Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp Việt đang thực thi ESG ra sao để phát triển bền vững?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp đã trải qua hành trình vài chục năm đầu tư và thực thi ESG. Việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, mở rộng cơ hội kinh doanh, hút vốn đầu tư...

Báo Dân tríBáo Dân trí28/04/2025


Lựa chọn đầu tư sớm cho ESG

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thực hành ESG từ năm 1990 và đẩy mạnh từ năm 2010.

Trả lời phóng viên báo Dân trí, đại diện Vinamilk nhận thấy sau nhiều năm thực hành ESG, việc đầu tư sớm cho phát triển bền vững sẽ tác động tích cực và lâu dài hơn. "Khoản tiền từ việc tiết kiệm tài nguyên ở hiện tại và tương lai sẽ mang đến lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt khi giá của nguyên, nhiên liệu ngày càng đắt đỏ", vị này cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí vận hành, mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư, duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp… Công ty có thể chủ động hơn khi thế giới thiết lập những "hàng rào xanh" về mảng xuất nhập khẩu, đầu tư.

Doanh nghiệp Việt đang thực thi ESG ra sao để phát triển bền vững? - 1

Trang trại sinh thái của Vinamilk (Ảnh: Vinamilk).

Đại diện doanh nghiệp này nhận định, phát triển bền vững là mục tiêu hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Giảm phát thải không phải là câu chuyện của một doanh nghiệp riêng lẻ mà ai trong chúng ta cũng nằm trong chuỗi giá trị chung. Do đó, phát triển bền vững cần sự chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng để đi đến thành quả chung.

Là doanh nghiệp đi trước nhiều năm về phát triển bền vững, Vinamilk hiểu rằng khi thực thi sẽ tốn chi phí. Tuy nhiên, chi phí hiện tại sẽ là khoản đầu tư cho tương lai và sẽ chuyển hóa thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm nữa.

Các thực hành phát triển bền vững cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí vận hành và tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi. "Hãy bắt đầu nghĩ về viễn cảnh những chi phí phát sinh khi không thực hành phát triển bền vững", vị đại diện nói.

Ngoài ra, phát triển bền vững và doanh thu là 2 yếu tố song hành, bổ trợ lẫn nhau. Không có lợi nhuận sẽ không có doanh nghiệp nào bền vững. Tuy nhiên, để có lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi bền vững, sáng suốt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng ngày càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ.

Đại diện đơn vị trên cho rằng ngày nay, việc thực hành ESG có nhiều lợi thế hơn trước, như các nhà đầu tư đã sẵn sàng, Chính phủ hỗ trợ, người tiêu dùng đồng tình và khoa học về biến đổi khí hậu ngày càng chính xác hơn. Đó cũng là động lực để các công ty theo đuổi các giá trị bền vững, dài hạn, bởi ESG không còn là sự lựa chọn mà là yếu tố bắt buộc quyết định khả năng và thời gian tồn tại của doanh nghiệp.

ESG là sức mạnh để phát huy giá trị cốt lõi

Theo nhận định của các lãnh đạo FPT, ESG và phát triển bền vững mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Theo đó, ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm năng mở rộng thị trường ở những lĩnh vực khó; giảm thiểu nguồn chi cho doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển bền vững ESG còn giúp doanh nghiệp hạn chế thất thoát lợi nhuận, giúp cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên và nâng cao cơ hội thu hút vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT - nói tại hội thảo được báo Dân trí tổ chức hồi tháng 8/2024: ESG là sức mạnh để doanh nghiệp, trong đó có FPT, phát huy giá trị cốt lõi. "Hơn cả doanh thu, lợi nhuận, thị trường, ESG đem lại môi trường làm việc hạnh phúc cho đơn vị, tổ chức của mình", ông Khoa nhìn nhận.

Doanh nghiệp Việt đang thực thi ESG ra sao để phát triển bền vững? - 2

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa (Ảnh: FPT).

FPT có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó khi ký hợp đồng với khách hàng, việc đầu tiên họ đòi hỏi là phải tuân thủ ESG. Trước hết, tôn trọng quyền bình đẳng giới, thời gian làm việc… Nếu doanh nghiệp đáp ứng mới ký được hợp đồng với khách hàng.

Đại diện FPT lưu ý, ESG không phải là một món trang sức, mang vào vì xu hướng. Khi triển khai ESG, có 3 yếu tố quan trọng với doanh nghiệp: Thứ nhất là tính quan trọng với tổ chức và chiến lược kinh doanh, thứ hai là tính cấp thiết và cuối cùng là khả năng thực hiện đề án. 

Nói về tầm quan trọng của ESG, ông Nguyễn Thế Phương - Phó tổng giám đốc FPT - cũng nhấn mạnh, "ESG là những yếu tố tạo nên sức mạnh của tập đoàn". Theo đó, định hướng và những ưu tiên về ESG là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn và phản ánh vai trò, trách nhiệm của tập đoàn với các bên liên quan trọng yếu.

Không chỉ quán triệt ở cấp quản lý, trong năm vừa rồi, tập đoàn còn triển khai chương trình đào tạo "bộ quy định chính sách cần biết FPT" trong quy mô toàn tập đoàn để trang bị cho nhân viên những kiến thức cần thiết về các quy định nội bộ và định hướng phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Trong mảng chuyển đổi xanh, tập đoàn này cũng đã phát triển giải pháp toàn diện liên quan tới ESG như dịch vụ tư vấn lộ trình triển khai ESG, giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro giúp các doanh nghiệp tự động hóa, số hóa toàn bộ quy trình thu thập dữ liệu, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế...

Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex - nói hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, không thể tách rời khỏi các yếu tố môi trường - xã hội - cộng đồng. Doanh nghiệp hiểu và tin rằng chiến lược ESG giúp Gelex xây dựng giá trị dài hạn và niềm tin từ công chúng để đi xa hơn, vươn cao hơn.

Do đó, tập đoàn này thực hành ESG không theo trào lưu mà xuất phát từ trách nhiệm, trong tâm huyết, trong suy nghĩ, hành động quyết định mọi hoạt động kinh doanh và cách ứng xử với các bên liên quan đều tuân thủ nguyên tắc bền vững. 

Khi mọi doanh nghiệp đều đặt mục tiêu ESG, Gelex không coi đó là một cuộc đua. Tập đoàn sống cùng ESG mỗi ngày, để từ từ vun đắp nền móng vững chắc cho doanh nghiệp. Qua đó, Gelex phát huy giá trị cốt lõi và thực hiện sứ mệnh của mình đối với cổ đông, đối tác, khách hàng, người lao động và cộng đồng. 

Dưới góc độ một ngân hàng, Eximbank xác định phát triển bền vững là mục tiêu cốt lõi, tập trung vào năng lực tài chính lành mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa nguồn thu. Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản trị và kinh doanh, đồng thời minh bạch hóa quản trị theo thông lệ thị trường chứng khoán.

Về nhân sự, Eximbank đầu tư phát triển đội ngũ chất lượng cao, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và sáng tạo.

Ngân hàng tích cực triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, hỗ trợ ngành tiêu dùng và sản xuất ít carbon, quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng. Đồng thời, tăng cường các kênh giao dịch điện tử, thúc đẩy thói quen sử dụng dịch vụ thân thiện với môi trường.

Eximbank cũng chú trọng tiết kiệm tài nguyên tại các điểm giao dịch và tổ chức đào tạo nội bộ nhằm nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, góp phần xây dựng ngân hàng xanh, phát triển hài hòa giữa tài chính và trách nhiệm xã hội.

"Không bán được hàng nếu không phát triển bền vững"

Ở góc độ công ty nông nghiệp, Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) bắt đầu với phát triển bền vững từ hơn 14 năm trước, hành trình theo đuổi ESG xuất phát từ yêu cầu của đối tác, của thị trường.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - hay còn được biết đến với cái tên "ông vua hồ tiêu", cho biết từ năm 2010 công ty đã bỏ ra 800 triệu để thuê chuyên gia ESG về đẩy mạnh phát triển bền vững. Thời điểm đó, đối tác mua hạt tiêu của Phúc Sinh ở nước ngoài mong muốn sẽ đạt tỷ trọng 50% hàng ESG trên kệ, do đó nếu công ty không phát triển bền vững sẽ không bán hàng được.

