Quy trình thiết kế thời trang đầy tâm huyết
Cảm hứng của Phương bắt nguồn từ những khoảnh khắc giúp ông nội, bị yếu cơ và khó vận động, cùng ông ngoại, người gặp khó khăn do tay co rút, mặc quần áo. Những lần hỗ trợ ấy, dù chỉ là suy nghĩ thoáng qua, đã khơi dậy trong cô gái niềm đam mê thiết kế trang phục không chỉ tiện dụng mà còn thời trang, giúp người khuyết tật tự tin thể hiện cá tính.
Nguyễn Châu Phương (Cầm hoa). ẢNH: NVCC
Ngoài ra những video sống lạc quan, biết làm đẹp cho bản thân của Cô Khuyết (tên thật là Anh Thư) có hơn 230.000 lượt theo dõi trên TikTok, người có khiếm khuyết về cơ thể, nhưng có nghị lực sống phi thường, cũng truyền cảm hứng cho Phương thực hiện nên đồ án này.
“Khuyết tật cũng chỉ là một dạng đa dạng của cơ thể. Ai cũng có quyền thể hiện bản thân qua trang phục”, Phương khẳng định. Đồ án của Phương khởi động từ tháng 9.2024 và hoàn thành vào tháng 6.2025. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thanh thoát của mặt trăng và phong cách tối giản.
Đề tài không chỉ có giá trị học thuật và ứng dụng trong thực tế, mà còn là bước khởi đầu cho những nghiên cứu sâu hơn về thiết kế thời trang vì cộng đồng. ẢNH: NVCC
Quá trình sáng tạo của Phương được thực hiện tỉ mỉ. Cô bắt đầu với 20 bản vẽ phác thảo, sau đó chọn lọc 4 mẫu để hiện thực hóa. Mỗi thiết kế được tích hợp các tính năng như khóa dán và nút từ tính dễ sử dụng, form dáng linh hoạt phù hợp với nhu cầu đặc thù của người mặc.
Phương chọn cách tiếp cận cá nhân hóa, tuyển chọn người mẫu trước, trực tiếp đến gặp họ để nghiên cứu cấu trúc cơ thể và những khó khăn trong vận động. Cách làm này đảm bảo từng bộ trang phục không chỉ thoải mái mà còn giúp người mặc tự tin hơn. “Có mẫu rất đẹp nhưng còn hạn chế về tính năng. 4 mẫu được thực hiện đảm bảo cân bằng giữa thẩm mỹ và công năng”, Phương chia sẻ.
Phương không chỉ tạo ra những bộ quần áo, mà còn xây dựng một sân chơi để những người khuyết tật có thể tự tin bước lên sân khấu.ẢNH: NVCC
Bộ sưu tập sử dụng các chất liệu được chọn lựa kỹ lưỡng như: tapta vân gỗ, von tơ xốp và lụa… những loại vải ít nhăn, phù hợp cho người ngồi lâu hoặc hoạt động hàng ngày. Các chất liệu này hòa hợp với phong cách tối giản, mang đến những thiết kế ứng dụng, thanh lịch, đường nét gọn gàng và vẻ đẹp tinh tế.
Tỏa sáng theo cách riêng
Phương lấy cảm hứng từ sự tự lập và tinh thần vượt khó của những người khuyết tật: “Mình ngưỡng mộ cách họ đối mặt và vượt qua những thử thách trong cuộc sống”. Bộ sưu tập của Phương giúp người mặc cảm thấy tự tin và thời trang.
Một trong những người mẫu của Phương, Nguyễn Phan Lan Anh, (23 tuổi), bị khuyết tật vận động bẩm sinh khiến tay chân teo cơ và khó khăn trong đi lại, cầm nắm, đã có cơ hội lần đầu bước lên sàn diễn. Với Lan Anh, trải nghiệm này là một bước ngoặt. “Đây là cơ hội để mình thể hiện cá tính và tỏa sáng theo cách riêng, điều mà trước đây chưa từng nghĩ tới”, Lan Anh nói.
Nguyễn Phan Lan Anh. ẢNH: NVCC
Đồ án với chi phí khoảng 30 triệu đồng, là tâm huyết lớn của Phương. Có những lúc cô cảm thấy “lạc lối” và khó xác định mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, sự quyết tâm tạo ra sự thay đổi ý nghĩa đã giúp cô vượt qua. “Đây không chỉ là quần áo. Mà là mang đến cho mọi người sự tự do để thể hiện con người thật của họ”, Phương khẳng định.
Những thiết kế mang phong cách tối giản của Phương tạo cơ hội cho những phụ nữ trẻ khuyết tật tự tin thể hiện bản thân. Sau khi tốt nghiệp, Phương dự định tiếp tục phát triển thời trang ứng dụng, với mong muốn mở rộng thiết kế để phục vụ nhiều dạng khuyết tật hơn khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm.
Qua bộ sưa tập này, Phương không chỉ tạo ra bộ quần áo, mà còn xây dưngh một sân chơi để những người khuyết tật như Lan Anh có thể tự tin bước lên sân khấu. Với Phương, thời trang không chỉ là vẻ bề ngoài, mà là cách để truyền cảm hứng và tôn vinh sự đa dạng của con người.
Thạc sĩ Lê Thuỳ Trang, Phó trưởng bộ môn thiết kế thời trang, Khoa Thời trang và Du lịch, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: “Đồ án tốt nghiệp của Phương là sự kết hợp hài hòa giữa tư duy thẩm mỹ, tính ứng dụng thực tiễn và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Lấy cảm hứng từ hình ảnh mặt trăng kết hợp phong cách tối giản, Phương đã khai thác hiệu quả yếu tố chất liệu, cấu trúc và hình khối để tạo nên những thiết kế trang phục thích ứng dành cho nữ khuyết tật vận động. Đây là nhóm đối tượng khá yếu thế, còn ít được quan tâm trong lĩnh vực thời trang”.
Theo thạc sĩ Trang, thông qua việc vận dụng linh hoạt kỹ thuật thiết kế 2D truyền thống và công nghệ 3D hiện đại, Phương không chỉ thể hiện kỹ năng chuyên môn vững vàng mà còn bộc lộ tư duy thiết kế có chiều sâu, mang tính nhân văn. Đề tài không chỉ có giá trị học thuật và ứng dụng trong thực tế, mà còn là bước khởi đầu quan trọng, mở ra tiềm năng cho những nghiên cứu sâu hơn về thiết kế thời trang vì cộng đồng trong tương lai.
Nguồn:https://thanhnien.vn/doc-dao-bo-suu-tap-thoi-trang-cho-nguoi-khuyet-tat-185250701133438553.htm
Bình luận (0)