Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp "lớn" cùng thương mại điện tử

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ trong xu hướng chuyển đổi số thì việc ứng dụng thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh mở rộng kênh phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk07/07/2025

Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, buộc doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi để tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững hơn. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) đã chứng minh là một kênh phân phối đầy tiềm năng, mở ra không gian rộng lớn cho các DN, hợp tác xã tiếp cận thị trường.

Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến nông sản Hà Chuẩn (xã Ea Kar) là DN chuyên thu mua sản phẩm nông sản như mắc ca, điều, hạnh nhân, hạt óc chó… để chế biến thành các loại bánh cung cấp cho hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến nông sản Hà Chuẩn cho biết, khi TMĐT phát triển mạnh mẽ, bà cũng đã suy nghĩ phải chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh của mình để phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

Năm 2023, từ hộ kinh doanh, bà đã thành lập công ty, đồng thời đầu tư bài bản hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện, sản phẩm bánh hạt cao cấp và hạt mắc ca của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Doanh nghiệp Đắk Lắk livestream bán sản phẩm cà phê trên nền tảng TikTok. Ảnh: Mai Dung

Để tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường, bà Hà đã mày mò xây kênh bán hàng trên TikTok nhưng mãi không thành công. Bà nhận ra rằng, để DN phát triển, ngoài năng lực sản xuất tốt còn cần đầu tư chỉn chu về thương mại. Bà đã tích cực mang sản phẩm đến các hội chợ, tham gia tập huấn bán hàng livestream trên sàn TMĐT, sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch… Mới đây, bà Hà được Sở Công Thương hỗ trợ tham gia một phiên livestream kéo dài 30 phút trên nền tảng TikTok; qua đó đã giúp bà không chỉ bán được hàng mà còn có thêm kinh nghiệm về giới thiệu sản phẩm, lồng ghép thông điệp, kết nối với khách hàng khi bán hàng trực tuyến.

 

“Giai đoạn 2026 – 2030 là thời điểm sau sáp nhập các tỉnh thành, Chính phủ sẽ có nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động TMĐT, tạo động lực phát triển mới cho các DN vừa và nhỏ. Do đó, DN cần chủ động theo dõi, nắm bắt các chính sách của địa phương để tận dụng cơ hội cải thiện nguồn lực, ứng dụng tốt TMĐT, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững" - Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên .

Tương tự, các sản phẩm nông sản sấy thăng hoa của Công ty Cổ phần Nông sản N&H (phường Buôn Ma Thuột) không chỉ được bán trực tiếp tại cửa hàng và đại lý phân phối mà hiện còn được giới thiệu và bán trên các sàn TMĐT như TikTok, Shopee, Facebook…

Theo bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H, hoạt động bán hàng trực tuyến của công ty tuy chưa vận hành chuyên nghiệp, hiện mỗi phiên livestream chỉ kéo dài khoảng 60 phút, chủ yếu giới thiệu sản phẩm nhưng bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực khi đã có nhiều khách hàng biết đến và đặt mua hàng. Ngay trong lần đầu tiên livestream, công ty đã “chốt” được hơn 10 đơn hàng.

Để phát triển kênh bán hàng trên các sàn TMĐT, gần đây bà Hường còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc thiết kế, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm của công ty nhằm tăng độ nhận diện và khả năng tiếp cận khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào hoạt động vận hành, bán hàng nhằm tinh gọn quy trình, giảm chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Văn Kiều cho biết, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các DN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, thương mại. Qua đó đã tạo ra nhiều thuận lợi cho DN trong việc quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT của các DN trong tỉnh hiện nay còn hạn chế. Bởi đa phần DN có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động số hóa còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, cộng đồng DN rất cần sự đồng hành, quan tâm của các sở, ngành, địa phương về những chính sách hỗ trợ, nâng cao kiến thức và kỹ năng để có thể “lớn lên” theo nhịp chuyển đổi số và hội nhập với nền kinh tế số toàn cầu.

Các nhà sáng tạo nội dung hướng dẫn doanh nghiệp Đắk Lắk thực hành livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Mai Dung

Theo ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đắk Lắk là địa phương có thế mạnh về các sản phẩm nông sản đặc trưng (cà phê, hồ tiêu, sầu riêng…) nên việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ trong tỉnh có thể mở rộng hoạt động giao thương và thúc đẩy xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ các cơ sở, DN, hợp tác xã trong tỉnh phát triển TMĐT như: mở các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và quảng bá sản phẩm; tổ chức kết nối giao thương trực tuyến với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ livestream bán hàng và đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT… Từ đó, giúp DN cắt giảm chi phí, mở rộng cơ hội kinh doanh và góp phần đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho hay, để giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan (như Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các chuyên gia, đơn vị giải pháp chuyển đổi số…) nghiên cứu, xây dựng những giải pháp, hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tiễn để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN trong việc nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng về TMĐT. Trong đó, chú trọng kết hợp với các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ về công nghệ để hỗ trợ cộng đồng DN giải quyết “điểm nghẽn” nhân sự trong lĩnh vực này.

Tuyết Mai - Thùy Dung

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/doanh-nghiep-lon-cung-thuong-mai-dien-tu-4540b93/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm