Đây là ngày hội lớn nhất của người dân xứ này, thể hiện nét tín ngưỡng truyền thống của người dân địa phương và cũng là để tri ân các bậc tiền hiền đã khai khẩn, lập làng, mong mưa thuận gió hòa, đời sống người dân an yên.
ĐỜI GẮN VỚI SÔNG
Dòng Trà giang trước khi đổ ra biển, đã dùng dằng trôi lững lờ qua xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Có gì ở xứ này mà sông vương vấn thế? Có chăng là cửa Đại mịt mù, bên tả ngạn là Thiên Mã sơn uy nghi nhìn ra biển, như trông chừng nậu biển đi - về. Còn hữu ngạn sông Trà là Cổ Lũy cô thôn mờ ảo dưới ánh sáng bình minh long lanh, mịt mờ sương ảnh mỗi bận hoàng hôn.
Đoạn sông Trà chảy qua xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), nơi tổ chức đua thuyền tứ linh
ẢNH: P.A
Cái dùng dằng của Trà giang tạo ra nhiều sản vật nước lợ phong phú. Đó là khi dòng sông hết lũ, cá thời bơi nổi tiếng từ phía biển bơi vào trú ngụ. Những con cá bống nước lợ cũng sinh sôi ở khúc sông này, tạo nên đặc sản cá bống sông Trà vang danh. Rồi nhiều sản vật khác ở sông Trà đã giúp cho người dân nơi đây cải thiện đời sống. Cái dùng dằng ấy còn tạo ra các bãi bồi giữa lòng sông. Người Tịnh Long chèo thuyền ra những bãi bồi phì nhiêu ấy canh tác, rau màu từ đó xanh bãi, đầy tràn các chợ quê và TP.Quảng Ngãi.
Từ đó, người dân Tịnh Long luôn biết ơn với "thành hoàng" sông nước quê mình, nhớ ơn những bậc tiền hiền đã khai lập đất này. Hàng trăm năm qua, theo cuộc mưu sinh, nhiều bến sông đã xuất hiện ở đây. Nào là bến Lò Rèn, nơi dân tình mài dao, rèn nông cụ; bến Chợ Chiều tấp nập khách sông hồ đến mua bán, tắm giặt, lấy nước. Ngoài ra còn có bến Cưa, bến Ông Cảnh…, những địa danh ăn sâu trong lòng người dân bản địa.
Một thuyền tứ linh đang trên đường đua vào sáng mùng 5 Tết Ất Tỵ 2025
ẢNH: P.A
Trước khi cúng bến sông, người dân thường hay cúng nhà thờ các dòng tộc tiền hiền khai khẩn đất. Đặc biệt, 4 nhà thờ tiền hiền 4 thôn ở xã Tịnh Long, nơi thờ và lưu giữ các thuyền đua tứ linh truyền thống (long, ly, quy, phụng), đều hướng ra dòng sông Trà, đủ biết dòng sông này đã ăn sâu trong tâm tưởng của họ qua nhiều thế hệ.
Bờ sông xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi nối liền với cửa Đại, cửa biển ở xã An Phú (TP.Quảng Ngãi)
ẢNH: P.A
Theo ông Phạm Lanh, một cao niên ở xã Tịnh Long, việc cúng bến sông mỗi thôn không trùng về thời gian, nhưng nhất định phải trong mùa xuân, trước khi diễn ra lễ tế xuân tại đình làng Sung Tích. Đây cũng là tên của xã Tịnh Long xưa và theo các ghi chép để lại, được hình thành từ rất sớm, khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.
BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT
Dù có nhiều lễ hội trong năm, nhưng với người Tịnh Long, đua thuyền tứ linh vẫn là ngày hội lớn nhất. Từ xưa nay, phong tục đua thuyền tứ linh có phần bớt đi ít nhiều, nhưng không giảm đi sự trân trọng của lễ hội có một không hai ở đất này. Theo lời kể các bậc cao niên, khi đóng thuyền đua phải cúng kiếng bài bản, mong không xảy ra rủi ro, để thuyền trở thành "con giao long" mạnh mẽ vẫy vùng sông nước.
Người dân chèo thuyền mang cờ, trống ra sông cổ vũ hội đua thuyền
ẢNH: P.A
Thông thường, mỗi thôn có 4 chiếc thuyền đua, tất cả đều để ở nhà thờ tiền hiền và thành hoàng của thôn, trong đó thuyền đua cũng xem như được thờ ở đây, được gọi tôn kính là "ông thuyền". Thuyền dùng để đua dài 14 m, 3 chiếc còn lại được gửi đi các chùa chiền để cúng, đến tháng chạp được dân làng rước về với các nghi lễ khí thế, có cả múa lân.
Để đua thuyền tứ linh, những tháng đầu năm, các thôn chọn 50 thanh niên khỏe mạnh và một đàn ông trung niên có kinh nghiệm giữ nhịp đua. Quan niệm ở đây cho rằng trong cuộc đua, nếu thuyền thôn nào về trước thì năm đó thôn xóm yên bình, làm ăn được và không xảy ra rủi ro. Đến ngày 11 tháng chạp hằng năm, các thôn làm lễ xin rước thuyền để hạ thủy, đưa ra bến sông cho trai làng tập luyện.
Theo ông Huỳnh Ân (75 tuổi, ở thôn Tăng Long), ngày xưa, trước khi diễn ra hội đua thuyền (mùng 5 và 6 Tết Nguyên đán), các bậc cao niên và ban thờ tự của thôn sẽ đứng ra cúng thuyền. Còn thanh niên được chọn đua thuyền thì mùng 1 Tết Nguyên đán phải đến nhà thờ tiền hiền và thành hoàng ăn ở, túc trực, phải "ngủ chay" nằm đất 2 đêm. Đến ngày xuất thuyền và đua xong, các trai làng này mới được về nhà. Ngày nay, trước mỗi dịp đua thuyền tứ linh, các bậc lão niên lại nhắc nhở các chàng trai về phong tục này.
Đúng mùng 5 Tết Nguyên đán, ban thờ tự các thôn cùng đội đua thuyền và dân làng bày lễ vật cúng tế ở nhà thờ tiền hiền và thành hoàng. Xong lễ, thuyền của các thôn chính thức xuống sông bắt đầu cuộc đua. Tại đây, hàng trăm, hàng ngàn người dân đến tham gia, cổ vũ với cờ, trống rợp trời, hò reo theo từng nhịp chèo, nhịp trống, náo nhiệt cả một khúc sông. Theo ông Huỳnh Ân, 4 thuyền đua của 4 thôn trải qua 4 vòng đua, sau đó sẽ chọn ra thứ tự nhất, nhì, ba và tư.
Ông Bùi Đức Mẫn (71 tuổi, ở thôn Tăng Long) cho biết từ nhỏ ông đã được xem hội đua thuyền tứ linh. Đến nay, không khí náo nhiệt của ngày hội chỉ tăng lên chứ chưa giảm đi bao giờ. Trước khi diễn ra, từ chiều hôm trước người dân đã háo hức chen kín bờ sông. Rồi sau lễ hội đua thuyền, lắng đọng lại là những cảm xúc thiêng liêng về tình làng nghĩa xóm, sự tri ân với dòng sông quê, các thành hoàng, bậc tiền hiền...
Mùng 5 Tết Ất Tỵ (2.2.2025) vừa qua, tại lễ đón bằng công nhận của Bộ VH-TT-DL đối với lễ hội đua thuyền tứ linh ở xã Tịnh Long là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh chính quyền và nhân dân sẽ tiếp tục góp sức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
"Di sản này mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Quảng Ngãi và là biểu tượng của tình đoàn kết, sức mạnh cộng đồng và khát vọng chinh phục thiên nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức", ông Giang nói. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dua-thuyen-tu-linh-tren-song-tra-185250402220709222.htm
Bình luận (0)