Du khách quốc tế đánh giá cao sự thân thiện và mến khách của thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách Uzbekistan được chào đón tại sân bay Đà Nẵng.Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo báo cáo “Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam (VTDI) 2024”, thành phố Đà Nẵng xếp hạng nhất, đạt điểm số 4,89. Để duy trì thứ hạng này, thành phố cần tập trung phát triển các trụ cột được đánh giá cao nhất gồm: y tế và vệ sinh, nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho du lịch, hạ tầng và dịch vụ du lịch, sự bền vững về môi trường và năng lượng trong du lịch…; đồng thời hướng đến cải thiện các nhóm chỉ số và trụ cột khác theo VTDI.
Năng lực quản trị điểm đến hiệu quả
Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng được các chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch khẳng định là kết quả xứng đáng. Đây là minh chứng rõ nét cho năng lực quản trị điểm đến hiệu quả, môi trường thuận lợi và chiến lược phát triển đồng bộ của thành phố.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Visit Indochina, đây là kết quả khá khách quan và thuyết phục. Các trụ cột được đánh giá cao thể hiện cụ thể từng khía cạnh, góc độ mà Đà Nẵng đang làm tốt và rất tốt so với các địa phương khác trên cả nước. Điểm nổi bật của du lịch Đà Nẵng đó là lợi thế không chỉ về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, di sản, văn hóa mà còn sự chung tay từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân. Các chính sách phát triển du lịch của thành phố phù hợp, tạo điều kiện hợp lý cho môi trường, cho doanh nghiệp và người dân từ xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, đến chính sách phát triển chuyên sâu theo từng chủ đề như du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm) du lịch cưới, du lịch ẩm thực, văn hóa, thể thao… “Ngành du lịch khai thác chuyên sâu vào các tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch số, biến những giá trị “vô hình” thành sản phẩm du lịch “hữu hình” cho du khách trải nghiệm. Những đánh giá của truyền thông trong nước và quốc tế, các giải thưởng quốc tế dành cho du lịch Đà Nẵng trong những năm gần đây là minh chứng xứng đáng cho thành phố”, ông Thủy chia sẻ.
Phát triển sản phẩm du lịch chiều sâu gắn liền bản sắc văn hóa
Các chuyên gia cho rằng, kết quả trên không chỉ là vinh dự, mà còn là thách thức của thành phố trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng cao. Bà Võ Thị Quỳnh Nga, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đề xuất để tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần tập trung cải thiện ở một số trụ cột, cụ thể là quan tâm đến chỉ số thu thập và chia sẻ dữ liệu du lịch, tài nguyên văn hóa, tài nguyên phi giải trí, du lịch bền vững, tác động kinh tế - xã hội của du lịch. Thành phố có thể xem xét thiết lập và hoàn thiện từng bước hệ thống phân tích dữ liệu du khách (đặc điểm nhân khẩu học và đặc điểm hành vi) để hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các doanh nghiệp du lịch ra quyết định chính sách theo thời gian thực. Dựa trên những tiềm năng lịch sử và văn hóa miền Trung, thành phố có thể xem xét phát triển sản phẩm du lịch chiều sâu gắn liền bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời, xem xét đầu tư vào hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch, vào việc phát triển các sản phẩm du lịch bền vững như du lịch hoàn nguyên, du lịch cộng đồng, du lịch học tập, du lịch nông nghiệp, du lịch y tế liên quan đến sức khỏe tâm thần…
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, thành phố cần quan tâm và ưu tiên các yếu tố bền vững trong phát triển du lịch. Theo đó, phải có giải pháp khắc phục tính mùa vụ trong du lịch; dự báo, cảnh báo, định hướng các không gian mới, dư địa phát triển du lịch mới; tăng cường tham gia sâu tổ chức phát triển du lịch bền vững, tăng cường các tiêu chí, chỉ báo về phát triển du lịch tại một địa phương, như du lịch trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch số, cộng nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)…
Qua tìm hiểu, được biết Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xây dựng báo cáo “Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam VTDI 2024” gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng các chiến lược phát triển du lịch địa phương, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Quá trình lựa chọn 30 tỉnh, thành phố tham gia VTDI 2024 dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố đã được nghiên cứu trong VTCI 2019 và 2021.
VTDI được tạo thành từ 17 trụ cột và 111 chỉ số thu thập |
NGỌC HÀ
Nguồn: https://baodanang.vn/du-lich-da-nang/202505/diem-cong-cho-du-lich-da-nang-4006186/
Bình luận (0)