Tuy nhiên, dù rót nhiều vốn để làm ESG nhưng Phúc Sinh đã thất bại trong 2 năm đầu thực hiện. Nguyên do là thời điểm đó không dễ để thuyết phục, quản lý hàng trăm, hàng nghìn nông dân làm theo mô hình ESG. Phát triển bền vững khi đó vẫn còn là khái niệm mới.

Doanh nghiệp Việt đang thực thi ESG ra sao để phát triển bền vững? - 3

Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông (Ảnh: Nam Anh).

Sau đó, công ty dành 2 năm để nhìn lại, phân tích sự thất bại, kiên trì sửa lỗi và quyết định tiếp tục đầu tư bền vững. Đến năm 2014, Phúc Sinh đạt kết quả trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành gia vị tại Việt Nam đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA - Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững).

"Vua tiêu" cho biết chìa khóa giải quyết khó khăn nằm ở việc hiểu văn hóa người nông dân, hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa canh tác, từ đó đồng hành cùng người làm nông. Bên cạnh đó, để làm được phát triển bền vững, Phúc Sinh cũng thiết lập các đội, nhóm, có nhiều nhân sự chuyên biệt để thực hiện.

"Chi phí để phát triển bền vững không phải là rẻ, bên cạnh đó doanh nghiệp khi thực hiện phải kiên định và kiên trì. Tóm gọn lại, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững cần có 3 yếu tố là kiên định, thời gian và tiềm lực tài chính", ông Thông nhấn mạnh.

"Nhờ phát triển bền vững mà chúng tôi vượt qua được nhiều hàng rào", ông Thông kể đến hàng rào an toàn thực phẩm và chống phá rừng. Ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn bền vững khác, nhưng nhờ đã đi trước từ rất lâu, Phúc Sinh tự tin về khả năng hoàn thiện dễ dàng những tiêu chí khắt khe hơn khi đã xây dựng được một nền móng vững chắc.

Đánh giá rủi ro môi trường xã hội là yêu cầu bắt buộc

Ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho biết việc xây dựng và triển khai thành công khung quản trị ESG đã giúp ngân hàng thu hút thành công hàng tỷ USD nguồn vốn ODA từ các tổ chức quốc tế, qua đó giúp cho ngân hàng này đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh và mang lại tác động tích cực đến kinh tế xã hội.

Doanh nghiệp Việt đang thực thi ESG ra sao để phát triển bền vững? - 4

Đánh giá rủi ro môi trường xã hội là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thẩm định, xem xét cấp tín dụng cho khách hàng (Ảnh: ShuttersStock).

Tại Agribank, ngân hàng cũng xây dựng Kế hoạch hành động ESG với định hướng ưu tiên tài trợ dự án xanh, loại trừ ngành nghề gây hại môi trường. Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn bền vững, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Trong khi đó tại Bac A Bank, một trong những bước đi quan trọng nhất là xây dựng hệ thống tín dụng xanh toàn diện. Ngân hàng đã thiết kế các gói vay ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp triển khai các giải pháp bền vững. Đi kèm là quy trình thẩm định chặt chẽ với bộ tiêu chí rõ ràng, giúp lựa chọn và ưu tiên các dự án có tác động tích cực đến môi trường. Những lĩnh vực được ngân hàng đặc biệt quan tâm bao gồm điện mặt trời, nông nghiệp tuần hoàn và công nghệ xử lý chất thải.

Ngày 23/4 vừa qua, báo Dân trí tổ chức thành công Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới". Sự kiện quy tụ nhiều đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia uy tín, chia sẻ nhiều thông điệp, góc nhìn liên quan tới ESG, phát triển bền vững.

Sau lễ ra mắt, giới thiệu Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam vào ngày 22/5/2024, Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất được Ban Tổ chức là báo Dân trí triển khai với chuỗi hoạt động, sự kiện: 2 hội thảo quy mô lớn tại Hà Nội và TPHCM, cuộc thi viết sáng kiến ESG, chuỗi tọa đàm online, phát động Vietnam ESG Awards lần thứ nhất…

Ban Tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam cảm ơn sự tham gia nhiệt tình và đồng hành của Agribank, Thaco, Vietjet và các đối tác…

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet-dang-thuc-thi-esg-ra-sao-de-phat-trien-ben-vung-20250113161906566.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm