
Cơ hội tràn đầy
Ngày 25/3/2025, Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 26/3/2025, Bộ Xây dựng công bố 3 bến cảng Quảng Nam (Chu Lai, Kỳ Hà và cảng gas của Công ty TNHH Elf gaz Đà Nẵng) nằm trong số 306 cảng biển trên toàn Việt Nam.
Ngày 3/4/2025, UBND tỉnh cho phép Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (THACO) lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở, cầu kết nối khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa và đường nối Khu công nghiệp (KCN) Việt Hàn với đường Võ Chí Công.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết các quyết định này, nhất là dự án đầu tư luồng Cửa Lở (sẽ được trình trước 30/6/2025), kết hợp cảng biển, sân bay Chu Lai sẽ trở thành cơ hội không thể tốt hơn, tạo động lực đột phá, phát triển, tăng trưởng kinh tế Quảng Nam.
Vị trí địa lý dễ dàng kết nối giao thương đến các KCN, khu kinh tế các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia…, mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á với các hãng tàu quốc tế lớn cập cảng làm hàng mỗi ngày (CMA CGM, APL, ZIM, SICT, COSCO...).
THACO đã xây dựng thành công, hình thành một trung tâm logistics container và cảng Chu Lai là một cảng quốc tế, xuất, nhập khẩu trực tiếp với hệ thống kho bãi, khu vực chuyên dụng, có thể vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế sản lượng lớn. Lợi thế của Chu Lai là khi linh kiện về, những container sẽ được xuất trả thì đã nhận được hàng đối lưu.
Các doanh nghiệp của KCN quanh vùng, chỉ di chuyển khoảng 20 - 50km là đã có thể kết nối với các hãng tàu quốc tế, xuất khẩu đi khắp thế giới, tận dụng các vỏ rỗng này để xuất hàng hóa, chi phí sẽ giảm, rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, tuyến luồng hiện tại chủ yếu phục vụ cho tàu có trọng tải nhỏ, dưới 2 vạn tấn đi lại. THACO từng vụt mất cơ hội khi luồng lạch không đủ độ sâu, rộng để đón được tàu 50.000 DWT cập cảng làm hàng, phải mượn cảng Dung Quất xuất sơ mi rơ moóc sang Mỹ hồi tháng 12/2021.
“Thất bại” này không riêng doanh nghiệp, mà cho cả Quảng Nam trong việc hóa giải giá thành và sự thuận lợi trong chuyện giao nhận, vận chuyển hàng hóa đa phương thức.
Đó là lý do THACO và địa phương đã đặt quyết tâm cao nhất, mở nhiều hội thảo quốc tế, bỏ tiền ra nạo vét luồng Kỳ Hà, đầu tư luồng Cửa Lở để một ngày có đủ năng lực để đón tàu có tải trọng 50.000 DWT, định vị thành cảng biển quốc tế, một trung tâm logistics container hàng đầu khu vực miền Trung tại Chu Lai.
Thống kê cho thấy hệ thống bến cảng các cảng biển phân bố dày đặc miền Trung. Các cảng biển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có đủ khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT (chuyên dụng đến 90.000 DWT). Liệu cảng biển Quảng Nam đủ sức để cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần logistics?
Sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh
Lịch sử cho thấy cảng biển hay một trung tâm logistics chỉ hình thành, phát triển khi có một vùng hậu xứ đủ lớn, có nhiều dòng chảy kinh tế. Một khi có lượng chân hàng lớn, hấp dẫn thu hút đầu tư thì mới có thể kéo giá vận chuyển xuống.

Trong cuộc cạnh tranh này chất lượng, chi phí dịch vụ logistics sẽ quyết định sự thành bại của cảng biển hay của một trung tâm logistics. Sự dày đặc các khu kinh tế và KCN không phải là bảo chứng cho vùng này đã có một “hậu phương công nghiệp mạnh”.
Theo các chuyên gia kinh tế, vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Băng Cốc, Myanmar... với tài nguyên khoáng sản, cây công nghiệp, hoa quả ôn đới... sẽ là một hậu xứ mạnh. Logistics Quảng Nam đang có lợi thế này khi THACO không chỉ đủ năng lực sản xuất, cung cấp hàng xuất, nhập khẩu qua cảng, tích hợp tất cả loại hình dịch vụ chuyên biệt thành dịch vụ logistic trọn gói.
Theo dự báo của THACO, năm 2025 sẽ có khoảng 5,5 triệu tấn hàng qua cảng và đến năm 2030 sẽ đạt đến 8,5 - 10,25 triệu tấn/năm qua cảng. Tổng công ty giao nhận vận chuyển (Thilogi - tập đoàn thành viên của THACO) đã mở tuyến mới vận chuyển trái cây từ Lào về cảng qua Cửa khẩu Nam Giang.
Họ lên kế hoạch khai thác nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu từ cao nguyên Boloven (Lào) ở các vùng trồng cà phê, hồ tiêu, dược liệu... tại Sê Kông, Champasack, Salavan, các nông trường chuối, dứa, thanh long tại Attapeu và các vùng trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, nhãn… ở các tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Charoen… (Thái Lan).
Sản lượng nông sản (cây trồng, con vật nuôi) mà THACO tiếp quản từ các dự án của Hoàng Anh - Gia Lai tái cấu trúc, sẽ được vận chuyển về Chu Lai để hình thành trung tâm chế biến sâu mảng nông nghiệp - một trung tâm chế biến sâu về nông nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện thời.
Lượng nông sản, khoáng sản từ Cửa khẩu Nam Giang về cảng Chu Lai xuất đi quốc tế sẽ ngày càng gia tăng. Tất cả những yếu tố đó hội tụ, sẽ giúp hình thành cảng biển lớn và một trung tâm logistics container tại Chu Lai là chuyện không hề xa vời.
Thực hiện chiến lược đầu tư phát triển thành một trung tâm logistics quốc tế đa dụng, chuyên dụng về container Chu Lai, kế hoạch của Thilogi là đầu tư tàu container có sức chở lớn, mở rộng bãi container lạnh, bổ sung thêm tàu lai dắt công suất lớn, đầu tư thiết bị xếp dỡ và vận chuyển tại cảng quốc tế Chu Lai.
Mở thêm nhiều tuyến hàng hải quốc tế mới, đầu tư hơn 300 phương tiện chuyên dụng phục vụ vận chuyển trái cây tươi xuất khẩu, thành lập các công ty liên vận Đông Dương, vận chuyển đường bộ kết nối hàng hóa từ các tuyến Lào, Campuchia, Tây Nguyên về cảng Chu Lai xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư cảng cạn, thành lập depot cung cấp các dịch vụ kho, bãi, điểm tập kết kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, các trạm sửa chữa, tạm nhiên liệu, các dịch vụ phụ trợ... tại Cửa khẩu Nam Giang.
Ông Bùi Minh Trực - Tổng Giám đốc Thilogi nói, nhằm tiết giảm chi phí ngang bằng hai miền Nam - Bắc, Thilogi sẽ gia tăng đầu tư hạ tầng, phương tiện thiết bị, hoàn thiện mạng lưới tuyến trạm kết nối từ đường bộ, cảng biển - kho hàng, vận chuyển đường biển nội địa và quốc tế, hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics, kiểm soát toàn chuỗi dịch vụ từ kho nhà cung cấp đến kho nhà máy, đảm bảo tối ưu hóa chi phí.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dinh-vi-trung-tam-logistics-container-mien-trung-tai-chu-lai-3152503.html
Bình luận (0)