Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điện Biên phát triển giáo dục vùng DTTS bằng nguồn lực chương trình quốc gia

GD&TĐ - Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG, hệ thống trường lớp vùng dân tộc thiểu số ở Điện Biên được đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng giáo dục.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại07/07/2025

Củng cố cơ sở vật chất và mở rộng mạng lưới trường lớp

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, tỉnh Điện Biên đã ưu tiên nguồn lực lớn cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Dự án 5 trong chương trình được xác định là động lực quan trọng giúp nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và giảm nghèo bền vững.

Tổng vốn phân bổ cho Dự án 5 là 775,269 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 543,487 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 231,782 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2025, địa phương đã giải ngân hơn 609 tỷ đồng, đạt 78,62% kế hoạch vốn giao.

Trong tiểu dự án 1, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường có học sinh bán trú và xóa mù chữ, tỉnh Điện Biên đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 68 trường dân tộc nội trú và bán trú. Đồng thời, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho 117 trường tiểu học, 83 trường THCS, 18 trường dân tộc nội trú và 21 trường THPT có học sinh bán trú. Thiết bị phục vụ chuyển đổi số cũng được cung cấp cho 51 trường tiểu học, 48 trường THCS và 26 trường THPT.

Với sự hỗ trợ này, điều kiện học tập của học sinh vùng cao được cải thiện đáng kể. Nhiều điểm trường tạm bợ trước đây đã được thay thế bằng cơ sở vật chất khang trang, an toàn, từng bước thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền.

mam-non-thanh-xuong-4.jpg
Cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư khang trang.

Xóa mù chữ và dạy tiếng dân tộc

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, tiểu dự án 1 còn tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phổ cập giáo dục. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức 227 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp và 78 lớp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trường học dân tộc nội trú.

Công tác xóa mù chữ được triển khai quyết liệt, với 141 lớp học tổ chức cho 3.328 lượt người dân vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ người không biết chữ còn cao, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Song song đó, 44 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc với hơn 2.300 học viên và 150 lớp dạy tiếng dân tộc cho 7.307 người được tổ chức, góp phần giữ gìn tiếng nói, bản sắc văn hóa dân tộc và tăng hiệu quả truyền đạt trong lớp học.

Kết quả này cho thấy Chương trình đã có những tác động sâu rộng đến cả học sinh, giáo viên và cộng đồng dân cư, không chỉ cải thiện tiếp cận giáo dục mà còn nâng cao nhận thức xã hội và củng cố nền tảng văn hóa bản địa.

xoa-mu-chu.jpg
Những lớp học trong đêm...

Kết nối giáo dục với đào tạo nghề và thị trường lao động

Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 được triển khai nhằm hỗ trợ học sinh và thanh niên dân tộc thiểu số kết nối với thị trường lao động. Tỉnh đã tổ chức 35 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hơn 7.000 học sinh THPT, PTDTNT THPT. Bên cạnh đó là 143 hội nghị giao dịch việc làm lưu động thu hút 9.305 lượt lao động tham gia.

Tổng cộng có hơn 42.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó từ 75 đến 78% là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, 124 lao động đã được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, truyền thông về cơ hội nghề nghiệp… đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức, nâng cao năng lực tự lập cho thanh niên vùng cao.

Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn tồn tại như mức hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thấp (10–15 triệu đồng/người), thủ tục rườm rà khiến tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao.

tieu-hoc-chung-chai-1.jpg
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên có hơn 42.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó từ 75 đến 78% là người dân tộc thiểu số.

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc và nâng cao năng lực triển khai

Tiểu dự án 2 và tiểu dự án 4 tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số và nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai Chương trình. Trong đó, tỉnh đã mở 44 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho hơn 2.300 người và 150 lớp tiếng dân tộc với hơn 7.300 người tham gia.

Ở tiểu dự án 4, đã có 83 lớp tập huấn được tổ chức với hơn 4.300 học viên là cán bộ cấp xã, huyện trực tiếp triển khai Chương trình MTQG. Song song đó, 93 lớp tập huấn cho hơn 4.400 học viên là người dân tại cộng đồng cũng được mở, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức hoạt động, giám sát và phối hợp thực hiện các nội dung chương trình.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức 4 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình tại các tỉnh khác với trên 240 người tham gia. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng nâng cao tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

mn-huoi-lech-1.jpg
Một buổi sinh hoạt của học sinh trường Mầm non Huổi Lếch.

Tác động tích cực và hướng đi bền vững

Từ góc độ kết quả, các chỉ tiêu giáo dục của tỉnh Điện Biên đến nay đều vượt mục tiêu quốc gia: tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 99,9%; tiểu học 99,9%; THCS 98,19% và THPT đạt 72,12%.

Chương trình MTQG đã góp phần hình thành mạng lưới trường lớp hợp lý, chất lượng dạy và học được nâng cao, tỷ lệ bỏ học giảm rõ rệt. Đặc biệt, sự kết hợp giữa đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ và kết nối với việc làm đã tạo ra mô hình giáo dục toàn diện, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy còn nhiều khó khăn về địa hình, phong tục, trình độ dân trí và nguồn vốn đối ứng, nhưng những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để Điện Biên tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trong những năm tiếp theo.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-phat-trien-giao-duc-vung-dtts-bang-nguon-luc-chuong-trinh-quoc-gia-post738761.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm