Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dịch vụ nông nghiệp cạnh tranh bằng công nghệ

Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai thu hút đông nguồn lao động nông thôn từ các địa phương về làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động. Tuy nhiên, với lợi thế phát triển mạnh về nông nghiệp, hình thành những vùng chuyên canh lớn, dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển đột phá so với nhiều tỉnh, thành khác.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai08/07/2025

Tổ Dịch vụ nông nghiệp của Tổ Hợp tác sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray) đi tiên phong tại địa phương đầu tư thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho vườn cây ăn trái. Ảnh: B.Nguyên

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, DVNN đã có sự thay đổi lớn về chất từ lao động chân tay, hiệu quả chưa cao sang ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất. Các tổ dịch vụ nông nghiệp CNC không chỉ tăng nhanh về số lượng mà kỹ thuật, công nghệ cũng không ngừng được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nhu cầu lớn

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh rộ vụ thu hoạch trái cây hè. Đây là thời điểm DVNN, nhất là nhu cầu nhân công thu hoạch trái cây tại các địa phương tăng cao. Trong khi đó, nguồn lao động nông nghiệp ở các vùng nông thôn cung không đủ cầu nên giá nhân công lao động tăng nhanh theo từng năm.

Giá công thu hoạch trái cây thường dao động từ 250-500 ngàn đồng/ngày; giá công phun thuốc bảo vệ thực vật lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, công thu hoạch sầu riêng ở mức cao nhất so với công thu hoạch các loại trái cây, nông sản khác. Trong đó, mức giá cao thường được trả cho thợ “gõ”, cắt sầu riêng lên đến mức 2-2,5 triệu đồng/ngày. Ông Nguyễn Minh Vương, thợ cắt sầu riêng tại phường Hàng Gòn, cho biết công việc “gõ” sầu riêng để nhận biết trái đã đủ độ già để cắt đòi hỏi tay nghề, bí quyết riêng. Người thợ thường phải có nhiều năm kinh nghiệm mới làm được. Thợ nào càng có kinh nghiệm thì càng được trả lương cao.

Một trong những lĩnh vực trồng trọt phát triển về DVNN với mức cơ giới hóa cao là trong trồng bắp, trồng lúa. Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú), chia sẻ cùng với việc đầu tư cánh đồng lớn trồng bắp, lúa theo chuỗi liên kết, hợp tác xã đầu tư máy móc nhiều khâu từ làm đất, gieo hạt, làm cỏ, máy gặt đập cho thu hoạch hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng đến nhà máy sấy, xay xát… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tính cạnh tranh.

Trang trại trồng thanh long ruột đỏ có diện tích cả 100 hécta tại xã Xuân Phú cũng đi đầu tổ chức đội DVNN theo hướng chuyên nghiệp. Trang trại có cả 100 công lao động làm việc thường xuyên. Cách tổ chức đội dịch vụ này khá độc đáo khi người lao động không chỉ làm thuê mà còn được giao khoán cho từng hộ nhân công chăm sóc một số gốc thanh long cụ thể. Họ không chỉ là người làm thuê mà được chia huê hồng trên tổng thu nhập của diện tích vườn được khoán. Nhờ đó, trang trại phát huy tối đa những sáng kiến, cải tiến trong lao động để đưa ra giải pháp chăm sóc cây trồng hiệu quả nhất.

Hỗ trợ, đồng hành với nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là một trong những nội dung được Sở Nông nghiệp và môi trường quan tâm triển khai nhiều năm qua. Ðến nay, tỉnh thu hút được 328 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đã đạt hơn 38 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 51,2% so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 8 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô gần 1,6 ngàn hécta.

Cạnh tranh bằng công nghệ cao

Đáp ứng nhu cầu về DVNN ngày càng cao, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, chủ trang trại mạnh dạn đầu tư vốn lớn, đưa CNC vào lĩnh vực DVNN mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Viết Châu, có khoảng 4 hécta đất canh tác các loại cây ăn trái, trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại xã Gia Kiệm, là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, giàu kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Trước nhu cầu DVNN tại địa phương lớn, ông đầu tư cung cấp đa dạng dịch vụ từ chăm sóc, tỉa cành, xử lý cho cây ăn trái cho thu hoạch sớm, đạt năng suất cao. Đội DVNN này còn đầu tư thiết bị bay không người lái thực hiện việc bón phân, phun thuốc cho các vườn cây trồng tại địa phương. Ông còn có đội chuyên nhận lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, trong đó sử dụng nhiều loại vật tư tự chế để có chi phí rẻ hơn nhiều so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Ngoài ra, ông còn có đội công nhân chuyên nhận làm các tuyến đường giao thông, cầu cống tại các ấp, xã với chi phí giá rẻ. Ông là người uy tín trong cộng đồng trong công tác vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nông dân tại xã Tân Bình thuê dịch vụ thu hoạch lúa và bán sản phẩm ngay tại ruộng.
Nông dân tại xã Tân Bình thuê dịch vụ thu hoạch lúa và bán sản phẩm ngay tại ruộng.

Ông Nguyễn Hữu Trung, thành viên Tổ Hợp tác sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray) cũng đi tiên phong tại địa phương đầu tư thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho vườn cây ăn trái mang lại nhiều lợi ích. Ông Trung so sánh, một hécta sầu riêng, 1 lao động cần cả ngày mới xịt xong thuốc bảo vệ thực vật, còn với thiết bị bay không người lái, chỉ mất khoảng 20 phút là hoàn thành, đồng thời tiết kiệm hơn nhiều về sử dụng lượng nước, phân, thuốc so với cách làm truyền thống. Ngoài ra, với nhiều cây ăn trái phải thường xuyên xịt phân dưỡng lá, thuốc xử lý sâu bệnh so với việc xịt thuốc bằng hệ thống tưới hoặc thủ công bằng tay thì việc sử dụng thiết bị CNC này kịp thời ngăn chặn sâu bệnh phát sinh, lây lan gây hại đến năng suất và cây trồng. Tổ hợp tác không quá chú trọng đến lợi nhuận nên đưa ra mức giá dịch vụ phù hợp để phục vụ tổ viên và nông dân tại địa phương.

Tổ DVNN do ông Ngô Thành Phong (phường Hàng Gòn), tổ chức vào cao điểm mùa vụ sản xuất đang tạo việc làm cho khoảng 200 lao động. Tổ dịch vụ được ông chia làm 7 nhóm chuyên môn như: nhóm làm cỏ, tỉa cành, bón phân, vận chuyển, thu hoạch... Vào cao điểm mùa khô, nhiều lao động phải tăng ca tưới nước đêm nên tuy lao động phổ thông nhưng thu nhập đến 50-70 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, ông là người đi tiên phong làm mô hình sầu riêng mini, cắt ngọn khống chế không để cây sầu riêng quá cao, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch, tiết kiệm phân thuốc chăm sóc mà cây trồng vẫn đạt năng suất cao. Tổ dịch vụ của ông đang nhận chăm sóc cho khoảng 300 hécta sầu riêng tại địa phương và các vùng lân cận. Trong đó, ông đã nhân rộng mô hình trồng sầu riêng mini hiệu quả kinh tế ra hàng chục hécta và đang tiếp tục đồng hành cùng nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận cho vườn cây.

Bình Nguyên

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dich-vu-nong-nghiep-canh-tranh-bang-cong-nghe-4030c14/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm