Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điện thoại 'Made in USA' là chuyện hoang đường?

Cơ sở hạ tầng, lao động và chuỗi cung ứng đơn giản là không tồn tại ở nước Mỹ. Điều này khiến lời đe dọa sẽ áp thuế 25% lên những smartphone không sản xuất tại Mỹ của ông Trump trở nên vô lý.

Zing NewsZing News26/05/2025

Tối 23/5, Tổng thống Donald Trump đã đăng tải nội dung trên mạng xã hội rằng Apple sẽ phải trả mức thuế ít nhất 25% đối với các mẫu iPhone được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.

Cũng theo ông Trump, không chỉ Apple, mức thuế mới ảnh hưởng đến đến mọi nhà sản xuất khác nhập khẩu vào Mỹ nhằm đảm bảo sự công bằng. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết mức thuế 25% dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6.

Vấn đề ở đây là điều mà Tổng thống Trump muốn dường như là bất khả thi. Apple, Samsung, Google và tất cả nhà sản xuất smartphone khác đơn giản không thể sản xuất điện thoại tại Mỹ.

"Điều đó gần như bất khả thi như việc nhảy vào một chiếc máy bay đồ chơi để bay đến Congo trong 17 phút", trang Android Authority ví von.

Chuyện bất khả thi

Theo Android Authority, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng sẽ phải đối mặt với 3 vấn đề gần như không thể vượt qua khi sản xuất điện thoại tại Mỹ.

Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng. Các nhà máy cần thiết để tạo ra tất cả khía cạnh của một chiếc smartphone, bao gồm màn hình, chip silicon, pin hay cảm biến camera đơn giản là không tồn tại ở Mỹ.

Để bất kỳ công ty nào bắt đầu cố gắng sản xuất điện thoại ở đây, họ sẽ cần chi hàng tỷ, hoặc thậm chí có thể là hàng nghìn tỷ USD chỉ để tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết và sẽ mất ít nhất 10 năm để hoàn thành.

Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công ty này sẽ cần những người có kỹ năng cao để vận hành nhà máy. Nước Mỹ hiện không có bất kỳ người nào như vậy, vì vậy sẽ cần phải được tìm kiếm và đào tạo. Đây cũng là quá trình phải tốn rất nhiều tiền và cũng mất nhiều năm để hoàn thiện.

Trump anh 1

Apple và các hãng smartphone khác hiện không có bất kỳ nhà máy nào ở Mỹ để sản xuất điện thoại. Ảnh: CNBC.

Ngay cả khi cố gắng né tránh vấn đề này bằng cách đưa người từ các quốc gia khác đã có kinh nghiệm vào, những công nhân đó sẽ cần được trả đủ tiền để sống ở Mỹ. Ngoài ra, những chuyên gia này vẫn sẽ bị tính là người nhập cư, trong khi ông Trump có quan điểm rất cứng rắn với người nhập cư bất hợp pháp.

Kể cả bằng cách nào đó, một công ty vượt qua được hai vấn đề này, việc thiếu vật liệu vẫn sẽ là hạn chế lớn. Một số kim loại đất hiếm cần thiết để sản xuất các linh kiện smartphone không phổ biến ở Mỹ.

Có thể lấy ví dụ là Scandium (Sc) được sử dụng trong các hợp kim khi tạo pin. Lần cuối cùng nước Mỹ sản xuất được Sc đã là 50 năm trước.

"Ngay cả khi bằng một phép màu nào đó, bạn tìm thấy tất cả khoáng sản đất hiếm cần thiết cho một chiếc điện thoại ở Mỹ, vẫn cần xây dựng các nhà máy tinh chế để xử lý những khoáng sản đó. Tất nhiên, các công ty cần phải thuê người lao động để làm việc này", Android Authority nhấn mạnh.

Cách giải quyết khác

Trong vài năm qua, tập đoàn Mỹ cũng đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ hiện có mức thuế thấp hơn. Song, ông Trump đã công khai kêu gọi CEO Tim Cook đưa toàn bộ quá trình sản xuất về Mỹ.

Điều này cho thấy quan điểm cứng rắn của người đứng đầu Nhà Trắng về một giải pháp "tất cả hoặc không có gì".

Tuy nhiên, Android Authority đặt giả thuyết ông Trump chỉ đang cố tỏ ra cứng rắn và có khả năng sẽ chấp nhận một chiếc smartphone "chủ yếu" được sản xuất tại Mỹ. Đây là một điều hoàn toàn khả thi, nhưng nó chắc chắn sẽ làm tăng chi phí về giá của một chiếc điện thoại lên theo cấp số nhân.

Trung Quốc rất giỏi trong việc sản xuất linh kiện smartphone và đặc biệt là có thể làm điều đó với chi phí thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Việc chuyển đổi khâu sản xuất linh kiện sang Mỹ sẽ làm tăng chi phí đến mức đáng báo động. Theo một số ước tính, một chiếc iPhone sản xuất hoàn toàn tại Mỹ có thể có giá lên đến 3.500 USD.

Trump anh 2

Android Authority nhận định cách duy nhất có thể thấy là các công ty phải chịu thiệt hại từ thuế quan bằng cách tăng giá 25% để bù đắp chi phí sản xuất tăng lên. Ảnh: Bloomberg.

Android Authority nhận định cách duy nhất có thể thấy là các công ty phải chịu thiệt hại từ thuế quan. Apple, Samsung và tất cả nhà sản xuất khác có kế hoạch bán điện thoại ở Mỹ sẽ cần phải tính đến việc tăng giá 25% để bù đắp chi phí sản xuất tăng lên.

Tất nhiên, điều này có nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho một chiếc điện thoại so với trước đây. Có thể lấy ví dụ từ iPhone 16 và Galaxy S25 đều có giá khởi điểm 799 USD, và mức tăng 25% sẽ đẩy chúng lên 999 USD. Đó là một sự thay đổi đáng kể.

Một chiến lược phổ biến để tiết kiệm khi mua điện thoại là chọn mua phiên bản cũ hơn. Tuy nhiên, nếu iPhone 17 ra mắt với mức giá cao hơn hẳn, nhu cầu cho các mẫu iPhone cũ hơn có thể sẽ tăng theo, khiến giá của chúng cũng bị đẩy lên.

Ở chiều ngược lại, nếu bạn đang sở hữu một chiếc iPhone cũ, giá của thiết bị này cũng có thể tăng lên trong thị trường máy cũ.

Nguồn: https://znews.vn/dien-thoai-made-in-usa-la-chuyen-hoang-duong-post1555829.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm