Thời gian qua, các doanh nghiệp XNK ở Quảng Ninh gặp không ít khó khăn. Một trong những trở ngại lớn nhất là các quy định kỹ thuật và biện pháp bảo vệ hàng hóa từ những thị trường lớn như Hoa Kỳ. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao khiến giá thành sản phẩm đội lên, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
Không chỉ vậy, các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến và kiểm tra chất lượng, gây thêm áp lực cả về tài chính lẫn nhân lực.
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và bản lĩnh thích ứng nhanh của doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Theo báo cáo từ Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1,95 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 1,4% so với kế hoạch đã đề ra.
Một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu là Công ty CP Thương mại Logistics N.C.T, có trụ sở tại phường Móng Cái 1. Mặc dù nhiều mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, sợi bông, dệt may và trái cây đều chịu ảnh hưởng lớn từ biến động thị trường song Công ty vẫn duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Công ty đã xuất khẩu khoảng 500 container hàng hóa, mỗi container nặng từ 10-28 tấn tùy theo chủng loại, đạt mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty, đà phục hồi này không chỉ là kết quả của nhu cầu thị trường tăng trở lại sau dịch Covid-19, mà còn đến từ quá trình chuyển đổi linh hoạt trong nội bộ doanh nghiệp.
Ông Ninh Văn Trình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Logistics N.C.T, chia sẻ: Sau đại dịch, thị trường không ổn định lâu dài như trước, giá cả và chi phí logistics biến động liên tục. Doanh nghiệp bắt buộc phải có phương án linh hoạt, nếu không sẽ bị hụt hơi ngay trong chính thị trường mình đang nắm giữ.
Được thành lập từ năm 2010, Công ty hiện có hơn 100 lao động, trong đó 28 người chuyên phụ trách các dịch vụ logistics, làm cầu nối giữa nhà sản xuất trong nước và thị trường tiêu thụ quốc tế. Để giữ vững đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Công ty đang tập trung tăng cường chuyển đổi số trong quy trình điều phối và quản lý đơn hàng, đào tạo nhân lực logistics bài bản hơn, duy trì sự linh hoạt trong lựa chọn tuyến đường, mặt hàng và thời điểm xuất khẩu.
Đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh, doanh nghiệp có trụ sở tại phường Hồng Gai cũng vừa ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu của Công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Là doanh nghiệp có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu hải sản, với sản lượng hằng năm duy trì khoảng 1.000 tấn, Công ty hiện tập trung chủ lực vào ba thị trường lớn: Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Trong đó, Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2025, Công ty đã xuất thành công hơn 200 tấn hàng sang Mỹ. Tuy nhiên, do các rào cản thuế quan, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đang tạm thời gián đoạn.
Ông Đỗ Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Dù gặp khó khăn với thị trường Mỹ, chúng tôi vẫn xác định đây là hướng đi chiến lược dài hạn. Việc chinh phục các thị trường khó tính là mục tiêu then chốt nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn cho thấy sự chủ động, bền bỉ và tinh thần đổi mới trong từng khâu sản xuất, xuất khẩu. Không chỉ giữ vững thị trường truyền thống, doanh nghiệp còn từng bước mở rộng ra các thị trường mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng XNK của tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/doanh-nghiep-vuot-kho-giu-da-xuat-khau-3365579.html
Bình luận (0)