Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp tư hưởng loạt cơ chế đặc thù: "Thời khắc phá băng lịch sử"

(Dân trí) - Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân là bước ngoặt thể chế mang tính lịch sử, không phải vì lời lẽ mỹ miều, mà vì chạm đúng những điểm nghẽn doanh nghiệp mắc kẹt lâu nay.

Báo Dân tríBáo Dân trí18/05/2025

1.webp

Quan điểm này được ông Trần Khắc Tâm, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Vui mừng, tin tưởng và kỳ vọng là những cảm xúc mà một lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như ông Tâm nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung cảm nhận được, khi chứng kiến thời khắc lịch sử nghị quyết này được thông qua.

2.webp

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân với tỷ lệ đồng thuận cao. Là một thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, ông có cảm xúc gì khi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho khu vực kinh tế tư nhân với rất nhiều định hướng, chính sách mang tính đột phá lần này?

- Tôi cảm thấy đây là một thời khắc "phá băng" thật sự. Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực kinh tế tư nhân không còn đứng bên lề trong các quyết sách chiến lược, mà được Đảng khẳng định là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc dân.

Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68 cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam, đồng thời đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước.

Điều này không chỉ là sự ghi nhận mà còn là giúp khơi dậy niềm tin, là liều thuốc tinh thần với cộng đồng doanh nhân đang gồng mình vượt qua muôn vàn thách thức.

3.webp

Mới đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có bài viết "Động lực mới phát triển kinh tế". Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hoạt động sản xuất vật chất như nền tảng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn tạo hành lang chính trị rõ ràng để doanh nghiệp tư nhân phát triển, tự tin, tự trọng và tự lực.

Có lẽ, chúng tôi chưa bao giờ thấy mình được đứng gần như vậy trong dòng chảy chiến lược của đất nước.

Cá nhân ông vừa là một lãnh đạo doanh nghiệp, vừa là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương, ông ấn tượng với những định hướng đột phá nào được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ nêu ra trong chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân?

- Tôi đặc biệt ấn tượng với các chính sách mang tính nền tảng và cốt lõi, đó là bảo đảm đầy đủ quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Những nội dung này thực ra đã được ghi nhận từ lâu, song trên thực tế vẫn tồn tại không ít rào cản, gây hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp.

Cùng với chính sách về mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư nhân, những đột phá trong định hướng xử lý vi phạm là những thay đổi vừa căn cơ, vừa thực tế, tạo nền tảng pháp lý và tâm lý vững chắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới và hội nhập.

Chúng ta đã nghe nói nhiều tới nỗi sợ rủi ro pháp lý, nỗi lo bị thanh kiểm tra tràn lan của các doanh nghiệp. Nhưng nghị quyết mới đã hóa giải nỗi sợ này bằng yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; chuyển toàn bộ thủ tục hành chính sang hậu kiểm (trừ lĩnh vực đặc biệt), cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí tuân thủ.

4.webp

Đây là những chính sách rất cụ thể, đòi hỏi các cơ quan thực thi không chỉ nói mà phải làm, không thể "trên rải thảm, dưới rải đinh" như lâu nay.

Về lâu dài, theo tôi, cần sớm có đạo luật riêng về phát triển kinh tế tư nhân để thể chế hóa một cách đầy đủ các chính sách ở tầm luật để tạo hành lang pháp lý cụ thể hơn, rõ ràng hơn, vững chắc hơn cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, luật này cần xác lập các quyền về tiếp cận nguồn lực, quyền bảo hộ tài sản, quyền được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, và cả nghĩa vụ minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân vừa được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ chính sách xử lý vi phạm theo hướng kiên quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; ưu tiên áp dụng biện pháp kinh tế, hành chính để khắc phục sai phạm trước khi xem xét xử lý hình sự.

Trường hợp nằm ở ranh giới giữa xử lý hoặc không xử lý hình sự, thì kiên quyết không xử lý hình sự. Nếu đến mức phải xử lý hình sự, vẫn phải ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để xem xét, giải quyết các bước tiếp theo, theo hướng xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp đã tích cực khắc phục hậu quả.

Đây là nội dung đột phá và có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn để các doanh nghiệp có thể yên tâm trong hoạt động. Chính sách này cũng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

5.webp

Định hướng mới trong xử lý vi phạm theo hướng ưu tiên biện pháp xử lý hành chính, kinh tế, dân sự thay vì xử lý hình sự, theo ông, có đủ mạnh để giúp doanh tự tin hơn, yên tâm hơn trong các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh?

- Trước hết, đây là một chủ trương quan trọng, một cam kết mạnh mẽ, tạo nền tảng để kinh tế tư nhân có bước phát triển đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân lâu nay luôn sống trong "vùng xám pháp lý" - làm đúng thì không ai ghi nhận, làm sai thì bị khởi tố.

Chúng tôi không bênh vực cho các hành vi trục lợi, nhưng thực tế rất nhiều sai sót xuất phát từ thay đổi chính sách, từ diễn giải khác nhau của luật, hoặc do quy định của hệ thống pháp luật chưa rõ ràng.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đã nêu một nguyên tắc rất tiến bộ: "Nếu quy định pháp luật nằm ở ranh giới xử lý hình sự cũng được, hoặc không xử lý hình sự cũng được, thì cương quyết không hình sự hóa".

Đây là bước ngoặt chính trị quan trọng, nhưng để thành hiện thực, phải có những bước thể chế hóa cụ thể. Theo đó, cần phải sửa Bộ luật Hình sự theo hướng loại bỏ các hành vi kinh tế thuần túy ra khỏi phạm vi hình sự hóa, chỉ giữ lại các hành vi gian lận có yếu tố cố ý, tinh vi, lặp đi lặp lại.

6.webp

Tôi cũng muốn kiến nghị ban hành một nghị quyết liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về hướng dẫn phân biệt rõ hành vi kinh tế - dân sự - hình sự; hoặc quy định nguyên tắc "ưu tiên khắc phục hậu quả kinh tế trước khi xử lý hình sự" thành điều khoản bắt buộc trong luật. Ngoài ra, cần sớm áp dụng nguyên tắc "suy đoán vô tội" và "không hồi tố bất lợi" trong mọi tranh chấp kinh tế...

Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm rủi ro pháp lý, để doanh nghiệp có thể chủ động phòng tránh thay vì bị động "chịu trận".

Trước đây, doanh nghiệp được coi như một đối tượng để quản lý, nhưng với tư duy mới, Bộ Chính trị xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước. Theo ông, việc không còn đặt nặng vấn đề quản lý theo kiểu cũ sẽ tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân như thế nào để thoát khỏi những trói buộc kìm kẹp lâu nay?

- Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua khẳng định một cách mạnh mẽ rằng doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh, được hưởng sự bình đẳng trong môi trường cạnh tranh.

Tất cả các cơ chế, chính sách mới được xây dựng đều dựa trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; mọi chính sách được thiết kế ra phải xoay quanh việc phục vụ, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp tư nhân cũng được tạo điều kiện tham gia vào những dự án lớn, dự án mang tính chiến lược, dự án quan trọng của quốc gia.

Có lẽ, đây là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế, từ việc kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" - một tư duy an toàn nhưng kìm hãm sự phát triển, cho đến việc cải cách, đổi mới và tháo gỡ nhiều rào cản, nhằm  kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, để dòng chảy kinh tế được lưu thông một cách tự nhiên.

Một khi tư duy "quản lý" được thay bằng "hỗ trợ, đồng hành", trở thành đối tác để cùng Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước, doanh nghiệp sẽ giảm được rủi ro bất định - điều lâu nay khiến không ít doanh nghiệp chùn tay.

7.webp

Hiện nay, nhiều địa phương, sở ngành vẫn coi doanh nghiệp là đối tượng dễ nghi ngờ, dễ bắt bẻ. Nhưng với nghị quyết lần này, với những quy định cụ thể như mọi thủ tục chuyển sang hậu kiểm; cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm nếu để chậm trễ gây thiệt hại cho doanh nghiệp; gắn trách nhiệm cán bộ với kết quả hỗ trợ doanh nghiệp... thì đây, là một sự thay đổi thực chất.

Nghị quyết của Quốc hội đề ra nhiều chính sách về cách thể chế, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực. Thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp, đâu là những rào cản lớn nhất mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt? Ông cho rằng những giải pháp đột phá trong nghị quyết vừa ban hành sẽ giúp tháo gỡ những rào cản đó như thế nào?

- Cá nhân tôi cho rằng với doanh nghiệp tư nhân, ba nút thắt lớn nhất hiện nay là: vốn - đất đai - thị trường. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra giải pháp cụ thể cho cả ba nút thắt trên.

Về vốn, nghị quyết mới đã yêu cầu cải cách mạnh quỹ bảo lãnh tín dụng; khuyến khích tín dụng chuỗi cung ứng; hoàn thiện pháp lý cho fintech (công nghệ tài chính), gọi vốn cộng đồng; miễn thuế cho quỹ đầu tư mạo hiểm... Đây là các kênh vốn mới rất đáng kỳ vọng.

Về đất đai, nghị quyết quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất ưu tiên cho start-up tại các khu công nghiệp (5-10%), hỗ trợ giảm giá thuê đất, khấu trừ thuê đất cho nhà đầu tư hạ tầng nếu cho doanh nghiệp nhỏ thuê rẻ.

Về thị trường, nghị quyết yêu cầu thúc đẩy nội địa hóa, liên kết chuỗi giá trị, yêu cầu FDI chuyển giao công nghệ, có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp lớn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi.

Nếu các chính sách này được triển khai thực chất, tôi tin rằng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, rào cản lâu nay khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển như kỳ vọng.

8.webp

Việc tăng cường liên kết giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu lần này được đề cập như một giải pháp quan trọng. Thực tế lâu nay liên kết giữa các doanh nghiệp đang là một khâu yếu. Với định hướng cụ thể lần này, ông cho rằng việc liên kết giữa các doanh nghiệp nên được thúc đẩy thế nào để hình thành được những "con chim đầu đàn" có sức mạnh lớn?

- "Chim đầu đàn" không thể tự nhiên sinh ra mà phải có hệ sinh thái để bay được. Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam vẫn "đơn độc", thiếu vệ tinh, thiếu chuỗi.

Nghị quyết 68 đã xác định rõ: doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm dẫn dắt chuỗi cung ứng. Để cụ thể hóa, tôi cho rằng, Nhà nước dành ưu đãi tín dụng, thuế cho doanh nghiệp lớn nếu họ ký hợp đồng đặt hàng lâu dài với doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Bên cạnh việc cho phép doanh nghiệp nhỏ được đào tạo, sử dụng kỹ sư, công nghệ, nhà xưởng của doanh nghiệp lớn với chính sách hỗ trợ, cần xây dựng tiêu chí đánh giá doanh nghiệp "dẫn dắt" để có cơ chế tôn vinh, ưu đãi và bảo vệ chính sách ổn định lâu dài cho họ.

9.webp

Lần này, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp khoảng 55-58% GDP. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, có 3 trụ cột cần ưu tiên là: thể chế pháp lý ổn định - tài chính sẵn sàng - nhân lực chất lượng cao.

Về pháp lý, cần sớm ban hành Luật phát triển kinh tế tư nhân, đảm bảo các quyền kinh doanh, quyền tài sản, quyền tiếp cận nguồn lực, cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh và công bằng.

Về tài chính, cần hình thành hệ sinh thái vốn nhiều tầng - ngân hàng, quỹ bảo lãnh, fintech, quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán riêng cho start-up.

Về nguồn nhân lực, cần đầu tư mạnh vào chương trình đào tạo doanh nhân, kỹ năng số, quản trị hiện đại. Nghị quyết của Quốc hội nêu mục tiêu bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030, tôi cho rằng đây là hướng đi rất đúng đắn.

Để nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống. Ở phía các cơ quan quản lý cần nhanh chóng cụ thể hóa, thể chế hóa những định hướng lớn thành quy định của pháp luật. Còn về phía doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

- Đảng, Nhà nước đã mở đường bằng những chính sách tiến độ, đột phá thì doanh nghiệp cũng không thể chỉ đứng chờ chính sách rót xuống, mà phải chủ động chuẩn bị tận dụng cơ hội mới.

Trước hết, các doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ mô hình quản trị, tài chính, pháp lý của mình để đảm bảo minh bạch, tuân thủ và sẵn sàng cho các cơ hội mới. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia các chương trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, đào tạo nhân lực vừa được Quốc hội trao cho.

10.webp

Về phía các doanh nghiệp lớn, nên mạnh dạn xây dựng hệ sinh thái vệ tinh, tạo chuỗi liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó gia tăng nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất và nâng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ cần chủ động kết nối, học hỏi, cải tiến để tham gia chuỗi. Cả hai nhóm đều phải xác định tư duy "liên kết là sống còn".

Với tư cách là Hiệp hội doanh nghiệp, chúng tôi sẽ không chỉ phản ánh kiến nghị mà còn tổ chức các chương trình huấn luyện, đào tạo CEO, hướng dẫn thủ tục tiếp cận vốn, đất, các chương trình ưu đãi; đồng thời, định kỳ xây dựng báo cáo chuyên đề đánh giá thực thi nghị quyết này tại địa phương, gửi kiến nghị chính sách lên các cơ quan Trung ương.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân là thời cơ vàng, nhưng cũng là thử thách vàng để chứng minh khu vực kinh tế tư nhân đã trưởng thành, đủ bản lĩnh để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nghị quyết này là một bước ngoặt thể chế mang tính lịch sử. Không phải vì lời lẽ mỹ miều, mà vì nó chạm đúng vào những điểm nghẽn mà doanh nghiệp tư nhân đang mắc kẹt lâu nay: từ tư duy quản lý lỗi thời, cơ chế "xin - cho", đến nỗi lo hình sự hóa sai sót, rào cản đất đai, vốn và thiếu một sân chơi bình đẳng trong cạnh tranh.

Nhưng chính sách tốt mà không được sử dụng đúng cách thì cũng như "để vàng trong két mà không tiêu được". Vấn đề hiện nay nằm ở sự chậm trễ trong thể chế hóa - từ lời nói thành luật, từ nghị quyết thành thủ tục cụ thể, và bên cạnh đó là thực trạng  "sợ trách nhiệm" ở nhiều cấp thực thi, dẫn tới "trên trải thảm, dưới rải đinh".

11.webp

Và quan trọng nhất, có phần từ sự thụ động của chính doanh nghiệp tư nhân khi một bộ phận vẫn ngại thay đổi, sợ minh bạch, ngại đầu tư dài hạn, chưa coi trọng liên kết và trách nhiệm xã hội.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp phải coi nghị quyết này như một "bản cam kết hai chiều", Nhà nước đã sẵn sàng thay đổi để đồng hành, thì doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng trưởng thành. Đó là con đường duy nhất để kinh tế tư nhân trở thành động lực mạnh mẽ, quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-tu-huong-loat-co-che-dac-thu-thoi-khac-pha-bang-lich-su-20250517084609088.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm