
“Cởi trói” thủ tục hành chính
Việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ loại bỏ các tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí không chính thức và tăng hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tà Đùng, Công ty TNHH MTV Du lịch Phú Cường Tà Đùng Tourist kỳ vọng, mô hình chính quyền 2 cấp sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối tour tuyến, khai thác điểm đến. Đồng thời, tiếp thêm các chính sách hỗ trợ và cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Hà - Giám đốc công ty chia sẻ: “Đây là một sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi từ lâu. Chúng tôi tin rằng mô hình mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách cũng như thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn”.
Theo nhiều doanh nghiệp, trước đây, các thủ tục hành chính thường phải qua 3 cấp chính quyền (xã - huyện - tỉnh), khiến quy trình kéo dài và có nguy cơ phát sinh chi phí không chính thức. Thậm chí khi thủ tục chậm khiến doanh nghiệp mất “lửa” hoặc mất cả cơ hội đầu tư. Việc tinh gọn bộ máy chỉ còn hai cấp (tỉnh và xã) sẽ góp phần cắt giảm thời gian, chi phí; đồng thời, hạn chế trạng thái “chạy lòng vòng”, gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Long - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, xã Tuy Đức nhận định, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp minh bạch hơn, rút ngắn thời gian hơn, đây chính là một điểm cộng lớn. Giờ gặp chuyện gì, doanh nghiệp có thể gọi trực tiếp đến lãnh đạo xã là có thể giải quyết được ngay.
Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy, phân cấp rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong các vấn đề về đất đai, lao động, thủ tục đầu tư… “Chúng tôi kỳ vọng bộ máy mới hoạt động hiệu lực, minh bạch, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững tại địa phương”, ông Long chia sẻ.
Tính đến hết quý II/2025, tăng trưởng GRDP của Lâm Đồng đạt 5,97%. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,83%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,14%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,79%.
Số hóa hành chính
Một điểm thuận lợi lớn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang gắn liền với xu hướng số hóa mạnh mẽ.
Hiện nay, phần lớn thủ tục về thuế, đăng ký doanh nghiệp, kể cả thuế thu nhập cá nhân hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đều có thể thực hiện trực tuyến. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp có thể vận hành bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các TTHC nhanh chóng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đến nay, Sở Công thương Lâm Đồng đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành mới 28 TTHC. Tất cả đều được công khai thủ tục, thành phần hồ sơ, phí, lệ phí, hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu cho người dân, doanh nghiệp, thời gian giải quyết được rút ngắn.
Đơn vị đã hướng dẫn doanh nghiệp cách thức nộp hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Thông tin được cung cấp rộng rãi bằng nhiều hình thức như: gửi trực tiếp đến doanh nghiệp, hệ thống zalo nhóm doanh nghiệp, đăng tải trên trang thông tin điện tử… Từ đó giúp doanh nghiệp thuận tiện khi thực hiện các TTHC trực tuyến.
Theo các chuyên gia, việc vận hành chính quyền 2 cấp được xem là giải pháp tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực quản lý, tối ưu nguồn lực và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây cũng là yếu tố góp phần cải thiện các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như: chỉ số về tiếp cận đất đai, thời gian, chi phí không chính thức, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Với cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng, việc vận hành chính quyền hai cấp sẽ là cơ hội để bứt phá, để tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo có được môi trường phát triển lành mạnh và ngày càng hiệu quả.
Nguồn: https://baolamdong.vn/doanh-nghiep-lam-dong-ky-vong-tu-chinh-quyen-2-cap-382030.html
Bình luận (0)