả chiến khu một lòng

Mờ sáng, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Đường qua đèo De nối Tân Trào với Định Hóa mới được cải tạo phong quang, hai bên san sát cây rừng như hồi Bác Hồ về lãnh đạo Kháng chiến chống Pháp. Thỉnh thoảng, giữa nền xanh mênh mang cây lá, nổi bật màu vàng tươi của hoa Bioóc mạ, hoa lim vang rất vui mắt. Một đồng nghiệp thốt lên “ATK đẹp quá”. Tôi nghĩ, chắc ngày xưa, khi Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ về Tuyên Quang và Thái Nguyên để lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, khi đi lại tuyến đường này cũng có lúc thốt lên như thế.

Dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Di tích Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, thôn Roòng Khoa, Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên.

Đến Định Hóa, đã thấy các đồng nghiệp Báo Thái Nguyên chờ sẵn. Chúng tôi cùng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, rồi thăm di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Roòng Khoa, xã Điềm Mặc.

Tại đây, ngày 21/4/1950, Hội những người viết báo (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã chính thức thành lập, trụ sở là khuôn viên nhà lá đơn sơ được đặt giữa những vườn chè xanh mát và những mái nhà bình dị. Ngay từ những ngày này, Đảng ta đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp… đều là những bậc thầy về cầm bút. Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp ra đời sớm nhất.

Lãnh đạo báo Tuyên Quang và Báo Thái Nguyên thăm Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Các đồng nghiệp Thái Nguyên cho biết, ngày 23/8/2004, Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 74/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng nơi đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích đã trở thành điểm đến thường xuyên của báo chí cả nước.

Chúng tôi cùng nhau thắp nén hương thơm nơi tượng Bác, cầu mong Người và các nhà báo tiền bối phù hộ cho nền báo chí cách mạng nước nhà thêm phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Rời Roòng Khoa, chúng tôi đi về hướng Đại Từ - nơi có Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời từ tháng 4/1949.

Địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam

Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời từ sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn báo chí kháng chiến. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nước ta.

Các nhà báo Báo Tuyên Quang thăm Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Sở dĩ Bác Hồ chọn đặt tên trường theo tên cụ Huỳnh Thúc Kháng vì cụ là bậc chí sĩ yêu nước mà Người rất kính trọng vì “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, đồng thời cũng là cây đại thụ bản lĩnh, mẫu mực của phong trào báo chí yêu nước, sáng lập tờ báo Tiếng Dân năm 1927 để giáo dục, cổ động lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần đoàn kết để phụng sự Tổ quốc.

Di tích trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khánh thành năm ngoái, là một trong những hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 - 21.4.2025).

Lãnh đạo Báo Tuyên Quang và Báo Thái Nguyên tham quan Bảo tàng.

Tọa lạc ngay vị trí đẹp giữa khu du lịch Hồ Núi Cốc, Di tích là điểm đến thuận tiện của các thế hệ làm báo trong cả nước, cũng chứng tỏ tâm huyết không nhỏ của Hội Nhà báo Việt Nam. Nghe nói, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội và nhà báo Phan Hữu Minh – nguyên TBT Báo Thái Nguyên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Hội đã đi lại không ít lần giữa Hà Nội và Thái Nguyên để Di tích này được khởi công xây dựng và hoàn thành khang trang bề thế như hôm nay.

Trong ngôi nhà lợp lá mô phỏng lớp dạy làm báo ngày ấy, chúng tôi gặp những cái tên lớn của nền báo chí và văn hóa văn nghệ Việt Nam thời chống Pháp. Trường do nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ bút các báo Thanh Nghị, Độc Lập, làm giám đốc; nhà báo Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Ban thường vụ Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm Báo Cứu quốc làm phó giám đốc; các nhà báo Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ làm ủy viên ban giám đốc.

Đồng chí Trường Chinh, khi ấy là chủ bút báo Sự thật, nhà chỉ đạo chính trị của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đồng Dương, dạy môn xã luận, bình luận.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp khi ấy là Tổng tư lệnh quân đội quốc gia Việt Nam, biên tập cho báo Tiếng Dân, báo Le Travail, dạy môn Phóng sự, ký sự chiến tranh.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, biên tập cho báo Cứu quốc, dạy môn Chính trị.

Đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng Ban tuyên truyền của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, biên tập cho Báo Cứu quốc thời kỳ bí mật, dạy môn Đường lối cách mạng.

Giám đốc Đỗ Đức Dục dạy môn Lịch sử và Lý luận báo chí. Phó giám đốc Xuân Thủy dạy môn Đường lối cách mạng và kinh nghiệm làm báo.

Đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam dạy môn Chính trị. Đồng chí Trần Huy Liệu Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa Việt Nam dạy môn Bút chiến và lịch sử.

Lớp học còn được các nhà văn nghệ Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tú Mỡ, Đồ Phồn, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Nguyễn Tuân giảng dạy các môn phóng sự trào phúng, sân khấu, kịch, thơ, tiểu thuyết, âm nhạc, vấn đề trị sự và phát hành, kỹ năng làm báo về sức khỏe …

Nhìn vào tên các môn học và giảng viên của lớp dạy làm báo ngày ấy, chúng tôi vô cùng thấm thía tầm nhìn vĩ đại của Bác Hồ về báo chí cách mạng.

Mỗi gian trưng bày trong Bảo tàng đều gắn với một câu thơ.

Với lực lượng giảng viên này, lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tuy chỉ kéo dài ba tháng nhưng đã đào tạo 42 học viên trở thành những nhà báo xuất sắc, những cây bút chủ lực, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng nền báo chí nước nhà.

Trong thời gian này, Bác Hồ đã hai lần gửi thư động viên, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cho các học viên. Người căn dặn: "Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".

Đồng chí Trường Chinh tháng 6-1949 đã viết: "Khóa thứ nhất trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng hội Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân".

Bảo tàng thu nhỏ về Báo chí Việt Bắc

Trong khuôn viên di tích có một nhà sàn khoảng 80 mét vuông, là Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí chiến khu Việt Bắc thời kỳ 1946-1954. Đây là phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950 tại Roòng Khoa, Định Hóa.

Nhớ lại năm trước, khi Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa đến Tuyên Quang sưu tầm hiện vật, chúng tôi đã chứng kiến tâm huyết của những người làm bảo tàng báo chí. Nên những hình ảnh, hiện vật trong ngôi nhà sàn nhỏ này đã cho thấy hoạt động sôi nổi trên mặt trận văn nghệ, tư tưởng, báo chí trong 9 năm kháng chiến ở Việt Bắc. Không biết có phải những người làm bảo tàng là người yêu thơ, mà mỗi gian trưng bày đều có chủ đề riêng, phỏng theo các câu thơ về Việt Bắc: Tiếng thơm Việt Bắc nghìn thu lẫy lừng, Đất trời ta cả chiến khu một lòng, Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền… Xem ra rất thuyết phục, rất thơ và đầy bản sắc.

Chiếc máy in báo Tuyên Quang từ những năm 50 của thế kỷ trước tại Bảo tàng báo chí trong khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ngay vị trí trưng bày trang trọng, Báo chí Tuyên Quang vinh dự đóng góp hiện vật là chiếc máy in báo từ những năm 1950. “Đường đi” của hiện vật này đến đây cũng là cả một câu chuyện dài. Số là khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam đặt vấn đề về hiện vật, người giữ hiện vật xin ý kiến tỉnh – vì đó là tài sản của Nhà nước, giao đơn vị quản lý (dù đã hết hạn sử dụng). Tỉnh giao Sở Văn hóa xử lý. Nhưng khi nghe một cán bộ Sở sau khi xem cỗ máy in to đùng cục mịch nói sẽ đưa máy về bảo tàng, nhưng chắc phải để ở ngoài trời vì bên trong Bảo tàng chưa bố trí được nơi trưng bày, giám đốc Xí nghiệp In Tuyên Quang- cũng nhà một nhà báo – lập tức không đồng ý giao máy. Ông cho rằng chiếc máy in có những giá trị riêng và phải được nhìn nhận đúng. Và cuối cùng, cỗ máy to đùng cục mịch đã được giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tháng 4 năm ngoái, Giám đốc Bảo tàng Trần thị Kim Hoa đã “rước” máy về đặt tại ngôi nhà sàn trong khu di tích này nhân dịp khánh thành khu di tích.

Đồng chí Mai Đức Thông, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao hiện vật tặng Bảo tàng báo chí.

Tại đây, Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo Tuyên Quang Mai Đức Thông đã trao tặng Bảo tàng thêm 1 số hiện vật của báo chí Tuyên Quang như ấn phẩm Hà Tuyên Mặt trận – tờ tin xuất bản những ngày cam go của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và một số ấn phẩm khác. Chia sẻ cảm xúc khi thăm các di tích, anh cho rằng, mỗi người làm báo đến đây sẽ hiểu sâu sắc hơn về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng; từ đó trang bị thêm nhiều hơn nữa kiến thức lý luận, chuyên môn để làm nghề.  

Ngắm nhìn Khu di tích, chúng tôi hiểu ý định của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam về việc phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan "Thủ đô gió ngàn" - bao gồm cả Tuyên Quang -  nay đã thành hiện thực.

Chỉ ít hôm nữa, đại diện các Hội nhà báo cả nước sẽ về đây, trước khi về Hà Nội dự lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong công cuộc tinh gọn bộ máy của cả nước đang hết sức khẩn trương, các cơ quan báo chí sẽ tinh và mạnh hơn. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, noi gương hơn bốn mươi nhà báo của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 75 năm trước, các nhà báo hôm nay đã, đang và sẽ nỗ lực đổi mới và sáng tạo, xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước, là người bạn của Nhân Dân.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/dia-chi-do-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-210212.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm