Lưu giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa
Sách “Địa danh ở Bình Dương” do Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh làm chủ biên; Nhà xuất bản Công an Nhân dân. Đây là kết quả kế thừa từ đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, do Hội KHLS tỉnh chủ trì, triển khai thực hiện trong gần 3 năm.
Cuốn sách được xuất bản, giới thiệu đến với công chúng không chỉ khẳng định những nỗ lực nghiên cứu của nhóm tác giả cuối cùng cũng gặt được “quả ngọt”, mà còn góp phần ý nghĩa trong việc lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương và của tỉnh nhà, đặc biệt là “trong bối cảnh hợp nhất các tỉnh, thành phố, tạo dư địa phát triển, đưa đất nước vươn mình, nhiều địa danh sẽ mất đi... để lại không ít tiếc nuối trong lòng chúng ta về tên những vùng đất đã vốn quá đỗi quen thuộc”, như Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng đã chia sẻ tại buổi giới thiệu cuốn sách này mới đây.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, mỗi địa danh đều chứa đựng phía sau những câu chuyện lịch sử, những giá trị đang ẩn mình chờ đợi các thế hệ tiếp tục nghiên cứu, khám phá... Và những người thực hiện đã hết sức nỗ lực để lưu giữ lại cho mọi người, đặc biệt là thế hệ sau, những ký ức cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Trong khá nhiều sách, tài liệu viết về đất và người Bình Dương, có lẽ đây là cuốn sách có số lượng trang nhiều nhất tính đến thời điểm này. Sách dày hơn 2.280 trang, với 3.448 mục từ, 4.163 tiểu loại địa danh được sắp xếp theo đơn vị hành chính cấp xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương.
Theo nghiên cứu, các địa danh được phân loại dựa vào ngữ nguyên (nguồn gốc ngôn ngữ), như: Thuần Việt, Hán Việt, kết hợp, ngữ nguyên dân tộc thiểu số, ngôn ngữ nước ngoài và theo loại hình với các loại chính, như: Địa danh chỉ vùng, địa danh chỉ địa hình, địa danh chỉ công trình xây dựng, địa danh hành chính… Đây chính là nguồn tư liệu quý cung cấp cho mọi người nhiều thông tin phong phú về nguồn gốc, ý nghĩa của các địa danh, từ đó tái hiện sinh động lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bình Dương.
Trong nhiều sách, tài liệu viết về đất và người Bình Dương, có lẽ “Địa danh ở Bình Dương” là cuốn sách có số lượng trang nhiều nhất tính đến thời điểm này. Sách dày hơn 2.280 trang, với 3.448 mục từ, 4.163 tiểu loại địa danh được sắp xếp theo đơn vị hành chính cấp xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương. |
Tư liệu tham khảo quý
Để có hơn 4.000 tiểu loại địa danh giới thiệu đến công chúng, những người thực hiện, nghiên cứu không chỉ đến tận nơi tìm hiểu để ghi chép lại những gì đã có, mà còn vận dụng các lý luận để tìm ra những cái mới, thậm chí phản biện những cái cũ. Vì thế, trong cuốn sách này, người đọc có thể tìm thấy những kiến giải mới bên cạnh những lý giải dân gian quen thuộc, như người chủ biên đã giới thiệu.
Chứa đựng nhiều thông tin giá trị, cuốn sách được xem là một bản đồ lịch sử, văn hóa bằng ngôn ngữ, phản ánh quá trình hình thành vùng đất, con người, các cộng đồng cư dân, các giai đoạn đấu tranh, phát triển, các đặc trưng địa hình, khí hậu, kinh tế, động - thực vật tỉnh Bình Dương…
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh, trong bối cảnh hợp nhất các tỉnh, thành phố tạo dư địa phát triển, đưa đất nước vươn mình, nhiều địa danh có nguy cơ bị mai một… để lại không ít tiếc nuối trong lòng chúng ta về tên những vùng đất đã vốn quá đỗi quen thuộc. Cuốn sách này là nỗ lực lưu giữ ký ức cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương; là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác quản lý, nghiên cứu và giáo dục. Đặc biệt, những địa danh trong sách cũng là nguồn tư liệu quý, giúp các cấp quản lý đặt tên đơn vị hành chính mới một cách khoa học, hài hòa, khách quan và có tính kế thừa, tiếp nối lịch sử và văn hóa địa phương.
Đánh giá cao giá trị thực tiễn của cuốn sách, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho hay “Địa danh ở Bình Dương” là kênh thông tin đáng tin cậy để các địa phương tham khảo khi đặt tên cho ấp, khu phố, tổ dân phố, thay vì dùng số thứ tự khô khan. Việc sử dụng địa danh gắn với lịch sử, văn hóa tại chỗ sẽ góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống ngay từ cấp cơ sở.
Với người đọc, sách “Địa danh ở Bình Dương” là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích, đặc biệt là các thế hệ sau. Nhằm lưu giữ và truyền bá rộng rãi nguồn tư liệu quý giá này cho nhiều người cùng đọc, nghiên cứu, tìm hiểu. Hội KHLS tỉnh đã trao tặng sách cho Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh và Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh cùng nhiều đơn vị, cá nhân.
Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục trao tặng sách cho các địa phương sau khi các đơn vị hành chính mới sắp xếp xong và đi vào hoạt động để người dân có nhu cầu được tiếp cận với nguồn tài liệu ý nghĩa này.
Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các địa danh - Bà Phan Thị Diễm Thúy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết sách “Địa danh ở Bình Dương” có giá trị thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ đẩy mạnh giới thiệu sách trên nền tảng trực tuyến, tại không gian trưng bày phục vụ bạn đọc, để góp phần lan tỏa giá trị cuốn sách đến với công chúng. - Ông Bùi Trần Nhật Khánh, Phó trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP.Thuận An, nói: “Mỗi cái tên địa danh không chỉ là dấu hiệu địa lý mà còn là câu chuyện, là ký ức và là di sản văn hóa quý giá của cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các địa danh chính là giữ gìn linh hồn của vùng đất; đồng thời góp phần xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho thế hệ mai sau… Thông qua sách “Địa danh ở Bình Dương”, độc giả - đặc biệt là thế hệ trẻ - sẽ hiểu hơn, yêu hơn và tự hào hơn về quê hương mình… Cảm ơn các tác giả, các nhà nghiên cứu đã tâm huyết, dành thời gian và công sức để hoàn thành quyển sách có giá trị này, góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương Bình Dương trong thời kỳ vươn mình của dân tộc”. |
HỒNG THUẬN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/-dia-danh-o-binh-duong-cuon-sach-chua-dung-nhieu-gia-tri-lich-su-van-hoa-a347653.html
Bình luận (0)