Nhiều nghiệp đoàn đa dạng ngành nghề
Tại TPHCM đến nay đã có 160 nghiệp đoàn được thành lập với gần 18.000 đoàn viên đang lao động, làm việc ở các lĩnh vực, ngành nghề: phụ giúp việc nhà, bốc xếp, chạy xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, bán vé số, nail, tóc, mộc, điện... Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Lê Thị Kim Thúy, việc phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp Công đoàn TPHCM tập trung thực hiện với đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khu vực phi chính thức.

Theo khoản 3, Điều 4 Luật Công đoàn năm 2024, nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, cùng nghề hoặc những người lao động đặc thù khác.
24 năm tham gia Nghiệp đoàn Bốc xếp Trung tâm thương mại An Đông (quận 5, TPHCM) và hiện giữ vai trò Chủ tịch nghiệp đoàn, ông Hoàng Văn Lợi (54 tuổi) chia sẻ, trước năm 2001, khi chưa có nghiệp đoàn, anh em làm nghề bốc xếp tại chợ An Đông đã tập hợp cùng nhau để làm việc. “Từ khi nghiệp đoàn được thành lập đến nay, quyền lợi của anh em tham gia nghiệp đoàn được bảo vệ nhiều hơn, công việc anh em ổn định. Ngoài ra, đoàn viên nghiệp đoàn cũng được tập huấn nghiệp vụ, nâng cao ý thức về pháp luật, phòng cháy, chữa cháy cũng như thêm ý thức trách nhiệm về công việc của mình”, ông Lợi cho biết.
Theo ông Lợi, những năm cao điểm, đoàn viên Nghiệp đoàn Bốc xếp Trung tâm thương mại An Đông lên đến hơn 60 thành viên. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 và bị ảnh hưởng tình hình kinh tế, hiện nay nghiệp đoàn chỉ còn 18 người, hoạt động khá nề nếp. Không chỉ có công việc ổn định, đoàn viên nghiệp đoàn còn phối hợp lực lượng bảo vệ tại Trung tâm thương mại An Đông đảm bảo hàng hóa cho tiểu thương; tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự.
Vừa tham gia vào Nghiệp đoàn Bốc xếp Trung tâm thương mại An Đông khoảng 7 tháng, anh Sơn Phanh (29 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) cho biết, từ khi gia nhập nghiệp đoàn, thu nhập của anh ổn định, mỗi ngày từ 300.000-350.000 đồng. Chi tiêu tiết kiệm nên mỗi tháng anh để dành được ít tiền gửi về quê phụ vợ lo thuốc men cho con trai bị bệnh hẹp đường thở bẩm sinh. “Hồi còn làm công việc giao hàng tự do, thu nhập của tôi bấp bênh. Từ khi vào nghiệp đoàn, thu nhập ổn định hơn. Điều quý nhất là khi biết con tôi bệnh tật, cần nhiều chi phí điều trị, các anh trong nghiệp đoàn đã đóng góp mỗi người một ít để tiếp sức tôi lo cho con”, anh Sơn Phanh bày tỏ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Lê Thị Kim Thúy thông tin, thông qua các hoạt động chăm lo thiết thực tại những thời điểm khó khăn, Công đoàn TPHCM đã thành lập các nghiệp đoàn, với mong muốn người lao động khu vực phi chính thức sẽ xem nơi này là điểm tựa khi họ gặp khó khăn. Đây cũng sẽ là nơi giúp họ ổn định việc mưu sinh, được hỗ trợ các vấn đề về pháp lý.
Bảo vệ quyền lợi, chăm lo lúc ốm đau
Cùng với sự gia tăng của lực lượng lao động, sự ra đời các ngành nghề mới hoạt động trên nền tảng công nghệ đã và đang làm gia tăng số lượng người lao động không có quan hệ lao động chính thức. Việc thu hút, tập hợp và tổ chức lực lượng này đang là vấn đề lớn đặt ra đối với Công đoàn TPHCM.
Sau thời gian làm việc tự do, bà Trần Thị Mai Thanh (58 tuổi, quê Quảng Ngãi) tham gia Nghiệp đoàn vé số TP Thủ Đức. Bà Mai Thanh tâm sự, từ khi vào nghiệp đoàn, những lúc bà bệnh đều có anh em trong nghiệp đoàn thăm hỏi, trao tặng phần quà động viên cố gắng. Bà cũng được tập huấn các quy định của pháp luật, cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.
Sau thời gian chuẩn bị, tập hợp người lao động, ngày 20-3-2025, Nghiệp đoàn thợ điện quận Bình Thạnh đã được thành lập, với 46 đoàn viên trong ngành điện. Đây là nghiệp đoàn thứ 12 trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh. Theo Chủ tịch lâm thời Nghiệp đoàn thợ điện quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Hùng, trong thời gian tới, Ban chấp hành sẽ thực hiện các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các đoàn viên tham gia sinh hoạt công đoàn, tiếp cận các chế độ, chính sách an sinh xã hội như những người lao động khác; đồng thời tạo hoạt động giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Với nhiều lao động tự do, nghiệp đoàn đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm truyền thống quận 1, cho biết, các thành viên trong nghiệp đoàn thấy tự tin và có ý thức hơn trong công việc hàng ngày. “Chúng tôi được quan tâm, chia sẻ, động viên, trợ sức từ tổ chức công đoàn quận và thành phố. Nhiều anh em lớn tuổi, bệnh tật được trao sổ tiết kiệm, các phần chăm lo vào các dịp lễ tết cũng như lúc ốm đau”, ông Dũng tâm sự.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, các cấp công đoàn trên địa bàn đang triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025. Theo đó, trong Tháng Công nhân năm 2025, các cấp công đoàn tỉnh bám sát các chủ đề Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới, với 5 nhóm nội dung hoạt động gồm: “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”; chương trình “Đối thoại tháng 5” và diễn đàn “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng”; chương trình “Cảm ơn người lao động”; tổ chức tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giới thiệu phát triển đảng viên công nhân; chương trình “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đoàn viên, người lao động”...
mLiên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp Sở Nội vụ tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025. Với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, trong tháng 5-2025, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận tập trung hướng về cơ sở, tạo sự lan tỏa trong các cấp công đoàn.
LÊ XUÂN - NGUYỄN TIẾN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/diem-tua-cua-lao-dong-tu-do-post794553.html
Bình luận (0)