Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điều làm nên nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại, là người đã truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc cũng như cho mỗi người.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên12/05/2025

Tư tưởng giáo dục vượt thời gian

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại, là người đã truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc cũng như cho mỗi người.

Điều gì làm nên nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại"

ẢNH: TRẦN HIỆP

Hội thảo được tổ chức hôm nay 12.5, tại Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, do Ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư phối hợp với Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, mặc dù không có một lời nào nói rằng GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã có những tư tưởng, những chính sách và những chỉ đạo còn hơn thế nữa. Từ cách đây 80 năm, Người đã thể hiện những tư tưởng quan trọng về giáo dục mang tính vượt trước và trường tồn với thời gian, đã khẳng định rõ ràngg, bao quát về những mục tiêu vừa cốt lõi, vừa phổ quát của giáo dục.

"Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, mà giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Khi nghiên cứu về quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đều chú trọng vào vấn đề tự học và học tập suốt đời. Tuy nhiên, một phương diện tự học rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát triển con người và nhân cách.

Phương diện tự học này phải xem ở ý nghĩa tự giáo, nghĩa là tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, tự nhục, biết hổ thẹn và phải liêm chính, để con người phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng thời đại, đó là tự phát triển con người của chính mình. Cái tự học đó đấy mới là chiều sâu và đặc sắc trong cái tự học và học tập liên tục, học tập suốt đời.

Người truyền cảm hứng vĩ đại

Về những nội dung giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng Người vừa lấy con người làm trung tâm, vừa đặt dân tộc lên trên hết và đặt trong tầm nhìn trăm năm và tầm nhìn nhân loại. Theo đó, Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh dân trí mà còn là dân khí, tinh thần của dân tộc.

"Chúng ta chú ý đến bối cảnh của thời đại trước năm 1945, cụ Phan Bội Châu đã kêu gọi cần chấn hưng dân trí, nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí và phải như vậy mới tạo ra được một nước Việt Nam mới. Như vậy không chỉ có vấn đề hiểu biết về dân trí mà đặc biệt quan trọng là khí thế của dân tộc. Nên trong nội dung giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt nhấn mạnh phương diện khích lệ ý chí cho từng con người và khích lệ ý chí cho cả một dân tộc", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người.

Trong bức thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và một số bức thư khác, Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tuyên ngôn về giáo dục. Người đã trao truyền, phó thác sứ mệnh cho người học, đã khơi dậy những cảm hứng to lớn và ý chí nghị lực cho những người trẻ tuổi Việt Nam để lớp lớp các thế hệ người Việt Nam vùng lên giải phóng đất nước và vững bước chung tay xây dựng non sông.

Người bày tỏ: "Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Khát vọng của một dân tộc chỉ có thể được thực hiện bắt đầu bằng giáo dục, thông qua giáo dục. Sự phát triển của một dân tộc bắt đầu bằng sự phát triển của mỗi một thành viên của dân tộc đó, và đương nhiên các thành viên phải biết học và biết rèn luyện suốt đời".


Nguồn: https://thanhnien.vn/dieu-lam-nen-nha-giao-duc-vi-dai-ho-chi-minh-185250512152948052.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm