Vì thế, phải có Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đầy đủ các tiêu chí cả về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, nhân lực và tiềm lực tài chính để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan về việc doanh nghiệp có được tham gia hay không.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nhiều doanh nghiệp tư nhân xin được tham gia đầu tư xây dựng. (Ảnh minh họa)
Tín hiệu tích cực
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam đánh giá cao việc các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia đăng ký làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
“Tôi ủng hộ việc để các doanh nghiệp tư nhân tham gia làm đường sắt tốc độ cao vì nếu dồn hết cho Nhà nước thì sẽ là gánh nặng, trong khi chúng ta có nhiều doanh nghiệp tư nhân có khả năng về kinh tế và kinh nghiệm, đủ sức làm dự án trọng điểm này. Ngoài ra, Nghị định 68 cũng đã ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những công trình lớn của Nhà nước, ví dụ như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, đại biểu Huân nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất được tham gia triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ đội ngũ tư nhân sẵn sàng gánh vác công việc lớn của đất nước. Đồng thời điều này cũng chứng minh bản lĩnh, sự tự tin, chủ động của những doanh nghiệp này trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương này nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh thêm những yêu cầu mang tính cốt lõi khi để doanh nghiệp tư nhân thực hiện một dự án hạ tầng quốc gia quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ông Cường khuyến cáo, do đây là công trình trọng điểm, hạ tầng "xương sống" của quốc gia nên dù tư nhân bỏ tiền ra vẫn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định Nhà nước. “Những công trình quan trọng quốc gia, dù hình thức nào chăng nữa cũng đều dựa trên các nguyên tắc Nhà nước quản lý”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Theo ông Cường, vấn đề quan trọng nhất là phải đúng nghĩa nhà đầu tư trong nước, chứ không phải nhà đầu tư trong nước nhưng lại đi nhập khẩu các sản phẩm, các cấu phần nước ngoài về và chỉ lắp ráp, gia công. “Như vậy, không đạt được mục tiêu”, ông Cường nhìn nhận.
“Chúng ta cần quan tâm tới việc nhà đầu tư đó có cam kết nội địa hóa hay không, có liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác trong nước để bắt tay sản xuất các cấu phần, phụ kiện, thiết bị dựa trên cơ sở công nghệ của nước ngoài không? Đây là mục tiêu và điều kiện quan trọng nhất khi xem xét có chấp nhận cho nhà đầu tư trong nước thực hiện hay không?”, đại biểu khuyến cáo.
Không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng đủ điều kiện
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất, việc chọn doanh nghiệp tư nhân được tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải có tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định và phải do Hội đồng của Quốc gia đưa ra. Vì không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng đủ điều kiện để tham gia dự án này. Nên nếu sớm có tiêu chí công khai thì sẽ hạn chế được việc doanh nghiệp ồ ạt đăng ký, gây mất thời gian của chính doanh nghiệp.

Việc chọn doanh nghiệp tư nhân được tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải có tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định và phải do Hội đồng của Quốc gia đưa ra. (Ảnh minh họa)
Ông Huân dẫn chứng, theo thông lệ quốc tế, nếu muốn chọn ai triển khai những dự án lớn thì các nước sẽ đưa ra một số tiêu chí trước khi đấu thầu TOR (Terms of Reference - các chi phí cần thiết để chuẩn bị hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các công việc liên quan, được thực hiện trước khi diễn ra đấu thầu chính thức). Từ đó, Nhà nước mới biết và chọn nhà thầu nào và nhắm đến mục đích như thế nào.
Vì thế theo ông Huân, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ cũng nên đưa ra một số tiêu chí cụ thể để dễ dàng lựa chọn doanh nghiệp tư nhân được tham gia dự án.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, để lựa chọn doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án, nhất định phải chọn những doanh nghiệp có đủ tiềm lực, năng lực về con người và tài chính.
“Dù chọn ai thì đó cũng phải là những doanh nghiệp có tiềm lực. Phải xem xét, đánh giá doanh nghiệp có quy mô tài chính như thế nào, rồi tiến độ thời gian thi công ra sao, kinh nghiệm đến đâu. Đây là những điều kiện hết sức cần thiết”, đại biểu Hoà nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hoan nghênh việc huy động kinh tế tư nhân tham gia các cái dự án lớn của đất nước và không nên chỉ dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài như lâu nay.
“Tuy nhiên, đây là một tín hiệu rất tốt nhưng cũng cần phải cân nhắc đến năng lực của doanh nghiệp đó có phù hợp hay không. Chúng ta huy động mọi nguồn lực trong nước nhưng cần phải có một hội đồng chuyên môn cao để thẩm định năng lực của những doanh nghiệp này”, ông Doanh đồng quan điểm.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể làm được các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân có thể thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật. Do đó, để thực hiện dự án một cách tốt nhất, doanh nghiệp tư nhân tham gia phải là những doanh nghiệp có tầm chứ không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm.
“Ví dụ như VinSpeed của Tập đoàn VinGroup, đây là tên tuổi đã làm đủ các công trình lớn rồi. Họ cũng có những kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Về tài chính họ cũng có đủ nguồn lực để tiếp cận, mua các công nghệ của nước ngoài. Cho nên tôi cho rằng, doanh nghiệp này có thể hoàn toàn làm được những dự án trọng điểm.
Tôi nghĩ các doanh nghiệp tư nhân khi được tham gia dự án sẽ rất trách nhiệm với với từng đồng tiền mình bỏ ra. Tuy nhiên, cần lưu ý, doanh nghiệp tư nhân ở tầm nào sẽ phù hợp với dự án tầm đó. Với những dự án trọng điểm quốc gia, cần phải giao cho những doanh nghiệp có tầm bậc nhất chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Nguồn: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-lam-duong-sat-toc-do-cao-phai-so-bo-dua-de-chon-ar945739.html
Bình luận (0)