Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo kho tư liệu Hán Nôm ở Gia Lai

Bia mộ là loại tư liệu đặc biệt có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa địa phương. Những ngôi mộ cổ giúp xác định được những di dân đầu tiên có mặt...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng03/07/2025

Bia mộ là loại tư liệu đặc biệt có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa địa phương. Những ngôi mộ cổ giúp xác định được những di dân đầu tiên có mặt tại địa phương.

Vì thế tư liệu này có ý nghĩa và vai trò quan trọng, nhất là ở vùng không còn tồn tại các di sản tư liệu khác như sắc phong, văn tế, văn khắc, giấy tờ đất trong các đình, chùa, miếu mạo và tư gia.

Tại Gia Lai (cũ) chỉ còn chừng 10 ngôi mộ cổ có văn bia. “Tuy ít ỏi, nhưng quý giá, bởi đây là bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh quá trình di dân lập làng của người Kinh lên vùng cao nguyên này. Việc giải mã văn tự bia mộ có thể làm thay đổi nhận thức lịch sử, văn hóa của một địa phương”, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) cho biết.

Giữa tháng 6, chúng tôi nhận được thư mời dự lễ giỗ Tiền hiền và kỷ niệm 100 năm thành lập làng Phú Cần, xã Phú Cần, huyện Krông Pa (cũ) nay thuộc xã Phú Túc (mới).

Theo dân gian địa phương, cách đây hơn trăm năm, những di dân từ Phú Yên rủ nhau lên vùng đất cao nguyên để trao đổi, buôn bán với người Jrai bản địa, với sản phẩm chủ yếu là mắm, muối, cá khô đổi lấy hàng lâm thổ sản. Sau nhiều lần giao thương, người Kinh ở Phú Yên nhận thấy vùng đất này gần lưu vực sông, đất đai phì nhiêu, bằng phẳng và phù hợp canh tác lúa nước. Họ quyết định khai khẩn, định cư nơi miền đất mới, kêu gọi thêm người làng từ Phú Yên lên lập làng Phú Cần vào năm 1925. Người có công lao lớn nhất trong việc mộ dân lập làng là cụ Phan Hữu Phàn.

Theo quy định của chính quyền đương thời, “ai đủ tiền, đủ sức, muốn trưng khẩn mấy cũng có”. Nhờ sự khuyến khích của chính quyền địa phương đương thời, cụ Phàn về quê hương Phú Yên mộ được 19 gia đình lên vùng đất ngày nay thuộc buôn Thim và thôn Thắng Lợi, xã Phú Túc, lập làng Phú Cần năm 1925.

Tiến sĩ Sơn dẫn tôi đến Đền thờ Tiền hiền, sau đó đến viếng mộ cụ Tiền hiền. Khu mộ tọa lạc tại buôn Thim, cách đền thờ khoảng 500m về phía đôngbắc, chung quanh là khu vườn nhà dân và một số ngôi mộ cổ nằm rải rác. Mộ xây bằng vôi vữa, có thành quách bao quanh, huyệt để trần không nấm, phía trước có cổng, bình phong và bia. Dù xây từ năm 1942, khu mộ còn khá nguyên vẹn. Năm 2019 người dân và chính quyền địa phương đã trùng tu, xây lưới rào, mái che và làm nấm mộ theo kiểu mới. Mộ cụ Tiền hiền nổi bật hơn các ngôi mộ chung quanh ở quy mô và kiểu thức khác biệt.

Tiến sĩ Sơn cho biết, năm 2022, nhân chuyến công tác tại Krông Pa, anh đến thăm viếng mộ cụ Tiền hiền lần đầu và có những phát hiện quan trọng nhờ giải mã văn bia còn nguyên vẹn tại mộ. Thông tin về năm sinh, ngày tháng năm mất, năm xây mộ được khắc trên bia gốc khác với thông tin công bố lâu nay về cụ Tiền hiền. Các dòng chữ khắc trên bia đá, dù qua hơn 80 năm, vẫn còn nguyên vẹn và sắc nét. Toàn bộ văn tự trên bia gồm 37 chữ ghi tương đối đầy đủ thông tin về cụ Tiền hiền. Tiến sĩ Sơn dịch: “Mộ ông Chánh chủ mộ, hàm Cửu phẩm, chức Đội trưởng, họ Phan. Sinh ngày tháng không rõ, năm Canh Dần tức 1890. Mất vào giờ Dậu (17- 19 giờ) ngày 29 tháng 5 năm Canh Thìn 1940. Mộ được lập vào tháng 4 năm 1942”.

Dân làng kể, sinh thời cụ Tiền hiền tận tình giúp đỡ người nghèo xa xứ đến làm ăn bằng cách chia ruộng đất, cho họ có chỗ ở và đất canh tác. Ông kết nối giao hảo với đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, tạo nếp truyền thống giao lưu người Kinh-Jrai tốt đẹp tại làng Phú Cần. Vì vậy, khi ông mất, dân làng tôn ông như vị thành hoàng thiêng liêng có thể che chở, giúp đỡ dân làng, như vị phúc thần đem lại may mắn, tốt đẹp cho người dân. Tiến sĩ Sơn kể, năm 2023, anh phụ trách thực hiện hồ sơ di tích lịch sử cấp tỉnh “Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần”. Nhân cơ hội này, anh dành nhiều thời gian khảo sát điền dã tại nhiều địa phương, gặp gỡ nhiều nhân chứng ở Gia Lai và Phú Yên để thu thập tài liệu, xác minh thông tin. Việc thực hiện hồ sơ di tích hé lộ thêm nhiều thông tin quý giá về lai lịch cụ Tiền hiền và những vị tiền bối khác của làng Phú Cần.

Phát hiện thú vị là việc tình cờ tìm thấy mộ phu nhân cụ Tiền hiền được an táng sát đền thờ, ngay trong vườn nhà cháu đời thứ 4 là ông Phan Hữu Tâm. Tiến sĩ Sơn cho biết, sở dĩ nói “phát hiện” là do không ai biết đó là mộ cụ bà, không chỉ dân làng mà con cháu trong gia đình như ông Tâm cũng chỉ biết đó là “bà cố ngoại”, còn họ tên, mối quan hệ với cụ Tiền hiền thế nào đều không ai hay. Đến khi Tiến sĩ Sơn tình cờ nhắc về tìm kiếm những ngôi mộ cổ, ông Tâm mới dẫn ra sau vườn và phát hiện ra mộ cụ bà.

Hình dáng, kiểu thức mộ cụ bà y hệt mộ cụ ông, chỉ khác là tỷ lệ bia, cổng, tường bao, quách nhỏ hơn vài phân theo quy cách xưa. Phần văn tự khắc trên tấm bia này cũng còn nguyên vẹn. Theo Tiến sĩ Sơn, đây là: “Mộ của bà Nhụ nhân họ Võ, được triều đình ban Cáo phong, là phu nhân nhà ông Chánh chủ mộ hàm Cửu phẩm chức Đội trưởng họ Phan. Sinh ngày tháng không rõ, năm Mậu Tuất tức 1898. Mất ngày 17 tháng 4 năm Kỷ Mão tức 1939”.

“Khi nhìn thấy ngôi mộ này và tấm bia, tôi run lên vì xúc động, bởi mình đã tìm thấy những điều tưởng rằng đã bị lịch sử lãng quên”, Tiến sĩ Sơn chia sẻ. Anh giải thích thêm, trong giai thoại, ký ức và các câu chuyện truyền miệng cùng tài liệu tại địa phương mấy chục năm qua đều kể rằng cụ Tiền hiền lên Phú Cần khi mới hơn 20 tuổi (vì cho rằng cụ sinh năm 1903), không gia đình, vợ con. Nhưng nay khi nói thông tin trái chiều, rằng cụ Tiền hiền lên Phú Cần lập làng khi đã 35 tuổi và có vợ, nhiều người nghi ngờ tính xác thực của các thông tin mới.

Cuộc gặp gỡ với dì ruột của ông Phan Hữu Tâm là bà Lê Thị Thật sinh năm 1944 từ Phú Yên lên dự lễ giỗ Tiền hiền năm 2024 giúp Tiến sĩ Sơn khám phá thêm chi tiết quan trọng về gia đình cụ Tiền hiền. Theo đó, cụ Tiền hiền không chỉ có vợ, mà còn có hai con gái, và các cháu chắt đời sau của cụ. Điều này càng khiến dân làng khó tin. Đến khi hồ sơ di tích hoàn thành với những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục, dân làng Phú Cần mới công nhận thông tin do Tiến sĩ Sơn phát hiện, xác minh, công bố.

Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần có quy mô khiêm tốn, kiến trúc đơn giản, sạch sẽ, ấm cúng bởi được người dân thường xuyên dâng hương, hoa và chăm sóc đền thờ. Bên trong bài trí ba ban thờ các vị tiền nhân của làng. Mặt đền hướng ra cánh đồng lúa quanh năm xanh tốt.

Năm nay, lễ giỗ Tiền hiền tổ chức trang trọng hơn các năm trước, thu hút khoảng 700 người dự, nhân đón nhận hai sự kiện quan trọng. Một là, bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần. Hai là kỷ niệm 100 năm thành lập Phú Cần. Dân làng, con cháu làm ăn xa nhân dịp này về làng thắp nén nhang bày tỏ lòng tri ân đối với bậc tiền nhân. Với người dân nơi đây, ngày 28/5 không chỉ dành riêng tưởng nhớ cụ Tiền hiền, mà còn là ngày tri ân các vị tiền bối, hậu bối có công khai khẩn, bảo vệ, phát triển làng xã qua trăm năm lịch sử. Ngày này được xem là ngày thành lập làng Phú Cần và ngày hội làng lớn nhất của người Kinh ở huyện Krông Pa xưa.

Nguồn: https://baolamdong.vn/doc-dao-kho-tu-lieu-han-nom-o-gia-lai-381008.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm