Khơi nguồn cho nhiều ý tưởng kinh doanh
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định rằng Việt Nam đang chứng kiến một bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng, sửa đổi và ban hành chính sách, pháp luật – với một "tốc độ nhanh chưa từng có".
Ông đặc biệt ấn tượng với những thay đổi trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân – một chuyển biến mang tính đột phá trong tư duy phát triển, khi đặt mục tiêu tạo lập một sân chơi công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Theo đó, năng lực và khả năng của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công trên thị trường.
Ngày 15/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thông qua Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Dự thảo đề xuất hàng loạt chính sách đặc biệt như cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng, mua sắm công; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực; và hình thành các doanh nghiệp vừa, lớn, doanh nghiệp đầu tàu.
Cùng với Nghị quyết 68, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật cũng thể hiện rõ nét một xu hướng chuyển đổi từ việc tháo gỡ rào cản sang chủ động tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, tinh thần cởi mở trong chính sách hiện nay đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp mạnh dạn nghĩ lớn, làm lớn – nhiều ý tưởng kinh doanh từng bị “đóng băng” vì rào cản pháp lý trước đây, nay đang được khơi thông.
Ông nhấn mạnh: “Tinh thần cởi mở trong chính sách đang khơi nguồn cho rất nhiều ý tưởng kinh doanh mới, mở lối cho sự hình thành và phát triển của nhiều ngành nghề tiềm năng”.
Không chỉ dừng lại ở hai nghị quyết nêu trên, thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật trong nước cũng có nhiều điều chỉnh quan trọng liên quan đến thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tiêu thụ đặc biệt, các quy định về môi trường, đầu tư – hỗ trợ doanh nghiệp, thương mại điện tử, bảo vệ người bán nhỏ lẻ, cũng như cải cách thủ tục đất đai và quy hoạch. Giới chuyên gia đánh giá những điều chỉnh này như một "la bàn pháp lý", giúp doanh nghiệp định hướng rõ ràng, kịp thời thích ứng, cập nhật chiến lược và tận dụng cơ hội từ làn sóng chính sách mới.
Sự dịch chuyển chính sách đã có tác động tích cực rõ rệt. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp từng phải rút lui khỏi thị trường (bình quân 4 tháng đầu năm 2025, mỗi tháng có trên 24.100 doanh nghiệp dừng hoạt động), thì cùng khoảng thời gian này, hơn 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có gần 22.500 doanh nghiệp mới gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường – một chỉ dấu cho thấy niềm tin đang dần phục hồi.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, những nỗ lực cải cách gần đây của Chính phủ cũng nhận được đánh giá tích cực. Trong Sách trắng 2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các sáng kiến cải cách thể chế, đặc biệt là việc sửa đổi gần 30 luật và triển khai mô hình “một luật sửa nhiều luật” nhằm đơn giản hóa quy định pháp lý, đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Đồng thời, việc tinh giản bộ máy quản lý từ cấp bộ đến cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả quản trị công cũng được đánh giá là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hiểu đúng, làm đúng để tránh rủi ro
Khảo sát mới nhất từ EuroCham cho thấy cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển dài hạn tại Việt Nam. Có tới 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ thuận lợi trong 5 năm tới và bày tỏ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Niềm tin này là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, nhưng để biến kỳ vọng thành hiện thực, cộng đồng doanh nghiệp – đặc biệt là các nhà đầu tư – cần được hỗ trợ tốt hơn trong việc nắm bắt và áp dụng các quy định pháp luật mới. Việc hiểu đúng, làm đúng không chỉ giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro, mà còn tạo điều kiện để chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Trên thực tế, nhiều quy định hiện hành vẫn còn chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất khi triển khai tại các địa phương. Đơn cử như lĩnh vực đầu tư sân golf – một loại hình kinh doanh mang tính đặc thù cao – hiện vẫn gặp nhiều lúng túng.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chỉ ra rằng, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và cách thức tiếp cận đất đai đối với loại dự án này chưa được quy định thống nhất. Tại một số địa phương, cách hiểu và cách làm trong triển khai dự án sân golf có thể rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, dẫn đến khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý.
Theo ông Tuấn, điều cần thiết hiện nay là làm rõ: liệu việc tiếp cận đất đai có thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi hay không; cơ chế lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu hay chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi những điểm cốt lõi này còn thiếu nhất quán, các dự án sẽ rất khó đi vào triển khai ổn định và minh bạch.
Không chỉ riêng lĩnh vực sân golf, toàn bộ khối doanh nghiệp hiện cũng đang đối mặt với những thay đổi lớn trong chính sách pháp luật, đặc biệt khi Luật số 57/2024/QH15 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.
Đây là đạo luật sửa đổi, bổ sung 4 luật quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chi nhánh TP.HCM – cho biết, các điều chỉnh trong luật lần này mang lại nhiều cải cách tích cực, song đồng thời cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt thông tin, rà soát lại toàn bộ quy trình, hoạt động của mình để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Theo ông Bắc, trong bối cảnh pháp lý liên tục cập nhật, điều quan trọng là doanh nghiệp không chỉ cần một bộ phận pháp chế đủ mạnh mà còn phải xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, từ sớm và từ xa. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách kịp thời.
Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là "hiểu đúng" mà còn là "hiểu sâu", "hiểu đủ", đặc biệt với các quy định mới hoặc có tính liên ngành. Mỗi chính sách, nếu được truyền đạt rõ ràng, minh bạch và có hướng dẫn cụ thể, sẽ mở ra cơ hội phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp. Và ngược lại, nếu thiếu sự đồng hành từ phía cơ quan chức năng trong việc phổ biến và hướng dẫn thực hiện, không ít doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa – sẽ gặp lúng túng, dễ rơi vào thế bị động.
Rõ ràng, để môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn và bền vững, không chỉ cần chính sách tốt mà còn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, giúp từng quyết sách thực sự đi vào cuộc sống – đúng hướng, đúng đối tượng và đúng kỳ vọng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-truoc-nguong-cua-co-hoi-tu-nhung-chuyen-bien-chinh-sach-252779.html
Bình luận (0)