Trải dài 68 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như một dải lụa nước óng ánh vắt qua miền duyên hải TP Huế. Đây không chỉ là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, mà còn là mái nhà của khoảng 300.000 cư dân đã bao đời gắn bó, chung sống nhờ vào mặt nước mênh mông ấy.
Nhiều năm qua, người dân nơi đây lặng lẽ mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên mặt đầm. Những con tôm, con cá, những vạt rong, lớp ngao... không chỉ là nguồn sống mà còn là ký ức, là cội nguồn văn hóa của cả vùng đất.
Phá Tam Giang - Cầu Hai không chỉ có giá trị sinh kế mà với vẻ đẹp nguyên sơ và hệ sinh thái độc đáo, nơi đây đang từng bước đánh thức tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Những chiếc ghe nhỏ đưa khách bồng bềnh giữa hoàng hôn tím biếc, những món ăn mang đậm hương vị đầm phá đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, níu chân du khách bốn phương.
Video trải nghiệm tour du lịch ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang (tháng 5/2025):
Nhận thức được giá trị của vùng đất này, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) đã thông qua đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030. Đề án trải rộng trên 44 đơn vị hành chính, từ thành phố Huế đến các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc - nhằm biến nơi đây thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển khu vực Trung Trung Bộ. Xa hơn, TP Huế còn đặt mục tiêu đưa vùng đầm phá trở thành một trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, thậm chí vươn tầm quốc tế, trở thành công viên đầm phá quốc gia - một khu dự trữ sinh quyển có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà cả Đông Nam Á.
Khát vọng ấy tiếp tục được khẳng định trong Quy hoạch TP Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và quy hoạch đô thị đến năm 2065 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, với trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển và bảo tồn sinh thái đầm phá.
Phá Tam Giang - Cầu Hai không chỉ rộng lớn với mặt nước hơn 22.000 ha, mà còn mang trong mình kho báu sinh học quý giá: Hơn 600 loài sinh vật, trong đó có 43 loài rong biển sử dụng trong sản xuất và làm phân bón, hàng chục loài tôm cua, hàng trăm loài cá - nhiều trong số đó là đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, rằn, cá dìa, cá mòi, cá dù bạc...
Đây là vùng đất giàu về sinh thái và cũng là nơi bảo tồn và nuôi dưỡng đa dạng sinh học, là nơi hội tụ của giá trị tự nhiên, văn hóa và phát triển bền vững. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một kho tàng quý giá giữa lòng miền Trung đang được đánh thức, để trở thành biểu tượng mới của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa bảo tồn và phát triển.
Vùng đầm phá có vẻ đẹp riêng với vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát chắn phía biển, có các vùng cửa sông, có chim nước cư trú.
Cư dân vùng đầm phá có nguồn gốc lâu đời với bản sắc văn hóa sinh sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu).
Ngoài du lịch di sản, TP Huế đang hướng đến khai thác du lịch tiềm năng sông biển, đầm phá, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Ngắm hoàng hôn là một trong những tour du lịch cộng đồng được khách du lịch lựa chọn khi đến TP Huế.
Tour du lịch này được khai thác ở Đầm Chuồn và được nhiều hãng lữ hành chào giá trung bình 500.000 đồng/1 người, với thời gian tham quan trên thuyền là 1/2 ngày; từ 14 giờ đến khi hoàng hôn buông.
Lênh đênh trên Phá Tam Giang, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, yên bình.
Người lái thuyền hướng dẫn du khách cách thả lưới câu cá.
Đây là trải nghiệm đáng nhớ với các du khách "nhí" khi được kéo lưới thu cá về khoang thuyền.
Trước những đổi thay của thời tiết và cuộc sống, người dân làng chài buộc phải thích ứng. Họ loay hoay tìm đường mới nhưng không rời xa mặt nước, mà là học cách làm du lịch, học cách giữ gìn vẻ đẹp của phá Tam Giang để mời gọi du khách gần xa.
Vẫn là con thuyền quen thuộc, vẫn là mùi nước lợ và ánh chiều tím rực phủ lên mặt đầm, nhưng giờ đây, những chuyến đi ấy không chỉ để đánh bắt mà còn để đưa khách thả hồn cùng phá Tam Giang mênh mông. Người dân không còn cực nhọc săn tìm con tôm, con cá mỗi ngày mà học cách kể câu chuyện về chính quê hương mình, để du khách lắng nghe, cảm nhận và quay trở lại.
Chị Nguyễn Thị Doanh, người làng An Truyền, cùng chồng bắt đầu làm du lịch trên phá Tam Giang từ nhiều năm trước. “Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa đẹp nhất trong năm, nước mặn lên, tôm cá sinh sôi, trời thì mưa thuận gió hòa, khách đông lắm,” chị Doanh kể. Chị chỉ nấu ăn phục vụ tour nhưng cũng có thể kiếm 300.000 - 400.000 mỗi chuyến, đều đặn hơn cả ngày đi lưới. Làng chài giờ không còn khép kín. Nhà này đông khách thì giới thiệu sang nhà khác, ai cũng chung một niềm vui: Giữ được nghề, giữ được tình.
Anh Đặng An Sinh từng là người lớn lên giữa sóng nước, thuộc lòng từng rặng rừng, từng con lạch. Anh Sinh bảo: “Làm ngư dân cực lắm. Tôi bỏ lưới, học quảng bá du lịch qua mạng xã hội, làm clip, dẫn tour.” Mùa cao điểm thì đưa khách khám phá du lịch, mùa thấp điểm thì xoay sang tour ẩm thực dân dã. Nhờ sự chủ động và học hỏi, tour của vợ chồng anh chị ngày một đông khách, phản hồi tích cực.
Ban đầu, làng An Truyền làm du lịch còn nhiều bỡ ngỡ. Không kinh nghiệm, không quảng bá, khách thưa vắng, thu không đủ bù chi. Nhưng rồi mọi người bắt đầu học hỏi, thấy "KOL" giới thiệu điểm đến bằng video ngắn thì họ cũng tự mày mò làm nội dung, đăng lên Facebook, Zalo. Năm 2024, khách tăng đột biến, doanh thu khởi sắc, và làng chài như sống lại một giấc mơ mới.
Thế nhưng, dân chài hiểu rõ, muốn đi đường dài thì không thể chỉ chăm chăm vào lợi nhuận. Họ bảo nhau giữ gìn cảnh quan, gìn giữ “trời ban” mà phá Tam Giang đang có. Ngày xưa, người vạn đò đã biết thả cá nhỏ về nước để giữ nguồn. Ngày nay, người làm du lịch nhắc nhau, bảo vệ môi trường là giữ kế sinh nhai, giữ niềm tin khách trở lại. Chị Doanh tâm sự: “Ngay cả khi không có khách, bắt được cua, cá còn nhỏ là tụi tui thả lại hết. Phải để dành cho mai sau chứ”.
Từ con nước từng nuôi sống làng chài, nay chính người làng đang học cách nuôi dưỡng lại dòng nước ấy bằng tri thức, tình yêu quê hương và khát vọng phát triển bền vững.
Đầm Chuồn (hay đầm Cầu Hai) nằm ở phía Đông Bắc xã Phú An, huyện Phú Vang, cách trung tâm TP Huế khoảng 12km; có diện tích lên tới 100ha; thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang.
Cận cảnh nhà chồ giữa đầm Chuồn trên phá Tam Giang.
Giá thuê một thuyền du ngoạn trên đầm khoảng 250.000 đồng, có thể chở được 7 - 8 du khách. Nếu ăn uống ở nhà hàng trên đầm, giá thuê chỉ còn 100.000 đồng/thuyền.
Nhịp sống bình dị của cư dân vùng đầm phá Tam Giang.
Khoảng thời gian ngồi trên chiếc thuyền gỗ, chầm chậm xuôi theo dòng nước du ngoạn đầm Chuồn, sẽ khiến bất cứ ai cũng cảm thấy thích thú khi hòa mình giữa không gian khoáng đạt.
Khai thác thuỷ sản bằng Nò sáo là đặc trưng của vùng đầm phá Tam Giang.
Với chi phí thấp, chỉ đầu tư một lần nhưng có thể khai thác lâu dài, đổ Nò là công việc mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân ở nơi đây.
Hiện nay, hệ thống Nò và hoạt động đổ nò còn được người dân An Truyền khai thác vào chương trình tham quan, du lịch ở phá Tam Giang.
Niềm vui của du khách khi thu về những “chiến lợi phẩm” sau một lúc đổ Nò.
Dịch vụ ăn uống trên đầm Chuồn khá đang dạng và phong phú, mức giá cũng rất bình dân.
Hoàng hôn buông xuống có lẽ là thời khắc đẹp nhất, lắng đọng nhất trên phá Tam Giang.
Ánh hoàng hôn thơ mộng mang lại cho những người con xa xứ một nỗi nhớ quê nhà.
Ngoài du lịch di sản, TP Huế đang hướng đến khai thác du lịch tiềm năng sông biển, đầm phá, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần đa dạng hoá, tạo thương hiệu, dấu ấn riêng các sản phẩm du lịch vùng đất Cố đô.
Những năm qua, xã Phú An, huyện Phú Vang đã từng bước đánh thức tiềm năng của vùng ven phá bằng con đường phát triển du lịch cộng đồng. Đây không chỉ là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội việc làm, cải thiện đời sống và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân.
Từ những con đường làng nhỏ hẹp ngày nào, giờ đây Phú An đã khoác lên mình diện mạo mới. Địa phương đã đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông liên thôn, bãi đỗ xe, nhà chờ, sân vườn và mảng xanh. Những hạng mục tưởng chừng đơn giản ấy đã tạo nên nền móng vững chắc để du lịch cộng đồng ở phá Tam Giang khởi sắc, chào đón những đoàn khách thập phương về tham quan, khám phá.
Không ít du khách đã say lòng với những chương trình tour đậm bản sắc quê nhà: Trải nghiệm làng Chuồn (làng An Truyền) mộc mạc mà quyến rũ; theo chân ngư dân đi thả chuôm, đổ nò trên đầm Chuồn; ngồi thuyền ngắm hoàng hôn tím rực phủ lên mặt nước Tam Giang; hay lặng mình giữa rừng ngập mặn, chèo SUP len lỏi qua từng mảng xanh...
Không chỉ dừng lại ở trải nghiệm, du lịch cộng đồng nơi đây còn làm “sống lại” những giá trị truyền thống, giúp người dân gìn giữ văn hóa bản địa qua từng món ăn, từng làn điệu hò, từng ngôi nhà homestay mộc mạc mà đậm tình người. Từng hoạt động đều góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo sinh kế tại chỗ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng trăm hộ dân ven phá.
Điều đáng quý hơn cả là du lịch không khiến người dân xa rời đất mẹ, mà ngược lại, khiến họ yêu hơn từng tấc đất quê hương. Người dân Phú An giờ đây không chỉ là nông dân hay ngư dân, mà còn là những “hướng dẫn viên chân chất”, những người kể chuyện văn hóa sống động nhất. Họ dần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn cảnh quan và những giá trị bản sắc mà cha ông để lại.
Gắn với đó, huyện Phú Vang đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp cùng phát triển du lịch cộng đồng để tạo ra chuyển biến rõ nét về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng ven phá. Từng con sóng trên phá Tam Giang giờ đây không chỉ vỗ nhịp cho cuộc sống mưu sinh, mà còn là nhịp vỗ cho khát vọng đổi thay, cho tương lai ấm no từ chính những gì gần gũi và thân thuộc nhất.
Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn:https://baotintuc.vn/anh-360/anh-360-do-khi-du-lich-cong-dong-tro-thanh-nhip-song-moi-ben-pha-tam-giang-20250511114316150.htm
Bình luận (0)